Quyết định 289-QĐ/TW ngày 08 tháng 2 năm 2010 về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÁN BỘ
ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH
– Căn cứ Điều lệ Đảng;
– Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá X;
– Xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương,
BAN BÍ THƯ QUYẾT ĐỊNH
1- Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh".
2- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.
3- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định.
| T/M BAN BÍ THƯ Trương Tấn Sang |
QUY CHẾ
CÁN BỘ ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH
(kèm theo quyết định số 289-QĐ/TW, ngày 8-2-2010 của Ban Bí thư)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng cho những đối tượng sau đây thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi tắt là cán bộ đoàn):
1- Những người giữ chức danh bí thư chi đoàn, phó bí thư, bí thư đoàn cấp cơ sở trở lên.
2- Những người làm việc trong các cơ quan chuyên trách của Đoàn và trực tiếp làm công tác đoàn, hội, đội, phong trào thanh thiếu nhi từ cấp huyện và tương đương trở lên.
3- Trợ lý thanh niên, cán bộ ban thanh niên trong Quân đội nhân dân; uỷ viên ban công tác thanh niên các cấp trong Công an nhân dân.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Các nội dung liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Quy chế này được áp dụng trong hệ thống Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1 – "Cấp uỷ đảng" là chi uỷ, đảng uỷ, thường vụ cấp uỷ và gồm cả ban cán sự đảng, đảng đoàn.
2- "Tập thể lãnh đạo" là tập thể có thẩm quyền trong công tác cán bộ, gồm cấp uỷ đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
3- "Đoàn cấp tỉnh" gọi chung cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương.
4- "Đoàn cấp huyện" gọi chung cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các huyện (quận, thị xã, thành phố) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương.
5- "Đoàn cấp cơ sở" gọi chung cho đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở.
6- "Cán bộ đoàn chuyên trách" là những người được hưởng lương để chuyên làm công tác đoàn, hội, đội, phong trào thanh thiếu nhi.
Điều 4. Quan điểm, nguyên tắc
1- Công tác cán bộ đoàn là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đoàn, đồng thời tạo nguồn bổ sung cán bộ cho hệ thông chính trị.
2- Công tác cán bộ đoàn có tính đặc thù riêng, do vậy cán bộ đoàn đòi hỏi có độ tuổi sát với độ tuổi thanh niên; thời gian giữ chức vụ ngắn; có sự thay đổi nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
3- Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ đoàn và quản lý đội ngũ cán bộ đoàn, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ đoàn.
4- Cấp uỷ đảng chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ đoàn và quản lý cán bộ đoàn theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ; cùng với tập thể lãnh đạo chủ trì, phối hợp với ban thường vụ đoàn cấp trên trong việc bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển chức danh bí thư, phó bí thư đoàn cùng cấp.
Chương II
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA CÁN BỘ ĐOÀN
Điều 5. Nghĩa vụ của cán bộ đoàn
1- Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân Việt Nam; kiên định mục tiêu và lý tưởng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; xung kích đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; đường lối, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước và các quy định của cơ quan, đơn vị sử dụng lao động; gương mẫu chấp hành Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sự phân công của tập thể lãnh đạo, ban thường vụ đoàn cùng cấp và sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đoàn cấp trên.
3- Tận tuỵ với công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tôn trọng và liên hệ mật thiết với đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
4- Tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện sức khoẻ và kỹ năng công tác đoàn.
5- Cán bộ đoàn ở mỗi cấp, mỗi địa phương, đơn vị phải là tấm gương cho đoàn viên và thanh niên noi theo.
Điều 6. Quyền của cán bộ đoàn
1- Được thông tin đầy đủ, được tham gia ý kiến với cấp uỷ đảng, lãnh đạo, người sử dụng lao động về chủ trương, kế hoạch triển khai nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp có liên quan đến công tác đoàn và công tác thanh thiếu nhi.
2- Được bố trí thời gian thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức và tham gia các hoạt động của Đoàn.
3- Được ưu tiên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh… để phục vụ công tác đoàn, hội, đội, phong trào thanh thiếu nhi và các nhiệm vụ công tác khác.
4- Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định chung của Đảng, Nhà nước và theo Quy chế này.
5- Được bố trí công tác phù hợp khi quá tuổi làm cán bộ đoàn.
Chương III
TIÊU CHUẨN CÁN BỘ ĐOÀN
Điều 7. Tiêu chuẩn chung
Tiêu chuẩn cán bộ đoàn được cụ thể hoá theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) là:
1- Có tinh thần yêu nước, trung thành với Tổ quốc, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
2- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không cơ hội; nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có khả năng tổ chức tập hợp, gắn bó mật thiết và được sự tín nhiệm của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và nhân dân.
3- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; trình độ học vấn, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu của vị trí công tác được giao; trưởng thành từ phong trào đoàn, hội, đội hoặc tham gia hoạt động phong trào thanh thiếu nhi hoặc đã được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức công tác thanh vận.
4- Có sức khoẻ tốt; ngoại hình phù hợp với công tác thanh vận; tuổi cán bộ đoàn được quy định theo cương vị được giao và có thể hơn từ 1 đến 2 tuổi đê phù hợp với yêu cầu công tác cụ thể.
Điều 8. Tiêu chuẩn Bí thư Trung ương Đoàn và Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn
1- Bí thư Trung ương Đoàn
a) Nắm vững và có khả năng vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đoàn; có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực đề xuất, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của Đoàn; có tư duy chiến lược về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; là cán bộ tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác, có phong cách lãnh đạo, khả năng điều hành tốt công việc.
b) Trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân.
c) Giữ chức vụ lần đầu không quá 40 tuổi và giữ chức vụ không quá 42 tuổi.
d) Đã kinh qua thực tiễn công tác một trong các cương vị:
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương.
– Bí thư, phó bí thư đoàn cấp tỉnh.
– Trưởng, phó các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn.
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phải là tấm gương tiêu biểu trong Đoàn và đối với thanh niên cả nước; độ tuổi do cấp quản lý quyết định theo yêu cầu công tác.
2- Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn
a) Nắm vững và có khả năng vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đoàn; có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực đề xuất, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của Đoàn; có phong cách lãnh đạo, khả năng điều hành tốt công việc.
b) Trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân.
c) Giữ chức vụ lần đầu không quá 37 tuổi và giữ chức vụ không quá 42 tuổi.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568