Quyết định 111/2009/QĐ-TTg theo quy định về điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đối với tổ chức, cá nhân; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THAM GIA HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/UBTVQH12 ngày 26 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đối với tổ chức, cá nhân; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động và quản lý hoạt động công nghiệp quốc phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức (không bao gồm cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và cơ sở công nghiệp động viên), cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự là các phương tiện chuyên dùng phục vụ cho chỉ huy, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện của các lực lượng vũ trang.
2. Hoạt động công nghiệp quốc phòng bao gồm:
a) Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự;
b) Dịch vụ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh;
c) Mua sắm, dự trữ, bảo quản vật tư, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh;
d) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
3. Hợp đồng quốc phòng là hợp đồng kinh tế được ký giữa một bên là cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và bên kia là tổ chức, cá nhân để thực hiện lĩnh vực ngành nghề theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.
Điều 4. Nguyên tắc tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng
1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước và nền kinh tế quốc dân, mở rộng phương thức huy động vốn của tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia xây dựng công nghiệp quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, gắn hoạt động công nghiệp quốc phòng với các mục tiêu quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, gắn lợi ích của Nhà nước và lợi ích của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.
2. Tổ chức, cá nhân được tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng trên cơ sở năng lực hiện có, đáp ứng các điều kiện tùy theo từng lĩnh vực, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Điều 5. Phương thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng
Tổ chức, cá nhân có thể tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo hai phương thức sau:
1. Thực hiện hợp đồng quốc phòng thông qua phương thức đặt hàng, tổ chức, cá nhân được chỉ định để triển khai hoạt động công nghiệp quốc phòng có yêu cầu đặc biệt về sản phẩm, trình độ chuyên môn và cơ sở vật chất kỹ thuật.
2. Thực hiện hợp đồng quốc phòng thông qua phương thức đấu thầu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568