Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh? Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh?
Luật sư
1. Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
Tổ chức, cá nhân sản xuất được đề cập đến ở đây chính là các chủ thể tiến hành tạo ra sản phẩm để cung ứng cho thị trường tiêu dùng, hoặc cung ứng những sản phẩm, hàng hóa cho sản xuất,… Còn tổ chức, cá nhân kinh doanh là những chủ thể thực hiện hoạt động trao đổi, mua bán, dịch vụ hàng hóa nhằm thu lại lợi nhuận. Luật Giá năm 2012 quy định quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Điều 11 của luật. Theo đó, thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các quyền sau:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Bản thân các tổ chức, cá nhân sản xuất căn cứ vào nguyên liệu, công sức bỏ ra để sản xuất ra sản phẩm để có thể xác định giá cụ thể hoặc khung giá của sản phẩm, dịch vụ. Còn các cá nhân, tổ chức kinh doanh thì căn cứ vào giá mà họ vào dịch vụ, sản phẩm và công sức của họ để định giá sản phẩm, dịch vụ. Quyền năng này của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị hạn chế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Hiện nay, thì Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. (Khoản 1 Điều 19 Luật Giá năm 2019). Việc định giá của Nhà nước này nhằm đảm bảo sự ổn định về giá cả của những sản phẩm đặc thù trên thị trường.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu. Quyền này cũng tương tự như quyền định giá ở trên kia, Nhà nước có quyền định giá đối với những hàng hóa nêu trên và tiến hành định khung với những hàng hóa quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 19 Luật Giá năm 2012: “Định khung giá đối với: giá phát điện; giá bán buôn điện; mức giá bán lẻ điện bình quân; giá dịch vụ hàng không khác; giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;”. Trong các trường hợp này thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể, tình hình thực tiễn để quyết định mức giá cụ thể phù hợp đối với các loại hàng hóa, dịch vụ.
Quyền đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá, hiệp thương giá và cạnh tranh về giá dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ. Đây là quyền cơ bản của các thương nhân nói chung khi tham gia vào các quan hệ sản xuất, kinh doanh.
Quyền áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ. Việc Nhà nước quy định các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá chính là khung cơ sở để tiến hành việc định giá, nên việc căn cứ vào các quy định đó để định giá là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó, việc căn cứ vào quy định của Nhà nước giúp cho việc định giá chính xác, phù hợp với thị trường và năng lực của người sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Thị trường luôn luôn biến động không ngừng, nên khi có sự biến động về nguyên liệu, giá trị lao động,…. hình thành giá thì các tổ chức, cá nhân có quyền điều chỉnh giá để phù hợp.
Quyền ” hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu, đồng thời phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau:
a) Hàng tươi sống;
b) Hàng hóa tồn kho;
c) Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;
d) Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;
đ) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;
e) Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.” (Khoản 6 Điều 11 Luật Giá năm 2012)
Đây là những trường hợp mà người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có quyền được hạ giá để khắc phục những trường hợp bất lợi trên thực tế hoặc trong trường hợp được Nhà nước cho phép. Việc hạ giá này không thuộc trường hợp bị cấm hay cũng không thuộc trường hợp bán phá giá.
Quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Quyền này thể hiện sự chủ động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi có sự thay đổi về yếu tố hình thành giá, giá hàng hóa, dịch vụ mà họ cung ứng, sản xuất cũng thay đổi, mà trong các trường hợp họ không có quyền định giá thì họ có quyền đề nghị để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh giá cá, dịch vụ.
Quyền tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước và các thông tin công khai khác và quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá; yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật. (Khoản 8,9 Điều 11 Luật Giá năm 2012)
2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
Tương ứng với các quyền thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng có các nghĩa vụ trong lĩnh vực giá. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được quy định tại Điều 12 Luật Giá năm 2012. Theo đó, bao gồm các nghĩa vụ sau:
Nghĩa vụ lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Nghĩa vụ này chủ yếu thuộc về các chủ thể trực tiếp sản xuất, cung ứng dịch vụ ra thị trường, bởi họ chính là chủ thể nắm rõ nhất về các hàng hóa, dịch vụ mà họ cung ứng, từ đó có thể xác định giá cả phù hợp dựa trên các yếu tố hình thành giá. Việc lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ giúp các cơ quan nhà nước có cái nhìn toàn diện và chi tiết nhất để quyết định giá của hàng hóa, dịch vụ.
Nghĩa vụ chấp hành quyết định về giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các quyết định về giá của cơ quan nhà nước phải được chính các chủ thể này thực hiện, vì họ chính là người tạo và đưa những sản phẩm, dịch vụ đến thị trường, và cũng chính là nhân tố chi phối giá của hàng hóa, dịch vụ.
Nghĩa vụ đăng ký giá bán hoặc giá mua đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã đăng ký theo quy định của pháp luật và kê khai giá bán hoặc giá mua hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã kê khai đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá theo quy định. (Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Luật Giá năm 2012). Đối với các trường hợp phải đăng ký giá hoặc kê khai thì nghĩa vụ đăng ký, kê khai này là nghĩa vụ đương nhiên đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Việc đăng ký, kê khai này đi cùng trách nhiệm của các chủ thể đăng ký, kê khai về tính chính xác của mức giá mà họ đăng ký hoặc kê khai.
Nghĩa vụ niêm yết giá, niêm yết giá chính là hoạt động xác định mức giá áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ mà khi mua, bán hàng hóa phải tuân theo mức giá đó. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nghĩa vụ niêm yết đúng giá và mua, bán đúng giá niêm yết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định giá niêm yết và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Nghĩa vụ công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình. Việc công khai này nhằm đảm bảo tính minh bạch cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, để họ biết và quyết định về việc có sử dụng hàng hóa, dịch vụ được cung ứng hay không. Tránh các trường hợp sau khi quyết định mua hàng hóa, dịch vụ mới công khai giá gây tranh chấp hoặc việc áp dụng nhiều giá khác nhau đối với từng khách hàng.
Nghĩa vụ cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp Nhà nước định giá, áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. (khoản 7 Điều 12 Luật Giá năm 2012). Khi có yêu cầu cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu, nếu từ chối việc cung cấp phải nêu rõ lý do từ chối cung cấp.
Nghĩa vụ giải quyết kịp thời mọi khiếu nại về giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Khi có khiếu nại về giá của người tiêu dùng, thì các chủ thể này phải tiến hành giải quyết kịp thời và đầy đủ khiếu nại. Nếu các chủ thể này có hành vi vi phạm pháp luật về giá mà gây thiệt hại đối với người tiêu dùng hoặc các chủ thể khác thì họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.