Về người tập sự hành nghề công chứng? Quyền của người tập sự hành nghề công chứng? Nghĩa vụ của người tập sự hành nghề công chứng?
Nghề công chứng là một trong những nghề nghiệp rất thịnh hành hiện nay. Để được hành nghề công chứng thì các cá nhân phải đạt đủ các điều kiện luật định và trải qua quá trình tập sự hành nghề. Và trong quá trình tập sự hành nghề hành nghề, các cá nhân phải tuân thủ các nghĩa vụ và được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về quyền, nghĩa vụ của người tập sự hành nghề công chứng.
* Cơ sở pháp lý
– Thông tư số 04/2015/TT- BTP ngày 15 tháng 04 năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng.
1. Về người tập sự hành nghề công chứng
Khoản 1 Điều 11 Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau: “1. Người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng…”
Theo quy định này, thì hoạt động tập sự là hoạt động bắt buộc để cá nhân có thể hành nghề công chứng. Để được tập sự hành nghề công chứng, thì cá nhân phải học qua chương trình đào tạo nghề công chứng và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Người tập sự ở đây hiểu theo khía cạnh đơn giản hơn chính là “người học nghề”, trực tiếp tham gia học tập, thực hành về nghiệp vụ công chứng. Hoạt động tập sự được thực hiện tại một tổ chức hành nghề công chứng. Và khi tập sự tại tổ chức hành nghề công chứng, thì các cá nhân phải tiến hành đăng ký với Sở Tư pháp.
Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của cá nhân tập sự hành nghề công chứng được quy định tại Điều 9 Thông tư số 04/2015/TT- BTP ngày 15 tháng 04 năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng. Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người tập sự hành nghề công chứng.
2. Quyền của người tập sự hành nghề công chứng
Người tập sự hành nghề công chứng được tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự tạo điều kiện thực hiện nội dung tập sự theo quy định; được hưởng thù lao theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự. Đây là quyền cơ bản của người tập sự. Khi đăng ký tập sự tại tổ chức hành nghề công chứng, thì các cá nhân đó sẽ được tạo điều kiện cho việc thực hiện các nội dung, như tạo điều kiện quan sát, thực hành hoạt động nghề nghiệp. Trong quá trình tập sự, thì cá nhân tập sự cũng đóng góp phần công sức không nhỏ trong hoạt động công chứng của tổ chức, nên cá nhân đó sẽ được trả những phụ cấp, thù lao tương ứng với công sức của mình.
Người tập sự hành nghề công chứng được công chứng viên hướng dẫn tập sự hướng dẫn các nội dung tập sự, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Người tập sự (điểm b). Bản thân những người tập sự là những cá nhân chưa có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm thực tế làm việc trong hoạt động công chứng. Do vậy, khi mới tập sự, những người tập sự này sẽ có những người thầy giảng dạy, hướng dẫn những kinh nghiệm tập sự cho họ, để họ từng bước làm quen với nghề nghiệp này, đồng thời cũng phòng tránh những sai phạm do sự hiểu biết còn hạn hẹp của người tập sự trong quá trình tập sự.
Công chứng viên được đề nghị thay đổi công chứng viên hướng dẫn tập sự trong các trường hợp quy định. Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 04/2015/TT- BTP quy định thì người tập sự được đề nghị thay đổi công chứng viên hướng dẫn trong trường hợp người hướng dẫn chết, hoặc vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác mà không thể thực hiện việc hướng dẫn hoặc trong trường hợp công chứng viên hướng dẫn không thực hiện hoạt động hướng dẫn đúng theo quy định. Trong trường hợp này, xuất phát từ quyền được hướng dẫn của người tập sự đã nói ở trên. Hoạt động hướng dẫn phải diễn ra liên tục thì mới đảm bảo được sự truyền đạt đầy đủ, chi tiết các nội dung tập sự cho người tập sự. Đồng thời, cá nhân thực hiện hoạt động hướng dẫn cũng phải là người có trách nhiệm với hoạt động hướng dẫn của mình, bởi nếu họ không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của người hướng dẫn thì cá nhân hướng dẫn cũng không có cơ hội tiếp thu kiến thức, cũng như người hướng dẫn cũng đánh giá, nhận xét về năng lực của người tập sự trong quá trình tập sự một cách đầy đủ, khách quan, chính xác. Do đó, việc hướng dẫn là vô cùng quan trọng, khi nhận thấy bản thân mình không được đảm bảo quyền lợi được hướng dẫn mà nguyên nhân xuất phát do người hướng dẫn thì cá nhân tập sự đường quyền yêu cầu thay đổi người hướng dẫn.
Quyền được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng theo quy định. Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, thì người tập sự được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng để được cấp chứng chỉ hành nghề công chứng. Đây là quyền cơ bản của người tập sự, sau quá trình học tập và tập sự, thì người tập sự tham gia kỳ thi để đạt được chứng chỉ hành nghề, đây chính là mục đích chính của hoạt động học tập và tập sự trước đó. Do vậy, mà quyền được đăng ký là quyền không bị giới hạn bởi một điều nào.
Ngoài ra, những người tập sự còn có thể được hưởng các quyền khác theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Nghĩa vụ của người tập sự hành nghề công chứng
Người tập sự hành nghề công chứng có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Luật công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ cơ bản của các cá nhân nói chung và các cá nhân hành nghề công chứng nói riêng. Đặc biệt trong quá trình công chứng, thì các cá nhân phải tuân thủ pháp luật điều chỉnh trực tiếp đến hoạt động nghề nghiệp của mình là Luật Công chứng đồng thời cũng phải tuân thủ các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Nghĩa vụ tuân theo nội quy, quy chế của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự. Mỗi tổ chức hành nghề công chứng có nội quy, quy chế hoạt động riêng biệt, mà là người tập sự của tổ chức nào thì người tập sự phải tuân theo những nội quy, quy chế của tổ chức đó. Bởi lẽ khi tập sự hành nghề, các tổ chức đã tạo điều kiện để các cá nhân có cơ hội được tập sự, thì các cá nhân này cũng chính là một bộ phận trong tổ chức, phải đảm bảo hoạt động ổn định của tổ chức cho tập sự bằng việc tuân theo những nội quy, quy chế của tổ chức.
Nghĩa vụ thực hiện các công việc thuộc nội dung tập sự quy định theo sự phân công của công chứng viên hướng dẫn tập sự. Nội dung tập sự hành nghề công chứng hiện này được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư số 04/2015/TT- BTP, nghĩa vụ của người tập sự là tuân theo việc thực hiện các nội dung đó. Đồng thời, trong quá trình tập sự, thì người tập sự cũng phải thực hiện các công việc do công chứng viên hướng dẫn. Bởi lẽ, những nội dung tập sự trong luật được xây dựng trên cơ sở thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với hành nghề công chứng, do đó, tuân theo nội dung tập sự thì mới phát triển được hết kỹ năng cần có của người tập sự để phục vụ cho quá trình hành nghề sau này.
Chịu trách nhiệm trước công chứng viên hướng dẫn tập sự và tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự về kết quả và tiến độ của các công việc được phân công (điểm d Khoản 2). Quy định này dựa trên cơ sở trong quá trình tập sự, thì người tập sự có thể được tham gia vào một số hoạt động của tổ chức hành nghề, do vậy, người tập sự phải chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động của mình trong quá trình tập sự. Dù được hướng dẫn nhưng hoạt động của người tập sự vẫn là hoạt động độc lập, do đó, các cá nhân này phải chịu nghĩa vụ về những hoạt động của mình là điều hoàn toàn hợp lý.
Nghĩa vụ nộp Báo cáo kết quả tập sự hành nghề công chứng theo quy định. Báo cáo kết quả tập sự hành nghề công chứng là căn cứ để đánh giá quá trình tập sự của người hành nghề công chứng và cũng là cơ sở để quản lý hoạt động tập sự của cá nhân tập sự. Do vậy, việc lập và nộp báo cáo là nghĩa vụ không thể thiếu trong quá trình tập sự hành nghề công chứng của người tập sự. Đồng thời, báo cáo này cũng chính là cơ sở trong việc đăng ký kiểm tra và cấp chứng chỉ hành nghề công chứng của người tập sự.
Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về nội dung công chứng và các thông tin có liên quan mà mình biết được trong quá trình tập sự. Giữ bí mật thông tin về công chứng là nghĩa vụ cơ bản của công chứng viên, và trong quá tập sự, người tập sự tham gia vào quá trình công chứng thì cũng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin. Nghĩa vụ này nhằm bảo vệ quyền của người sử dụng dịch vụ công chứng cũng như các vấn đề bảo mật khác của tổ chức hành nghề công chứng.
Ngoài ra, người tập sự có thể phải thực hiện cácác nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự hoặc theo quy định của pháp luật.