Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa là hoạt động quen thuộc trong thị trường thương mại Việt Nam. Vậy quyền và nghĩa vụ của người bán với chất lượng hàng hóa được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
Điều 5 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể:
– Nguyên tắc 1: Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sau:
+ Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng;
+ Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
– Nguyên tắc 2: Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
– Nguyên tắc 3: Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm thực thi các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài ra, điều luật này cũng quy định rõ, hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
2. Quyền và nghĩa vụ của người bán với chất lượng hàng hóa:
2.1. Quyền của người bán với chất lượng hàng hóa:
Theo quy định tại Điều 15 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, người bán hàng có các quyền cơ bản sau đây:
– Người bán có quyền quyết định cách thức kiểm tra chất lượng hàng hóa.
– Người bán có quyền lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, giám định hàng hóa.
– Người bán có quyền quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng hàng hóa.
– Người bán được giải quyết tranh chấp theo quy định và yêu cầu người sản xuất, người nhập khẩu đã cung cấp hàng hóa bồi thường thiệt hại theo quy định.
– Người bán sản phẩm, hàng hóa có quyền khiếu nại kết luận của kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Chủ thể bán hàng được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của người bán hàng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
Theo quy định tại Điều 16 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, người bán hàng có các nghĩa vụ cơ bản sau đây:
– Người bán hàng phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.
– Kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa là một trong những nghĩa vụ mà người bán hàng phải đảm bảo thực hiện.
– Người bán hàng phải thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Trong quá trình bán hàng hóa, sản phẩm, người bán hàng sẽ phải sử dụng các biện pháp để duy trì chất lượng hàng hóa trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản.
– Người bán hàng có nghĩa vụ thông báo cho người mua điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng hàng hóa; cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hóa cho người mua; cung cấp tài liệu, thông tin về hàng hóa bị kiểm tra cho kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Người bán hàng phải đảm bảo nghĩa vụ kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa cho người mua khi nhận được thông tin cảnh báo từ người sản xuất, người nhập khẩu; kịp thời dừng bán hàng, thông tin cho người sản xuất, người nhập khẩu và người mua khi phát hiện hàng hóa gây mất an toàn hoặc hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
– Hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người mua trả lại là nhiệm vụ mà người bán hàng phải thực hiện trong quá trình bán sản phẩm, hàng hóa.
– Ngoài ra, người bán hàng còn có các nghĩa vụ khác như: Hợp tác với người sản xuất, người nhập khẩu thu hồi, xử lý hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Bồi thường thiệt hại theo quy định; Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trả chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định theo quy định.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
Theo quy định tại Điều 8 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các hành vi bị nghiêm cấm đối với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao gồm:
– Sản xuất sản phẩm, nhập khẩu, mua bán hàng hóa đã bị Nhà nước cấm lưu thông.
– Sản xuất sản phẩm, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
– Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng.
– Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng.
– Dùng thực phẩm, dược phẩm không bảo đảm chất lượng hoặc đã hết hạn sử dụng làm từ thiện hoặc cho, tặng để sử dụng cho người.
– Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
– Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.
– Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa đối với người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.
– Sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa bằng nguyên liệu, vật liệu cấm sử dụng để sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa đó.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoặc bao che hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Lợi dụng hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để gây phương hại cho lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
4. Chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
Nhà nước đã đưa ra các chính sách liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bao gồm:
– Khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm, hàng hóa và công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh.
– Xây dựng chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
– Đầu tư, phát triển hệ thống thử nghiệm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, vì quyền lợi người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nâng cao nhận thức xã hội về tiêu dùng, xây dựng tập quán tiêu dùng văn minh.
– Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia vào hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
– Mở rộng hợp tác với các quốc gia, các vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức và cá nhân nước ngoài trong hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp với tổ chức tương ứng của các nước, vùng lãnh thổ nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.