Các bên trong hợp đồng mượn tài sản? Quyền và nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản? Quyền và nghĩa vụ của bên mượn tài sản?
Hợp đồng mượn tài sản là một trong những hợp đồng thông dụng hiện nay. Khi tham gia vào hợp đồng mượn tài sản, các bên phải thực hiện theo đúng nghĩa vụ và được thực hiện các quyền theo quy định của Bộ luật dân sự và theo các bên thỏa thuận. Dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mượn tài sản.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Các bên trong hợp đồng mượn tài sản:
Các bên trong hợp đồng mượn tài sản hay chính là chủ thể của hợp đồng mượn tài sản, đó chính là những người tham gia vào quan hệ hợp đồng mượn tài sản, bao gồm có bên mượn tài sản và bên cho mượn tài sản.
Bên cho mượn là người có tài sản cho mượn và có quyền đối với tài sản cho mượn. Bên cho mượn có thể là người chủ sở hữu tài sản hoặc cũng có là người sử dụng tài sản được phép chuyển giao quyền sử dụng đối với tài sản.
Bên mượn là người có nhu cầu sử dụng tài sản và đã thỏa thuận thống nhất ý chí với người cho mượn.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mượn tài sản được quy định từ Điều 496 đến Điều 499
2. Quyền và nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản:
* Nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản
Bên cho mượn tài sản là người chủ sở hữu tài sản hoặc là người sử dụng tài sản nhưng có quyền chuyển dịch tài sản đó. Việc cho mượn tài sản là hoàn toàn thể hiện đúng ý chí tự nguyện của bên cho mượn nhằm mục đích giúp đỡ bên mượn. Do đó, một khi đã chấp nhận cho mượn tài sản thì bên cho mượn phải tạo điều kiện để bên mượn sử dụng được tài sản đó. Cụ thể, bên cho mượn phải “cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có” ( khoản 1 Điều 498 Bộ luật dân sự ). Có vậy, bên mượn tài sản mới khai thác tốt tính năng sử dụng của tài sản mượn, tránh được thiệt hại cho tài sản. Nếu bên mượn bị thiệt hại do việc sử dụng tài sản đó thì bên mượn có quyền yêu cầu bên cho mượn bồi thường thiệt hại do việc không cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết của tài sản; trừ trường hợp khuyết tật đó dễ nhận thấy mà lẽ ra bên mượn biết hoặc phải biết trước khi sử dụng ( khoản 3 Điều 498 Bộ luật dân sự), tức là trường hợp tài sản đó có khuyết tật rõ rệt mà người cho mượn cũng như người mượn cũng đều có thể dễ dàng nhận thấy điều đó.
Không chỉ đối với tài sản, mà kể cả trong trường hợp người cho mượn biết người mượn không đủ khả năng để sử dụng tài sản đó mà vẫn cố tình cho mượn đã gây thiệt hại cho người thứ ba, thì người cho mượn cũng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người thứ ba.
Mặt khác, để tránh việc bên cho mượn lợi dụng sự phụ thuộc của bên mượn mà chây ỳ trong việc sửa chữa những khuyết tật, hỏng hóc gây khó khăn cho người mượn, luật đã quy định nghĩa vụ của bên cho mượn phải “thanh toán những chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản, nếu có ”( khoản 2 Điều 498 Bộ luật dân sự). Nghĩa là bên cho mượn phải hoàn trả cho bên mượn những chi phí thực tế mà bên mượn đã ứng trước để sửa chữa tài sản, hoặc làm tăng giá trị tài sản. Thông thường, nghĩa vụ này được các bên thỏa thuận trước khi giao kết hợp đồng. Còn đối với những chi phí khác nhằm mục đích để bảo quản tài sản thì dù không thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho mượn cũng phải hoàn trả cho bên mượn chi phí đó nếu như bên mượn đã ứng trước.
*Quyền của bên cho mượn tài sản
Khoản 1 Điều 499 Bộ luật dân sự quy định quyền đòi lại tài sản của bên cho mượn khi hết hạn hợp đồng, hoặc khi mục đích mượn đã đạt được, nếu hợp đồng không có thời hạn xác định.
Về nguyên tắc, nếu trong hợp đồng hai bên đã thỏa thuận rõ về thời hạn hoàn trả tài sản thì cứ đúng hạn bên mượn phải thực hiện nghĩa vụ đó, mà không cần bên cho mượn phải lên tiếng đòi. Nhưng, trường hợp hai bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng người cho mượn có quyền đòi lại tài sản bất kỳ lúc nào, thì người cho mượn có quyền đòi lại tài sản đó ngay cả khi hợp đồng chưa hết thời hạn, mà không cần phải nêu rõ lý do.
Trường hợp hai bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng người cho mượn chỉ được đòi lại tài sản khi hết hạn hợp đồng hoặc khi mục đích mượn đã đạt được, thì người cho mượn không có quyền đòi lại tài sản mà không có một ngoại lệ nào. Có thể nói, pháp luật dân sự rất đề cao và tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận của hai bên trong giao kết hợp đồng. Sự hạn chế quyền của người mượn thể hiện ở chỗ, nếu trong hợp đồng không có sự thỏa thuận rõ về thời hạn mượn, mà người cho mượn có nhu cầu sử dụng tài sản cấp bách, thì người cho mượn có quyền đòi lại tài sản đó mặc dù người mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo cho người mượn biết trước một thời gian hợp lý.
Một quyền nữa của bên cho mượn tài sản có thể coi là quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp, “ bên mượn sử dụng tài sản không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận, hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn ” (khoản 2 Điều 499 Bộ luật dân sự ). Trên thực tế, mục đích của người cho mượn là nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng tài sản của người mượn. Do đó, người cho mượn chỉ đảm bảo quyền lợi cho người mượn khi người mượn thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng. Vì vậy, nếu người mượn dùng tài sản vào mục đích khác, sử dụng không đúng công dụng, chức năng, cách thức sử dụng của tài sản, thậm chí cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của người cho mượn, thì người cho mượn có quyền đòi lại tài sản đó.
Trong trường hợp này, người mượn có đủ điều kiện để hỏi lại người cho mượn cách sử dụng tài sản, hoặc cho người khác mượn lại tài sản. Nhưng chính sự tùy tiện của người mượn đã dẫn tới việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của người cho mượn. Và cũng chính sự tùy tiện đó dễ dẫn tới một thiệt hại cho tài sản mượn.
“Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra ” (khoản 3 Điều 499 Bộ luật dân sự) cũng là một quyền của người cho mượn. Có nghĩa là, người mượn trong quá trình sử dụng tài sản mượn do lỗi của mình đã làm hư hỏng hoặc làm mất tài sản đã gây ra một thiệt hại cho người cho mượn. Trong trường hợp này, người cho mượn có quyền yêu cầu người mượn phải bồi thường thiệt hại.
3. Quyền và nghĩa vụ của bên mượn tài sản:
* Nghĩa vụ của bên mượn tài sản
So với nghĩa vụ của bên cho mượn, thì nghĩa vụ của bên mượn nặng nề hơn và có tính trách nhiệm cao hơn. Do đó, nghĩa vụ của bên mượn được Bộ luật dân sự quy định đầu tiên.
Người mượn phải có nghĩa vụ “giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản ; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa ” (khoản 1 Điều 496 Bộ luật dân sự). Dù không được thỏa thuận trong hợp đồng, người mượn cũng phải giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình. Việc bảo quản tài sản vừa đảm bảo chất lượng của tài sản, vừa để phục vụ cho việc khai thác lợi ích từ tài sản tốt hơn. Ví dụ như: Xe hết xăng thì phải đổ, xe bẩn thì phải rửa ; quần áo bẩn thì phải giặt ; mượn nhà thì phải quét dọn, lau chùi sạch sẽ…..
Người mượn muốn làm tăng giá trị tài sản mượn, làm thay đổi tình trạng tài sản mượn, thì phải được sự đồng ý của người cho mượn, nếu không sẽ phải bồi thường thiệt hại.
Khoản 2 Điều 496 quy định nghĩa vụ của người mượn “ không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn ”. Mặc dù chưa hết thời hạn mượn, nhưng người mượn cũng không được tự ý cho người khác mượn lại mà không hỏi ý kiến của người cho mượn. Về nguyên tắc, người mượn chỉ có quyền chiếm hữu và sử dụng chứ không có quyền định đoạt tài sản đó. Do vậy, người mượn trong mọi trường hợp không được phép cho người khác mượn lại, đặc biệt là không được dùng tài sản mượn để cầm cố, thế chấp…. sử dụng không đúng mục đích thỏa thuận.
Nghĩa vụ hoàn trả tài sản mượn được quy định tài khoản 3 Điều 496 Bộ luật dân sự. Khi hết hạn thỏa thuận trong hợp đồng, người mượn phải tự giác trả lại cho người cho mượn đúng tài sản mượn, theo đúng phương thức, địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng mà không cần phải đợi người cho mượn nhắc. Nếu trong hợp đồng không có điều khoản thỏa thuận về thời hạn trả thì người mượn phải trả lại ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được, tránh trường hợp lợi dụng ý tốt của người cho mượn mà người mượn chây ỳ không chịu trả.
Nghĩa vụ nữa của người mượn được quy định tại khoản 4 Điều 496 Bộ luật dân sự, đó là: người mượn phải “ bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn ”. Người mượn có thể do không biết cách sử dụng đã sử dụng tài sản không đúng cách thức, không đúng công dụng, không tuân thủ theo quy trình, sử dụng vượt quá khả năng cho phép của tài sản…. đã làm cho tài sản bị hư hỏng. Đó hoàn toàn là do lỗi của người mượn. Bởi vậy, người mượn ngoài chi phí sửa chữa tài sản, còn phải bồi thường thiệt hại cho người cho mượn.
Nghĩa vụ cuối cùng của bên mượn tài sản đó chính là “5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.” (Khoản 5 Điều 496
* Quyền của bên mượn tài sản
Một trong những quyền cơ bản của người mượn tài sản được Bộ luật dân sự đặt lên hàng đầu, đó là quyền “ được sử dụng tài sản theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận ” ( khoản 1 Điều 497 Bộ luật dân sự). Điều khoản này thường được các bên thỏa thuận rõ ngay từ khi giao kết hợp đồng.
Một trong những quyền của bên mượn tương ứng với nghĩa vụ của bên cho mượn, đó là quyền “ yêu cầu bên cho mượn phải thanh toán chi phí hợp luôn về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận ” ( khoản 2 Điều 497 Bộ luật dân sự ). Làm tăng giá trị tài sản mượn là làm lợi cho chính chủ sở hữu nhưng phải có sự đồng ý của họ. Nếu tài sản bị hỏng hóc thông thường thì người mượn phải tự sửa chữa và phải chịu trách nhiệm với khoản chi phí đó. Nhưng những hỏng hóc do tình trạng của tài sản bị xuống cấp, hoặc hỏng hóc nặng mà không do lỗi của người mượn thì người mượn có thể yêu cầu người cho mượn chịu trách nhiệm thanh toán chi phí sửa chữa đó.