Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhiều loại hình thiên tai. Vì thế yêu cầu phòng chống thiên tai được đặt ra cho các chủ thể trong xã hội. Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về vấn đề: Quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong phòng chống thiên tai?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm và một số loại thiên tai cơ bản:
Thiên tai hay còn gọi là hiểm họa, là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, về tài sản, về môi trường và điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế xã hội khác. Nhìn chung thì bao gồm các loại thiên tai cơ bản sau: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. Trong đó, 02 loại thiên tai là hạn hán bão mưa lớn là 02 loại hình phổ biến nhất, cụ thể:
– Hạn hán là hậu quả của việc không có mưa trong một thời gian dài và những yếu tố khí tượng đi kèm như nhiệt độ cao, gió mạnh, độ ẩm không khí thấp, nguồn nước thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Hạn hán thường gây ra ảnh hưởng trên diện rộng, tuy ít khi là nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại về con người nhưng thiệt hại về kinh tế xã hội do hạn hán gây ra rất lớn;
– Mưa lớn hay mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hoặc nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày liên tục hoặc ngắt quãng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa. Căn cứ vào lượng mưa thực tế đo được tích lũy trong 12 hoặc 24 giờ tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, trạm đo mưa trong mạng lưới khí tượng thuỷ văn mà phân định các cấp mưa khác nhau, bao gồm mưa vừa, mưa to và mưa rất to.
2. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân phòng chống thiên tai:
Căn cứ vào quy định tại Điều 34 của Luật Phòng chống thiên tai năm 2020, thì có thể chỉ ra một số quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong phòng chống thiên tai, cụ thể như sau:
2.1. Quyền của cá nhân trong phòng chống thiên tai:
– Chủ thể là cá nhân có quyền tiếp cận các thông tin cơ bản và chủ yếu về phòng, chống thiên tai do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
– Chủ thể là cá nhân có quyền tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng;
– Chủ thể là cá nhân có quyền tham gia vào các chương trình thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống thiên tai; có quyền tham gia vào các chương trình nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai phù hợp với điều kiện cụ thể;
– Chủ thể là cá nhân có quyền được hoàn trả vật tư, được hoàn trả phương tiện; có quyền được nhận tiền công lao động khi tham gia ứng phó khẩn cấp thiên tai đối với cộng đồng theo lệnh huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Nếu bị thương, bị chết thì các chủ thể tham gia ứng phó thiên tai sẽ được xem xét, hưởng chế độ, chính sách như đối với các đối tượng có công với cách mạng như thương binh, liệt sỹ … theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
– Chủ thể là cá nhân có quyền được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của cá nhân trong phòng chống thiên tai:
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chủ động xây dựng và bảo vệ cũng như nâng cấp các công trình thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn trước thiên tai hoặc di dời đến nơi an toàn; ngoài ra thì cá nhân không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, và có nghĩa vụ thực hiện các phương án ứng phó thiên tai tại địa phương;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ tổ chức sản xuất, cũng tư tổ chức các hoạt động kinh doanh phù hợp với đặc điểm thiên tai tại địa phương;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chủ động trang bị thiết bị cần thiết để tiếp nhận bản tin dự báo thiên tai dưới sự chỉ đạo của cơ quan và chủ thể có thẩm quyền;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư vật tư, chuẩn bị các loại phương tiện theo khả năng để phòng, chống thiên tai;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chủ động dự trữ lương thực và thực phẩm, các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch theo khả năng để bảo đảm đời sống khi thiên tai xảy ra phù hợp với đặc thù thiên tai tại địa phương;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin, tín hiệu phù hợp; phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về vị trí, tình trạng của phương tiện đang hoạt động cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi thiên tai xảy ra; khi gặp tàu thuyền khác bị nạn phải kịp thời cứu hộ, tìm kiếm, cứu nạn, trường hợp vượt quá khả năng phải bằng mọi cách thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn (nếu đó là chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, trên sông);
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chủ động ứng phó, và chuẩn bị những biện pháp khắc phục khi có hậu quả xảy ra, nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi thiên tai xảy ra; cá nhân phải có nghĩa vụ tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ tuân thủ theo sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền về việc sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật lực cũng như các nhu yếu phẩm để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện hoạt động phòng chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc sau khi bị tác động của thiên tai;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng, chống thiên tai và tham gia xử lý sự cố công trình trong khả năng của mình;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ cung cấp những dữ liệu và thông tin quan trọng về diễn biến thiên tai, thiệt hại do thiên tai cho cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi nhận biết của mình;
– Chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật; ngoài ra thì chủ thể là cá nhân có nghĩa vụ chủ động giúp đỡ người bị thiệt hại do thiên tai tại địa phương.
3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức phòng chống thiên tai:
Căn cứ vào quy định tại Điều 35 của Luật Phòng chống thiên tai năm 2020, thì có thể chỉ ra một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong phòng chống thiên tai, cụ thể như sau:
3.1. Quyền của tổ chức trong phòng chống thiên tai:
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có quyền được trả thù lao hoàn trả hoặc bồi thường về vật tư và các trang thiết bị tham gia ứng phó khẩn cấp thiên tai đối với cộng đồng theo lệnh huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như người có thẩm quyền;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có quyền được tham gia đầu tư dự án xây dựng công trình với mục đích phục vụ cho quá trình phòng, chống thiên tai kết hợp đa mục tiêu theo quy hoạch, kế hoạch của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và được khai thác lợi ích do việc đầu tư mang lại theo quy định của pháp luật.
3.2. Nghĩa vụ của tổ chức trong phòng chống thiên tai:
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ chủ động xây dựng, bảo vệ công trình, xây dựng và bảo vệ các cơ sở vật chất của mình và tổ chức sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn trước thiên tai;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng, chống thiên tai;
– Có nghĩa vụ phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trước rủi ro thiên tai khi xây dựng các công trình; có nghĩa vụ chấp hành quy định về bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ tham gia vào các chương trình truyền thông về phòng, chống thiên tai; có nghĩa vụ phải nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai; có nghĩa vụ tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai theo kế hoạch của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ chấp hành sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền cũng như người có thẩm quyền trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ chấp hành lệnh huy động khẩn cấp nhân lực và các loại vật tư, cũng như các trang thiết bị, và các nhu yếu phẩm để phục vụ hoạt động ứng phó tình huống khẩn cấp;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ chủ động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong phạm vi quản lý của mình khi bị tác động của thiên tai;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương trong khả năng của mình;
– Các tổ chức phòng chống thiên tai có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của Chính phủ.
4. Một số nguyên tắc cơ bản trong quá trình phòng, chống thiên tai:
Nhìn chung thì các chủ thể trong quá trình phòng chống thiên tai phải tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản sau:
– Phải chủ động phòng ngừa và phòng chống thiên tai một cách kịp thời và có hiệu quả, khẩn trương khắc phục những hậu quả xảy ra;
– Phòng chống thiên tai là trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền và các tổ chức cá nhân trong xã hội, trong đó thì nhà nước giữ vai trò chủ đạo và các tổ chức cá nhân trong xã hội giữ vai trò chủ động, cộng đồng cần phải giúp sức cùng nhau trong quá trình phòng chống thiên tai;
– Thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: bao gồm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và lực lượng tại chỗ;
– Cần tiến hành lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai vào trong sự phát triển của kinh tế xã hội của địa phương cũng như quy hoạch và kế hoạch phát triển của các ngành nghề;
– Tiến hành phòng chống thiên tai phải đảm bảo tính nhân đạo và minh bạch, phải đảm bảo sự bình đẳng giới và công bằng xã hội, phải được dựa trên cơ sở khoa học kết hợp với việc sử dụng kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật công nghệ, kết hợp giữa giải pháp công trình và giải pháp phi công trình, kết hợp với bảo vệ môi trường và bảo vệ các hệ sinh thái cũng như ứng biến đổi khí hậu;
– Phải được thực hiện theo sự phân công và phân cấp, phòng chống thiên tai phải có sự kết hợp và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai đã được dự đoán.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phòng chống thiên tai năm 2020.