Quyền trẻ em được chăm sóc thay thế theo pháp luật quốc tế? Pháp luật quốc tế có những ghi nhận quan trọng về quyền trẻ em được chăm sóc thay thế?
Trước thế kỷ XX, tất cả các xã hội đều đơn giản xem trẻ em là tài sản riêng của các bậc cha mẹ, của mỗi gia đình. Đầu thế kỷ XX đời sống trẻ em vẫn chưa được coi là vấn đề được quan tâm của cộng đồng quốc tế. Vấn đề quyền trẻ em chỉ thực sự được quan tâm từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) với sự thành lập các Tổ chức cứu trợ của Anh và Thụy Điển vào năm 1919.
Năm 1923, Hiến chương về quyền trẻ em ra đời. Năm 1924 Hội quốc liên đã chấp thuận thông qua Tuyên ngôn Giơnevơ về quyền trẻ em do Hiệp hội quốc tế về quỹ cứu trợ trẻ em soạn thảo trên cơ sở Hiến chương về quyền trẻ em năm 1923, kể từ đây quyền trẻ em đã trở thành một khái niệm được khẳng định và thừa nhận. Hiến chương đã đề ra 5 điểm về các quyền của trẻ em:
– Thứ nhất, trẻ em phải được tạo điều kiện để phát triển bình thường về thể chất và tinh thần;
– Thứ hai, trẻ em đói phải được ăn; ốm đau phải được chữa bệnh; chậm phát triển phải được nâng đỡ; trẻ em hư phải được dìu dắt; mồ côi và không người thừa nhận phải được thu nhận, cưu mang;
– Thứ ba, trẻ em phải được ưu tiên cứu giúp khi xảy ra hoạn nạn;
– Thứ tư, trẻ em phải được tạo khả năng để có công ăn việc làm và phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột;
– Thứ năm, trẻ em phải được nuôi dạy với tinh thần được phát huy những năng lực tốt nhất nhằm phục vụ loài người.
Năm 1948, Liên Hợp quốc thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, trong đó đã khẳng định “Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và quyền tự do, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, như về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, gốc gác dân tộc hoặc xã hội, tài sản, nơi sinh hoặc bất cứ một thực trạng nào khác” . Trẻ em được thừa nhận là chủ thể được thừa hưởng đầy đủ các quyền con người, được bình đẳng như các thành viên trong xã hội khác. Bên cạnh đó tuyên ngôn thế giới về quyền con người còn khẳng định “Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Mọi trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú, đều phải được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau”. Như vậy, không chỉ được hưởng tất cả những quyền con người cơ bản, trẻ em còn được xem là đối tượng đặc biệt cần được toàn xã hội bảo vệ.
Năm 1959, Liên Hợp quốc ra Tuyên bố thứ hai về quyền trẻ em. Tuyên bố năm 1959 kế thừa và phát triển nội dung của Tuyên bố Giơnevơ năm 1924, khẳng định rằng: “Trẻ em, do chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực cần có sự bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, bao gồm sự bảo vệ về pháp lý thích hợp, trước cũng như sau khi sinh. Loài người có trách nhiệm trao cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất”. Tuyên bố năm 1959 kêu gọi các bậc cha mẹ, đàn ông và phụ nữ với tư cách là những cá nhân, kêu gọi các tổ chức tình nguyện, giới cầm quyền địa phương và chính phủ các nước công nhận những quyền của trẻ em và phấn đấu để thực hiện bằng luật pháp và những biện pháp khác theo 10 nguyên tắc và những nguyên tắc này như là 10 nhóm quyền cơ bản của trẻ em.
Trong 10 nguyên tắc, nguyên tắc thứ sáu ghi nhận rằng “Vì sự phát triển đầy đủ và đồng bộ về nhân cách, trẻ cần có sự yêu thương và hiểu biết, ở bất cứ đâu có thể, trẻ sẽ lớn lên trong sự chăm sóc và với trách nhiệm của cha mẹ, và trong bất cứ trường hợp nào phải được chăm sóc trong bầu không khí yêu thương và an toàn về mặt vật chất và tinh thần, trẻ trong thời kỳ được chăm sóc sẽ không, trừ trường hợp đặc biệt, tách khỏi mẹ của trẻ; Xã hội và chính quyền có nhiệm vụ phải chăm sóc đặc biệt cho trẻ không có gia đình và cho những trẻ không có các phương tiện hỗ trợ đầy đủ.
Nhà nước được yêu cầu hỗ trợ hoặc trả tiền cho việc giúp đỡ những trẻ em trong các gia đình đông con” , việc quy định rằng xã hội và chính quyền có nhiệm vụ phải chăm sóc cho trẻ không có gia đình hoặc không có các phương tiện hỗ trợ chính là biểu hiện của quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế. Như vậy, tới tuyên bố thứ 2 về quyền trẻ em thì nội dung về quyền được chăm sóc thay thế của trẻ em mới được quy định một cách tường minh hơn.
Năm 1979, Liên hợp quốc nhất trí soạn thảo Công ước về quyền trẻ em. Sau 10 năm soạn thảo, sửa đổi tích cực, Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 và mở cho các nước ký vào ngày 26/01/1990 và có hiệu lực từ ngày 02/9/1990, đây là công ước đầu tiên ấn định về mặt pháp lý các quyền trẻ em theo tinh thần tiến bộ, nhân đạo và là văn bản có tính chất ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em trên toàn thế giới. Theo đó, bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em trong Công ước gồm:
Quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia của trẻ em. Tại công ước, lần đầu tiên đề cập đến quyền được chăm sóc thay thế và các hình thức chăm sóc thay thế, cụ thể:
– Những trẻ em tạm thời hoặc vĩnh viễn bị tước mất môi trường gia đình của mình có quyền được hưởng sự bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt của nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em này được hưởng sự chăm sóc thay thế phù hợp với pháp luật quốc gia bằng các hình thức gửi nuôi, nhận làm con nuôi, đưa vào các cơ sở chăm sóc trẻ em thích hợp và quan tâm thích đáng đến dân tộc, tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ của trẻ em (Điều 20).
– Việc cho trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi có thể được coi như một biện pháp thay thế của việc chăm sóc trẻ em, nếu như trẻ em đó không thể gửi được cho một gia đình chăm nom hay nhận nuôi, hoặc không thể nào được chăm sóc một cách thích hợp nào ở ngay tại nước nguyên quán của trẻ em. Việc cho trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không được trục lợi và nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em (Điều 21).
Theo Công ước quyền trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, các Quốc gia thành viên phải cho các trẻ em được hưởng sự chăm sóc thay thế tương ứng, phù hợp với pháp luật quốc gia trong những trường hợp nhất định khi không thể sống trong môi trường gia đình gốc. Khi cân nhắc các giải pháp, phải quan tâm thích đáng đến mong muốn nuôi dạy trẻ em lâu dài, biện pháp nhận làm con nuôi cũng là một trong số các giải pháp hiệu quả như phần mở đầu Công ước La Hay năm 1993 có nêu: “Công nhận rằng để phát triển hài hòa và toàn diện nhân cách của mình, trẻ em cần phải được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông ...
Công nhận rằng vấn đề con nuôi quốc tế có thể có lợi thế là đem lại một gia đình lâu dài cho những trẻ em không tìm được một gia đình thích hợp tại Nước gốc của mình” . Công ước La Hay ra đời nhằm thiết lập những bảo đảm để việc nuôi con nuôi quốc tế diễn ra vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em được công nhận trong luật pháp quốc tế; thiết lập một hệ thống hợp tác giữa các nước ký kết để đảm bảo quyền của trẻ được tôn trọng và để đảm bảo tại các nước ký kết sự công nhận việc nuôi con nuôi được tiến hành theo Công ước. Như vậy, cơ sở pháp lý quốc tế đã chỉ ra rằng việc nuôi con nuôi là một biện pháp chăm sóc thay thế, tạo cho trẻ em một gia đình mới, thiết lập mối quan hệ pháp luật lâu dài giữa trẻ em và người nhận con nuôi.
“Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai” đó là một thông điệp đã và đang là phương châm hành động của nhân loại tiến bộ. Cùng với công cuộc bảo vệ quyền trẻ em nói chung và quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế nói riêng cần phải được quan tâm, bảo vệ hơn nữa để đảm bảo rằng trẻ em – những chủ nhân tương lai được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.