Thừa kế là quyền của những người còn sống được hưởng di sản của người chết để lại. Thông thường, những quan hệ thừa kế thường được đặt ra trong phạm vi Việt Nam, có nghĩa là người Việt Nam hưởng di sản thừa kế của người Việt Nam để lại. Vậy người nước ngoài có được hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam không? Quyền thừa kế tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về thừa kế có yếu tố nước ngoài:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thừa kế được xác định là một quan hệ dân sự, thể hiện sự dịch chuyển tài sản của người đã chết để lại cho người còn sống. Theo quy định của bộ luật này thì tài sản để lại gọi là di sản.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quan hệ dân sự có có yếu tố nước ngoài là quan hệ thuộc một trong các trường hợp sau:
– Trong các bên tham gia vào quan hệ dân sự có ít nhất một bên là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
– Các bên tham gia vào quan hệ dân sự đều là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài;
– Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân có quốc tịch Việt Nam nhưng việc thực hiện xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ dân sự đó lại xảy ra ở nước ngoài.
Như vậy, thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ thừa kế mà người để lại thừa kế là cá nhân nước ngoài hoặc người nhận thừa kế là cá nhân hay pháp nhân nước ngoài hoặc người chết để lại di sản thừa kế tại nước ngoài; hoặc sự kiện chết xảy ra ở nước người. Theo đó, quan hệ thừa kế chỉ cần thuộc một trong ba điều kiện trên thì quan hệ thưa kể đó được xem là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, việc thừa kế được thực hiện theo 02 trường hợp sau:
– Căn cứ theo quy định Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015: Thừa kế theo di chúc được quy định là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống
– Căn cứ theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015: Thừa kế theo pháp luật được quy định là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Theo quy định tại Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thực hiện thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Theo đó, người nước ngoài được hưởng di sản thừa kế của người có quốc tịch Việt Nam để lại sẽ được quyền hưởng di sản thừa kế theo điều chỉnh của pháp luật về thừa kế tại Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp thừa kế theo di chúc- thừa kế theo ý chí, sự chỉ định của người lập di chúc thể hiện trong di chúc thừa kế nếu có chỉ định người nước ngoài được hưởng di sản thừa kế của mình để lại thì người nước ngoài vẫn được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hợp pháp đó.
2. Các loại di sản thừa kế hiện nay:
Hiện nay, di sản thừa kế có 02 dạng tài sản là động sản và bất động sản. Trong đó:
– Động sản được xác định là tài sản có thể chuyển dịch hoặc di dời từ nơi này sang nơi khác trong không gian nhất định mà vẫn giữ nguyên tính năng, công dụng;
– Bất động sản bao gồm:
+ Đất đai;
+ Nhà cửa, công trình được xây dựng gắn liền với đất;
+ Tài sản khác gắn liền với đất như cây cối,…;
+ Tài sản khác là bất động sản theo quy định pháp luật.
3. Quyền thừa kế tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam:
Như đã phân tích tại mục 1 của bài viết này thì người nước ngoài được hưởng thừa kế theo di chúc tại Việt Nam. Theo đó, khi di chúc thể hiện ý chí phân chia di sản của người chết để lại hợp pháp và có nêu mong muốn để lại thừa kế cho người nước ngoài thì thừa kế vẫn được thực hiện theo di chúc.
Tuy nhiên, đối với di sản thừa kế là bất động sản thì việc người nước ngoài thừa kế bất động sản tại Việt Nam được quy định khắt khe và chặt chẽ hơn so với động sản.
– Thứ nhất, đối với di sản thừa kế là đất đai thì quyền thừa kế tài sản của người nước ngoài được thực hiện như sau:
Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 thì trường hợp tất cả những người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài thì khi nhận thừa kế là bất động sản sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên người nước ngoài đó vẫn được thực hiện việc chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định:
+ Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
+ Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
+ Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nước ngoài nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
Như vậy, người nước ngoài khi được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thì sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng vẫn được hưởng giá trị của di sản thông qua quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đó.
– Thứ hai, đối với di sản thừa kế là nhà ở thì quyền thừa kế tài sản của người nước ngoài được thực hiện như sau:
Trong trường hợp người nước ngoài được hưởng di sản thừa kế là bất động sản là nhà ở căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014. Theo quy định này thì người nước ngoài đủ điều kiện được mua nhà ở tại Việt Nam- được phép nhập cảnh vào Việt Nam và được nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì được sở hữu nhà ở đó tại Việt Nam.
4. Thủ tục nhận di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài:
Việc thực hiện nhận di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài vẫn được thực hiện khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ khai nhận di sản thừa kế gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu sau để gửi đến Văn phòng công chứng nơi có di sản thừa kế:
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của văn phòng công chứng;
– Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
– Di chúc hợp pháp mà người chết để lại;
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản thừa kế như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,
– Giấy tờ chứng minh quan hệ của người để lại di chúc với người nước ngoài được hưởng di sản thừa kế;
– Hộ chiếu còn hiệu lực của người nước ngoài.
Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu của người nước ngoài thì công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì công chứng viên có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, sửa đổi cho hợp lệ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì công chứng viên tiếp nhận và quyết định giải quyết hồ sơ.
Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ thực hiện niêm yết công khai việc thừa kế tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cuối cùng người có di sản để lại ở trong thời hạn 15 ngày.
Sau khi hoàn tất thủ tục niêm yết và không có tranh chấp thì người nước ngoài hưởng di sản thừa kế sẽ liên hệ Phòng/văn phòng công chứng để ký Văn bản khai nhận/phân chia thừa kế.
Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu/sử dụng thì người thừa kế phải làm thủ tục kê khai thuế sau đó thực hiện thủ tục đăng ký để chứng nhận quyền được hưởng giá trị của di sản thừa kế hoặc sang tên quyền sở hữu nhà ở đối với nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ trong khu dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Đất đai năm 2013;
– Luật Nhà ở năm 2014.