Quyền tác giả là một trong những chế định nền tảng của xã hội hiện đại, có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể thực hiện hoạt động sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật tác phẩm văn học, nghệ thuật,...
Mục lục bài viết
1. Quyền tác giả là gì:
Theo khái niệm chung của các nước thì quyền tác giả là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, thường gọi là bản quyền tác giả.
Ở Việt Nam, khái niệm về quyền tác giả cũng đã được biết đến từ trước năm 1945. Dưới chế độ dân chủ, nhân dân thì quyền tác giả được coi trọng và là động lực thúc đẩy việc tạo ra những tác phẩm có giá trị phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Căn cứ vào những quy định của pháp luật về quyền tác giả thì quyền tác giả được hiểu theo hai phương diện:
– Về phương diện khách quan: Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật về quyền tác giả nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả, xác định các nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quy định trình tự thực hiện và bảo vệ các quyền đó khi có hành vi xâm phạm.
– Về phương diện chủ quan: Quyền tác giả là quyền dân sự cụ thể (quyền tài sản và quyền nhân thân) của chủ thể với tư cách là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học và quyền khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền của mình bị xâm phạm.
Quyền tác giả còn được hiểu là quan hệ pháp luật dân sự. Đó là quan hệ xã hội giữa tác giả, giữa chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác trong xã hội thông qua tác phẩm, dưới sự tác động của quy phạm pháp luật, quan hệ giữa các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với các chủ thể khác được xác định. Quyền tác giả nói chung được hiểu là quyền nhân thân và tài sản đối với một tác phẩm của tác giả mà tác phẩm đó là kết quả của hoạt động sáng tạo của chính mình, như: quyền sao chép tác phẩm và quyền phân phối hoặc phổ biến các tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện nào và cũng còn được hiểu là quyền về việc cho phép người khác sử dụng các tác phẩm theo những cách thức cụ thể. Quyền tác giả cũng là một loại quyền sở hữu trí tuệ cũng giống như các loại quyền sở hữu trí tuệ khác như quyền đối với sáng chế, quyền đối với giải pháp hữu ích hay nhãn hiệu hàng hóa. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật là đối tượng của quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học như bài báo, sách, truyện…, các tác phẩm nghệ thuật như bài hát, bản nhạc, bức tranh, ảnh, phim… Chủ thể của Quyền tác giả là người sáng tạo, hoặc người sở hữu tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Quyền tác giả là một trong ba trụ cột của quyền sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả, xác định các nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quyền tác giả còn bao gồm cả quyền tài sản và quyền nhân thân của chủ thể với tư cách là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác gải đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học.
Như vậy, quyền tác giả hay tác quyền (tiếng Anh: copyright) có thể định nghĩa là khả năng được pháp luật bảo hộ cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm độc quyền khai thác lợi ích vật chất và tinh thần từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Tương tự cách hiểu trên, ghi nhận tại khoản 2, khoản 3 Điều 4
2. Đặc điểm của quyền tác giả:
Để phân biệt quyền tác giả với các quyền sở hữu trí tuệ khác nói riêng và các quyền pháp lý nói chung thì nhất thiết phải hiểu được đặc điểm của quyền tác giả để nắm được đặc trưng và bản chất của nó. Quyền tác giả có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, đối tượng của quyền tác giả luôn mang tính sáng tạo, được bảo hộ không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật. Đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Tác phẩm là thành quả lao động sáng tạo của tác giả được thể hiện dưới hình thức nhất định. Mọi cá nhân đều có quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và khi cá nhân tạo ra tác phẩm trí tuệ, không phụ thuộc vào giá trị nội dung và nghệ thuật đều có quyền tác giả đối với tác phẩm. Tác phẩm phải do tác giả trực tiếp thực hiện bằng lao động trí tuệ của mình mà không phải sao chép từ tác phẩm của người khác. Những nội dung thể hiện trong tác phẩm đi ngược lại lợi ích dân tộc, bôi nhọ vĩ nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội… sẽ không được bảo hộ. Tác phẩm sẽ được nhiều người biết đến, sử dụng nếu có nội dung phong phú và hình thức thể hiện sáng tạo được kết hợp bởi giá trị nghệ thuật, khoa học và kinh nghiệm nghề nghiệp của tác giả. Đây là đặc trưng dễ nhận biết nhất của quyền tác giả
Thứ hai, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả. Điều 15 Luật SHTT liệt kê nhóm các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ như: tin tức thời sự, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động,… Sở dĩ chúng không được bảo hộ bởi đó là các đối tượng cần được phổ biến, phổ cập cho cộng đồng; giúp cộng đồng có thêm hiểu biết, thông tin cần thiết, mặt khác trên cơ sở đó tạo cơ hội sáng tạo ra những tác phẩm có thể được bảo hộ và hơn hết việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân phải trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng.
Thứ ba, quyền tác giả chỉ được bảo hộ về hình thức, không bảo hộ về nội dung, ý tưởng. Tức là khi một tác phẩm được định hình dưới một hình thức nhất định thì quyền tác giả phát sinh. Đây cũng là đặc thù của quyền tác giả. Khi một cuốn sách được bảo hộ bởi quyền tác giả thì cái được bảo hộ là lời văn, cách hành văn của cuốn sách. Bản thân nội dung câu chuyện, cách xây dựng bố cục của cốt truyện là ý tưởng của cuốn sách, mặc dù là phần cốt lõi của cuốn sách, song lại không được bảo hộ. Vì thế quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Pháp luật về quyền tác giả không quy định điều kiện về nội dung đối với tác phẩm được bảo hộ, trong khi đó quyền sở hữu công nghiệp bảo hộ nội dung của đối tượng. Điều này lý giải nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học có cùng nội dung nhưng có sự sáng tạo trong hình thức thể hiện đều được pháp luật bảo vệ.
Thứ tư, quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối. Đối với các tác phẩm đã được công bố, phổ biến và tác phẩm không bị cấm sao chụp thì cá nhân, tổ chức được phép sử dụng tác phẩm của người khác nếu việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác bình thường của tác phẩm, không xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Khi tác phẩm được công bố và cấm sao chép thì một đối tượng khác có thể được phép sử dụng tác phẩm nếu việc sử dụng sản phẩm không phục vụ cho mục đích kinh doanh thu lợi nhuận, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tác giả hay chủ sở hữu chẳng hạn việc sử dụng tác phẩm cho mục đích nghiên cứu, tuyên truyền, cổ động; sử dụng tác phẩm để phục vụ cho chính sách văn hóa, chính trị hay kinh tế đối với người dân; hoặc cá nhân đọc truyện, nghe nhạc, xem phim để thưởng thức nghệ thuật, tăng cường hiểu biết khoa học. Những hành vi như trên thì không bị xem là xâm phạm quyền tác giả.
3. Ví dụ về quyền tác giả:
Bộ phim A được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên trên cơ sở có sự phép của Công ty X – chủ sở hữu quyền tác giả bộ truyện tranh A. Tuy nhiên, sau đó ông B là tác giả của bộ truyện tranh đã khởi kiện nhà sản xuất phim vì lý do đã thay đổi 1 số tình tiết của nhân vật trong truyện tranh.
Theo bản án sơ thẩm về tranh chấp quyền tác giả liên quan đến bộ truyện tranh A, họa sĩ B được xác định là tác giả (người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm), là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh A. Công ty X được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả.
Tại Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2019, 2022 quy định về quyền của chủ sở hữu tác giả là tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sẽ có quyền tài sản và một phần quyền nhân thân đối với tác phẩm nếu các bên không có thỏa thuận nào khác. Trong đó có nêu rõ trường hợp các cá nhân, tổ chức khác khi khai thác, sử dụng một hoặc toàn bộ quyền tài sản sẽ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, họa sĩ B với tư cách là tác giả sẽ có các quyền lợi về nhân thân để bản thân được tôn vinh, được nhớ đến với vai trò là người đã sáng tạo ra tác phẩm. Công ty X với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có các quyền lợi về tài sản để khai thác tác phẩm vào các mục đích thương mại hoặc phi thương mại. Làm tác phẩm phái sinh như dựng thành phim chính là một cách khai thác mà chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền thực hiện theo quy định. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn (khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, quyền chuyển thể có thể do Công ty X tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Do vậy, Công ty X có đầy đủ quyền để cho phép nhà sản xuất phim thực hiện chuyển thể tác phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích hài hoà, nhà sản xuất phim đã trao đổi và thống nhất điều chỉnh một số tình tiết để đảm bảo sự toàn vẹn của tác phẩm và cũng là bày tỏ sự tôn trọng lớn đối với tác giả bộ truyện tranh.