Nếu kết hôn là hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng, thì ly hôn cũng là mặt trái của quan hệ hôn nhân. Do ly hôn là một quan hệ vô cùng phức tạp, vì vậy pháp luật đã có những quy định để bảo vệ quyền của người phụ nữ trong chế định này.
Mục lục bài viết
1. Quyền phụ nữ được bảo vệ thế nào trong chế định ly hôn?
Luật hôn nhân gia đình năm 2014 hiện nay là văn bản cơ bản của pháp luật nước ta trong quá trình bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình, trong đó có phụ nữ, kể cả khi hôn nhân đang tồn tại hoặc khi hôn nhân tan vỡ. Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có ghi nhận một số quyền của người phụ nữ sẽ được bảo vệ trong quá trình ly hôn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền nuôi con. Căn cứ theo quy định tại Điều 81 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái sau ly hôn. Theo đó thì vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, cháu trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi phát triển mọi mặt của đứa trẻ, nếu như đứa trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của chúng. Bên cạnh đó, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp chăm nuôi, chưa trường hợp xét thấy người mẹ không đủ điều kiện để có thể chăm sóc và giáo dục con cái hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Như vậy có thể nói, pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay ưu tiên quyền nuôi con trước tiên thuộc về người phụ nữ trong trường hợp ly hôn để đảm bảo thiên chức làm mẹ và trong giai đoạn nhạy cảm của cuộc đời.
Thứ hai, quyền được thăm con sau khi ly hôn. Mặc dù được ưu tiên xong không phải trong bất cứ vụ án ly hôn nào thì người phụ nữ cũng được tòa án quyết định trao quyền nuôi con vì nhiều lý do khác nhau. Trong bối cảnh đó thì người vợ sẽ được hưởng quyền chăm sóc và thăm nom con cái. Căn cứ theo quy định tại Điều 82 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, những người không trực tiếp nuôi con sẽ có quyền và nghĩa vụ thăm nom con cái mà không bị ai cản trở dưới bất kỳ hình thức nào. Quy định này tạo cho người phụ nữ được thực hiện quyền làm mẹ của mình và đảm bảo cho người con được hưởng sự quan tâm của người mẹ trong quá trình phát triển.
Thứ ba, quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong xu hướng bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ. Căn cứ theo quy định tại Điều 84 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, trong trường hợp có yêu cầu của cha mẹ hoặc tổ chức về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, nếu xét thấy có đầy đủ căn cứ thì tòa án có thể ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật. Quyền này áp dụng cho cả vợ chồng, tuy nhiên có ý nghĩa lớn hơn so với người vợ. Quy định này giúp cho người phụ nữ có cơ hội được chăm sóc con cái sau khi ly hôn trong trường hợp trước đó họ không đầy đủ điều kiện để có thể được nuôi dưỡng con của mình.
Thứ tư, quyền chia tài sản vợ chồng sau khi ly hôn. Tài sản là một trong những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết trong quá trình ly hôn. Trong xã hội hiện đại ngày nay thì người phụ nữ không còn bị gò bó còn các công việc nội trợ và chăm sóc con cái, mà họ cũng có thể tham gia vào quá trình lao động sản xuất đóng góp vào kinh tế của gia đình. Hơn nữa các công việc này cũng được xem là công việc gián tiếp tạo ra tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy việc phân chia tài sản cho người vợ sau khi ly hôn là vấn đề không thể thiếu. Căn cứ theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có nêu, trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản sẽ phải do các bên thỏa thuận, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc sẽ được chia đôi và tính đến nhiều yếu tố khác nhau. Tài sản đó sẽ phải được chia bằng hiện vật, nếu như không chia được bằng hiện vật thì sẽ chia theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mà mình đáng lẽ được hưởng thì sẽ phải thanh toán cho bên còn lại phần chênh lệch.
Thứ năm, quyền ở lại nơi đã từng cư trú (hay còn gọi là quyền lưu cư). Khi hôn nhân còn tồn tại thì tất cả mọi người trong gia đình đều chung sống dưới một mái nhà. Tuy nhiên khi ly hôn chấm dứt dẫn đến hiện tượng vợ chồng cần phải có những lối đi riêng. Ở thời phong kiến, người ta vẫn thường truyền tai nhau về việc, khi người phụ nữ được gả về nhà chồng, thì phải theo chồng, vì vậy khi ly hôn họ buộc phải rời khỏi nhà chồng mà không được quyền đòi hỏi bất cứ một điều gì. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, căn cứ theo quy định tại Điều 63 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì nhà ở thuộc quyền sở hữu riêng của vợ chồng đã đưa vào sử dụng chung, khi ly hôn vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của người đó, trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì sẽ phải được hưởng quyền lưu cư trong khoảng thời gian 06 tháng được tính kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quy định này được đánh giá là một trong những quy định nhân đạo giúp cho người phụ nữ thoát khỏi những tư tưởng phong kiến lạc hậu, giúp cho họ có được sự độc lập trong gia đình, và khi chấm dứt quan hệ hôn nhân thì họ cũng không phải là đối tượng bị bỏ rơi và lâm vào hoàn cảnh không có nơi cư trú, họ sẽ có thời gian để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai mới.
Thứ sáu, quyền được cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định là hệ quả của vợ chồng sau khi ly hôn. Quyền này thông thường đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người phụ nữ bởi phụ nữ là bên yếu thế về mặt kinh tế so với người đàn ông. Căn cứ theo quy định tại Điều 115 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì khi ly hôn, nếu bé khó khăn có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng và phù hợp thì bên còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Thứ bảy, quyền đại diện cho con và quyền được thay đổi họ tên cho con. Căn cứ theo quy định tại Điều 73 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 và Điều 27 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì cha mẹ được xác định là người đại diện theo pháp luật của những đối tượng là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, và người phụ nữ cũng có quyền thay đổi họ cho con, theo đó thì khi ly hôn họ có thể cho con thay đổi sang họ của mẹ.
Như vậy, bảo đảm quyền của phụ nữ sau ly hôn chính là sự phát triển bền giới và xóa bỏ những hạn chế về quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Hiện nay thì việc bảo đảm quyền của người phụ nữ nói chung và quyền của người phụ nữ khi ly hôn nói riêng chính là động lực thúc đẩy cho phái yếu tham gia vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
2. Nguyên nhân của việc bảo vệ quyền phụ nữ khi ly hôn:
Việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quá trình giải quyết ly hôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, với những tư tưởng lạc hậu về hôn nhân và gia đình, tư tưởng lạc hậu về giới vẫn còn trong đời sống hiện nay. Điều này đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ triệt để nó ra khỏi đời sống xã hội. Và điều đầu tiên cần phải làm đó là định hướng lại những tư tưởng xã hội xoay quanh lĩnh vực hôn nhân gia đình. Bởi đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về giới và dẫn đến hiện tượng bạo lực gia đình, mong thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra và ly hôn là điều không thể tránh khỏi. Bảo vệ quyền của phụ nữ trong giải quyết ly hôn phải xuất phát từ việc khắc phục những tổn thương mà người phụ nữ phải hứng chịu.
Thứ hai, sau khi ly hôn thì vấn đề ổn định cuộc sống là một bài toán vô cùng nan giải đặt ra cho tất cả các cặp vợ chồng, nhất là những người phụ nữ vì họ là bộ phận đặc biệt trong xã hội, khả năng tự lập không thể cao bằng những người đàn ông và họ rất dễ nhạy cảm với hoàn cảnh thay đổi khách quan. Vì thế những bản án thấu tình đạt lý và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ sẽ giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống và tin tưởng rằng pháp luật luôn luôn bên cạnh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ ba, trên thực tế thì vấn đề tài sản và xác định tài sản khi có tranh chấp xảy ra là vấn đề vô cùng phức tạp, nhất là đối với việc xác định tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Một mặt chúng ta vừa phải đảm bảo quyền của người chồng, mặt khác phải bảo vệ quyền của người phụ nữ. Nếu việc xác định tài sản chung của vợ chồng không chính xác thì đó chính là nguyên nhân dẫn đến cách giải quyết không đúng, không bảo vệ được quyền lợi của các đương sự, nhất là đối với người phụ nữ. Bên cạnh đó thì vấn đề xác định công sức đóng góp của các bên khi giải quyết ly hôn cũng là vấn đề vô cùng phức tạp, có ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi của mình nữa, vì vậy pháp luật có quy định nguyên tắc cần phải căn cứ vào công sức đóng góp của các bên nhằm thực hiện việc bảo vệ tốt quyền lợi cho người phụ nữ.
Thứ tư, quyền tự do kết hôn và tự do yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của mỗi con người. Vậy bảo vệ quyền của phụ nữ trong việc giải quyết hậu quả pháp lý của ly hôn còn là bảo vệ quyền nhân thân của người phụ nữ, và cụ thể trong trường hợp này là bảo vệ quyền yêu cầu ly hôn của người phụ nữ.
Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến việc phải bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quá trình giải quyết ly hôn.
3. Phương hướng bảo vệ tốt hơn nữa quyền của người phụ nữ khi giải quyết ly hôn:
Thứ nhất, phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ, các quy định của pháp luật phải thể hiện rõ nét nguyên tắc bảo đảm ưu tiên quyền lợi của người phụ nữ. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm thể chế hóa các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quá trình giải quyết hậu quả của ly hôn.
Thứ hai, nâng cao kiến thức pháp luật của người phụ nữ để họ tự bảo vệ mình. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là mang được pháp luật đến với phụ nữ dân tộc thiểu số. Cần phải có những hình thức tuyên truyền phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
Thứ ba, phải nâng cao chất lượng xét xử và phải đào tạo một đội ngũ thẩm phán chuyên trách xét xử về các vụ án hôn nhân và gia đình có trình độ chuyên môn vững vàng, nắm vững kỹ năng xét xử là đòi hỏi cấp bách, nhất là trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Đồng thời phải thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ. Đó là mỗi người và mỗi tổ chức, mỗi gia đình trong xã hội đều cùng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Vì vậy vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ nói chung và bảo vệ quyền của người phụ nữ trong việc ly hôn nói riêng luôn luôn là đề tài “nóng bỏng” được dư luận trong và ngoài nước quan tâm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Dân sự năm 2015.