Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là quyền của người đồng tính nhận một hay nhiều trẻ em không do mình trực tiếp sinh ra làm con, từ đó phát sinh quan hệ cha, mẹ với đứa trẻ được nhận nuôi. Quyền này được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Mục lục bài viết
1. Nuôi con nuôi và quyền nuôi con nuôi của người đồng tính:
Gia đình là một môi trường, là cái nôi nuôi dưỡng trẻ em để hình thành và phát triển một cách trọn vẹn. Trẻ em cần được sống trong gia đình gốc của mình nhưng vì một số lý do mà trẻ em không thể sống chung với gia đình ruột thịt của mình. Vì vậy, các em cần được nuôi dạy trong một gia đình khác để có thể thay thế gia đình gốc. Việc nuôi con nuôi đã tồn tại từ lâu trong xã hội, mang tính nhân đạo sâu sắc khi đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.
Dưới góc độ xã hội thì nuôi con nuôi là khi một người được người khác nhận làm con nhưng không trực tiếp sinh ra, người nhận con nuôi gọi là cha nuôi, mẹ nuôi.
Dưới góc độ pháp luật, có thể hiểu: Nuôi con nuôi là việc một người đã trưởng thành hoặc một cặp đôi nhận một hay nhiều trẻ em không do mình trực tiếp sinh ra làm con. Việc nhận nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ cha, mẹ – con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, tức là kể từ thời điểm nhận con nuôi, người nhận con nuôi có tư cách là cha, mẹ của trẻ em được nhận làm con nuôi.
Việc nuôi con nuôi xuất phát hoàn toàn từ ý chí tự nguyện của các bên, từ người nhận nuôi đến trẻ em được nhận nuôi, không phân biệt giới tính và không trái với các đạo đức xã hội. Việc nuôi con nuôi phải đảm bảo lợi ích của trẻ em được nhận làm con nuôi một cách tối ưu nhất, việc nhận nuôi chỉ là biện pháp thay thế gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Xuất phát từ lợi ích của trẻ em được nhận làm con nuôi, việc nuôi con nuôi được coi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ, con lâu dài, bền vững nhằm mục đích bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, trong môi trường gia đình. Tất cả các quy định về nuôi con nuôi được đưa ra đều nhằm mục đích cơ bản và cao nhất là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi.
Trên thực tế, có rất nhiều hình thức nuôi con nuôi khác nhau như: nuôi con nuôi trên danh nghĩa, nuôi con nuôi thực tế và nuôi con nuôi có đăng kí.
– Nuôi con nuôi trên danh nghĩa: đây là những trường hợp thường xảy ra trong cuộc sống. Nuôi con nuôi trên danh nghĩa là việc các bên nhận nhau là cha mẹ nuôi và con nuôi xuất phát từ tình cảm, nhưng không gắn với quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con, không nhằm mục đích hình thành quan hệ cha mẹ và con trong thực tế. Các bên có thể đối xử với nhau, gọi nhau là cha mẹ và con, nhưng không ràng buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau trên thực tế. Hai bên thường không sống chung với nhau. Việc nuôi con nuôi này không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện nào, mà chỉ tuỳ thuộc vào tình cảm, sự tự nguyện của các bên, phù hợp với cách ứng xử, chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. Việc nuôi con nuôi này thường được thực hiện dưới hình thức thoả thuận bằng lời giữa các bên chủ thể. Quan hệ cha mẹ và con trong hình thức này thường chỉ tồn tại trên danh nghĩa, có ý nghĩa đối với hai bên chủ thể, mà không có ý nghĩa nhiều lắm đối với những người khác trong gia đình của hai bên, những người xung quanh và xã hội.
– Nuôi con nuôi thực tế là hình thức nuôi con nuôi làm hình thành quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi. Việc nhận nuôi thoả mãn đầy đủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi, không trái với mục đích của việc nuôi con nuôi và đạo đức xã hội. Người con nuôi cùng sống trong gia đình cha mẹ nuôi. Giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi có mong muốn thiết lập quan hệ cha mẹ và con, đối xử với nhau trong tình cảm cha mẹ và con, đồng thời thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau để xây dựng một gia đình thật sự. Quan hệ cha mẹ và con giữa hai bên đã được xác lập trong thực tế, được họ hàng và mọi người xung quanh công nhận. Việc nhận nuôi con nuôi có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản thoả thuận giữa hai bên gia đình, nhưng không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Nuôi con nuôi có đăng kí là việc nhận nuôi con nuôi được xác lập về mặt pháp lý, thông qua sự kiện đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với những trường hợp có đăng ký, giữa người nhận nuôi và con nuôi phát sinh quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi được nhà nước công nhận và bảo vệ.
Nuôi con nuôi có đăng kí bao gồm một số đặc điểm cơ bản sau:
– Nuôi con nuôi là một sự kiện hộ tịch: Quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi chỉ phát sinh sau khi việc nuôi con nuôi được đăng ký/được ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi. Cơ quan nhà nước thể hiện ý chí của mình thông qua hành vi công nhận hoặc không công nhận việc nuôi con nuôi trên cơ sở xem xét, đánh giá tính tự nguyện của các bên.
– Nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ cha mẹ con: Khi việc nuôi con nuôi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi, quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi được công nhận và bảo vệ trước pháp luật. Quan hệ cha mẹ và con này có thể thay thế hoặc tồn tại đồng thời với quan hệ huyết thống và được dịch chuyển từ quan hệ huyết thống sang quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.
Trong phạm vi nghiên cứu, luận văn đề cập đến hình thức nuôi con nuôi mà tại đó, quyền của người đồng tính được bảo vệ cao nhất trong vấn đề nhận nuôi con nuôi đó chính là nuôi con nuôi có đăng kí và quyền nuôi con nuôi có đăng kí của người đồng tính.
2. Quyền được nhận làm con nuôi của trẻ em:
Trẻ em luôn là một nhóm chủ thể non nớt, dễ bị tổn thương và được toàn thể cộng đồng quốc tế quan tâm và bảo vệ. Một trong những quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật bảo vệ là quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình. Tuy nhiên không phải tất cả trẻ em sinh ra đều có cha mẹ và đều may mắn được sống trong môi trường gia đình. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, sống trong các gia đình nghèo không đủ điều kiện nuôi dưỡng cần một mái ấm gia đình thay thế. Một trong các biện pháp tìm gia đình thay thế đó chính là việc trẻ được nhận làm con nuôi cho một gia đình thay thế. Gia đình thay thế này sẽ giúp cho trẻ em được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng, được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, ... được đáp ứng những nhu cầu và được bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất.
Việc nuôi con nuôi là một hình thức đã có từ rất lâu đời, tuy nhiên thời kỳ đầu, nuôi con nuôi chủ yếu là biện pháp đảm bảo cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có người tiếp tục mang tên họ cũng như truyền thống của gia đình hoặc nuôi con nuôi xuất phát từ những phong tục, tập quán của xã hội mà không phải bản chất là một quy định bảo vệ quyền của trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay dưới sự phát triển của xã hội, cùng với những tiến bộ trong quan điểm, việc nuôi con nuôi còn mang một mục đích lớn lao hơn, đó chính là bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em, mang đến cho trẻ em một gia đình thay thế mà tại đó trẻ được hưởng những quyền lợi mà bản thân vốn được hưởng.
Vấn đề nuôi con nuôi là một vấn đề mang tính nhân đạo và nhân văn to lớn, tuy nhiên, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng các quy định nhận nuôi con nuôi để trục lợi, để bóc lột sức lao động, thậm chí là buôn bán,... xâm hại đến quyền và không bảo vệ được lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Chính vì vậy, vẫn có những biện pháp quy định hết sức chặt chẽ và phù hợp để bảo vệ những quyền, lợi ích này của trẻ được nhận nuôi.
Như vậy, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là quyền của người đồng tính nhận một hay nhiều trẻ em không do mình trực tiếp sinh ra làm con, từ đó phát sinh quan hệ cha, mẹ với đứa trẻ đó, quyền này được pháp luật công nhận và bảo vệ.