Hầu hết các Văn kiện quốc tế hiện nay không trực tiếp quy định về quyền nuôi con nuôi của người đồng tính mà chỉ có các quy định về quyền con người nói chung. Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là một trong số các quyền hôn nhân gia đình của người đồng tính, quyền con người.
Hầu hết các Văn kiện quốc tế hiện nay đều không trực tiếp quy định về quyền nuôi con nuôi của người đồng tính mà chỉ có các quy định về quyền con người nói chung. Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính được coi là một trong số các quyền hôn nhân gia đình của người đồng tính, quyền con người. Do đó, để tìm hiểu, nghiên cứu về quyền nuôi con nuôi của người đồng tính cần tìm hiểu thông qua các quy định về quyền con người nói chung thông qua các Văn kiện quốc tế.
Mục lục bài viết
1. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc:
Liên Hợp Quốc là một cơ quan đứng đầu về bảo vệ quyền con người. Hiến chương Liên Hợp Quốc đã trở thành một văn kiện quan trọng nhất trong việc nâng cao Luật quốc tế về nhân quyền. Tại hầu hết các quy định trong Hiến chương có liên quan đến quyền con người thì hầu hết đều đề cập đến vấn đề về bình đẳng, bình đẳng về giới, bình đẳng về tôn giáo và bình đẳng về dân tộc. Tuy nhiên, trong Lời mở đầu của Hiến chương có nêu “quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ”, hay tại Điều 1 của hiến chương quy định “khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”. Nếu xét trong khía cạnh bình đẳng giới và quan điểm của các quốc gia về vấn đề này, thì quy định “bình đẳng giữa nam và nữ được hiểu theo rất nhiều ý khác nhau. Nhóm các nước nhìn nhận đồng tính nhưng không có pháp luật bảo vệ thì hiểu rằng quyền bình đẳng trên là bình đẳng giữa nam và nữ đơn thuần. Còn nhóm nước nhìn nhận đồng tính và có pháp luật bảo vệ lại cho rằng quyền bình đẳng trên là bao gồm nam, nữ và cả xu hướng đồng tính. Chính điều đó gây nên những tranh cãi có liên quan đến quyền của người đồng tính, đặt ra yêu cầu Liên Hợp Quốc phải có những quy định trực tiếp về quyền này của người đồng tính.
Tháng 6 năm 2011, Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết khẳng định: “mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào”, đây chính là một bước ngoặt quan trọng trong việc công nhận và bảo vệ quyền của người đồng tính. Đến ngày 7 tháng 3 năm 2012, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki–Moon đã có bài phát biểu lịch sử kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới phi hình sự hóa đồng tính, chấm dứt kỳ thị với những người LGBTI. Đây là những động thái vô cùng mạnh mẽ của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh ủng hộ đối với vấn đề LGBTI, giải quyết vấn đề kỳ thị phân biệt dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới, đồng thời khẳng định đồng tính chỉ là một xu hướng tính dục như bao xu hướng khác (di tính, song tính, vô tính,...) và góp phần xua đuổi quan niệm nặng nề tại các nước trên thế giới về cộng đồng đồng tính.
2. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền:
Vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được công nhận bởi Liên Hợp Quốc. Tuyên ngôn này là công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên tập trung vấn đề nhân quyền. Tuyên ngôn này được xem như tiêu chuẩn cho mỗi quốc gia, tổ chức cá nhân sử dụng để đánh giá sự tôn trọng tự do và nhân quyền. Tuyên ngôn này được xem như là thành phần trung tâm của tập quán pháp quốc tế và có lẽ vẫn còn được quy định bắt buộc cho mỗi quốc gia.
Ngay tại Điều luật đầu tiên, Tuyên ngôn đã nhắc đến quyền của người đồng tính nói riêng và quyền con người nói chung như một lời tuyên bố bất hủ “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và công bằng về quyền và nhân phẩm”. Hay tại Điều 2 Tuyên ngôn đã ngăn cấm các quốc gia có sự định kiến cá nhân chống lại những cá nhân khác, căn cứ vào các tiêu chuẩn sau “… như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, hoặc các chính kiến và quan niệm khác, quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc bất cứ thân trạng nào khác”.
Tại quy định này, có thể hiểu giới tính bao gồm những người có giới tính sinh học là nam và nữ, điều này đồng nghĩa với việc bao gồm tất cả những người đồng tính, dị tính, song tính và vô tính khác. Bên cạnh đó, Tuyên ngôn này diễn tả một vấn đề khác đó là “thân trạng khác” cũng là một dạng được bảo vệ. Điều này có thể hiểu theo hướng, đồng tính có thể được lý giải như một loại “thân trạng khác” tồn tại song song với những người có xu hướng tính dục dị tính khác, và đồng tính cũng được coi là một dạng được bảo vệ trong Tuyên ngôn này. Cũng trong tuyên ngôn này, từ “mọi người” được lặp lại nhiều lần trong hầu hết các quy định, ngoài ra các cụm từ như “sự tự do”, “không phân biệt đối xử” và “các quyền về sự công bằng” được sử dụng để coi như những quyền gắn liền với mọi cá nhân. Do đó, quy định tại Điều 2 Tuyên ngôn này quy định ngăn cấm tất cả các trường hợp phân biệt về giới tính, vi phạm quyền bình đẳng của người đồng tính với với những chủ thể khác.
Tuy nhiên, cũng như các vấn đề mà Hiến chương Liên hợp quốc gặp phải, nhóm những nước không ủng hộ việc hợp pháp hóa các quyền của người đồng tính, đã đưa ra một điều luật được coi như một giới hạn của cộng đồng người đồng tính để bảo vệ quan điểm của mình. Điều 29 của Tuyên ngôn đã nêu:
Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.
Đây được coi là một trong số những căn cứ tiêu biểu để phản đối việc hợp pháp hóa quyền hôn nhân gia đình của người đồng tính nói chung và quyền nuôi con nuôi của người đồng tính nói riêng, bởi những quyền lợi của người đồng tính là không phù hợp với quan điểm về tôn giáo, đạo đức cũng như chính trị tại các quốc gia đó. Và để phản bác lại nhóm các quốc gia có quan điểm này, nhóm các quốc gia ủng hộ hợp pháp hóa quyền của người đồng tính đã đưa ra quy định của Điều 30 của Tuyên ngôn “không có một điều luật nào trong Tuyên ngôn này có thể được giải thích với hàm ý cho phép bất kì nhà nước, nhóm hoặc cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hoạt động nào nhằm mục đích hủy hoại bất kì quyền hoặc tự do đã được nêu trong tuyên ngôn này”. Tiếp cận dưới quan điểm này thì, quyền cơ bản của người đồng tính không thể bị lấy đi bởi vì Điều 29 mà còn được bảo vệ bởi quy định tại Điều 30 của Tuyên ngôn.
Cũng chung quan điểm đó của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, tại Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 cũng nêu rõ, sẽ bảo đảm “thực hiện không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác”.
Có thể thấy, dù trong Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn về nhân quyền, các Công ước quốc tế đều đề cập đến quyền con người nhưng chưa thể khẳng định những văn kiện này có ghi nhận quyền của người đồng tính, càng khó khăn để khẳng định những văn kiện này ghi nhận và bảo vệ quyền nuôi con nuôi của người đồng tính.
3. Bộ nguyên tắc Yogyakarta:
Sau sự ra đời của những văn kiện trên, người đồng tính vẫn liên tục bị kì thị và phân biệt đối xử, do đó năm 2006 các chuyên gia hàng đầu về luật và quyền con người từ khắp nơi trên thế giới đã họp mặt ở Yogyakarta, Indonesia để phác thảo ra một bộ các nguyên tắc quốc tế về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Và kết quả đó chính là sự ra đời của bộ Yogyakarta Principles (Bộ nguyên tắc Yogyakarta). Bộ nguyên tắc này được trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 26/03/2007, đây được coi như một hiến chương toàn cầu về quyền của người đồng tính.
Một cẩm nang về quyền con người, áp dụng các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế có tính ràng buộc, có thể đóng vai trò diễn giải cho các hiệp ước toàn cầu về quyền con người. Bộ nguyên tắc Yogyakarta hứa hẹn một tương lại nơi mà mọi người sinh ra tự do và bình đẳng và đều hưởng các quyền chính đáng cho đời sống của mình.
Phải cho đến khi Bộ nguyên tắc Yogyakarta ra đời, quyền của người đồng tính mới được đề cập đến một cách trực tiếp, theo đó Bộ nguyên tắc này đề cập đến Quyền con người, các vấn đề khác liên quan đến xu hướng tính dục(sexual orientation) và bản dạng giới (gender identity). Các nguyên tắc này sẽ xác định nghĩa vụ của các quốc gia là phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền của tất cả mọi người bất kể khuynh hướng tình dục hoặc giới tính của họ. Quyền của người đồng tính được thể hiện rõ nhất trong 3 nguyên tắc đầu tiên của bộ nguyên tắc này.
Nguyên tắc 1: Quyền được thụ hưởng mọi quyền con người trên toàn cầu
Tại nguyên tắc này đã nêu rõ: “Mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng về quyền và phẩm giá. Mọi người, bất kể khuynh hướng tính dục hay bản dạng giới đều được hưởng đầy đủ các quyền con người”.
Điều này một lần nữa khẳng định dù một người có xu hướng tính dục như thế nào thì đều có quyền hưởng thủ đầy đủ quyền con người, và được hưởng thụ ở mọi nơi, trên phạm vi toàn cầu, bất kể là quốc gia hay khu vực nào.
Nguyên tắc 2: Các quyền về bình đẳng và không phân biệt đối xử
Mọi người đều có quyền được thụ hưởng mọi quyền con người mà không bị phân biệt đối xử vì khuynh hướng tính dụng hay bản dạng giới của họ. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ mà không bị phân biệt đối xử vì những lý do trên, bất kể các quyền con người khác có đồng thời bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt đối xử đó hay không. Pháp luật nghiêm cấm những sự phân biệt đối xử như trên và bảo đảm rằng mọi người đều được bảo vệ một cách công bằng và hiệu quả trước những sự phân biệt đối xử đó.
Phân biệt đối xử vì lý do khuynh hướng giới tính hay bản dạng giới bao gồm mọi sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc thiên vị dựa trên khuynh hướng giới tính hoặc bản dạng giới nhằm mục đích vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu sự bình đẳng trước pháp luật, sự công nhận, quyền thụ hưởng và thực thi một cách bình đẳng mọi quyền con người và quyền tự do cơ bản. Phân biệt đối xử vì lý do khuynh hướng giới tính hay bản dạng giới có thể bao gồm và thường bao gồm những sự phân biệt đối xử dựa trên những cơ sở khác như giới tính, chủng tộc, tuổi tác, tôn giáo, khiếm | khuyết cơ thể, sức khỏe và tình trạng kinh tế.
Nguyên tắc 3: Quyền được thừa nhận trước pháp luật
Mọi người ở mọi nơi đều có quyền được công nhận là một cá nhân trước pháp luật. Những cá nhân thuộc các nhóm khuynh hướng tình dục và bản dạng giới khác nhau đều được hưởng năng lực pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của riêng mỗi người là một phần không thể tách rời với nhân cách của họ và là một trong những bộ phận cơ bản nhất của sự quyết tâm cá nhân, phẩm giá và tự do. Không ai bị buộc phải trải qua các thủ tục y tế, phẫu thuật xác định lại giới tính, triệt sản hoặc liệu pháp hormon để bản dạng giới của họ được thừa nhận trước pháp luật. Không tình trạng cá nhân nào, chẳng | hạn như tình trạng hôn nhân hoặc tình trạng con cái, có thể được viện dẫn như một lý do để ngăn chặn sự thừa nhận bản dạng giới của một người trước pháp luật. Không ai phải chịu áp lực buộc phải che giấu, kìm nén hoặc chối bỏ khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của mình.
Điều này thể hiện một quyền khác của người đồng tính, đó chính là quyền được công khai, được sống với đúng xu hướng tính dục của bản thân mà không bị hạn chế trong bất kì lĩnh vực nào. Quyền được thừa nhận, công nhận xu hướng tính dục, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền của cá nhân người đồng tính, được hưởng mọi quyền lợi như các chủ thể khác trong xã hội là một trong số những mong muốn phổ biến của người đồng tính đã được nguyên tắc này bảo vệ.
Bộ nguyên tắc Yogyakarta đã đưa ra rất nhiều các nguyên tắc nhằm bảo vệ quyền của người đồng tính nói riêng như: quyền được sống, quyền riêng tư, quyền an toàn cá nhân, quyền được xét xử bình đẳng,... và rất nhiều quyền khác bảo vệ quyền của người đồng tính. Tuy nhiên, đề cập đến quyền hôn nhân và gia đình của người đồng tính nói chung, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính nói riêng, cần đề cập đến một nguyên tắc, đây được coi như những quy định quốc tế đầu tiên công nhận về quyền hôn nhân gia đình, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính:
Nguyên tắc số 24: Quyền được lập gia đình Mọi người đều có quyền được lập gia đình, bất kể khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Gia đình tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Không có gia đình nào phải chịu sự phân biệt đối xử trên cơ sở khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của bất kỳ thành viên nào trong gia đình đó [Nguyên tắc số 24].
Các hình thức gia đình, bao gồm những gia đình được hình thành không theo các khuôn khổ thông thường hoặc từ hôn nhân, đảm bảo không có bất kỳ gia đình nào phải chịu sự phân biệt đối xử, bao gồm đối với các khoản phúc lợi xã hội, lợi ích công cộng, việc làm và việc nhập cư, trên cơ sở khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của bất cứ thành viên nào trong gia đình.
Qua nguyên tắc này có thể nhận thấy quyền của người đồng tính trong hôn nhân và gia đình hoàn toàn bình đẳng so với những người dị tính khác. Người đồng tính cũng như người dị tính, đều có quyền lập gia đình, và tất cả các hình thức gia đình đều có quyền như nhau trong các lĩnh vực từ bảo đảm quyền trẻ em, quyền nuôi con nuôi, quyền kết hôn, …
Từ nguyên tắc này, có thể thấy những quyền hôn nhân và gia đình của người đồng tính được bảo vệ cơ bản như sau:
– Quyền được kết hôn, lập gia đình:
Tại đây, các quốc gia cam kết, thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và các biện pháp khác cần thiết nhằm đảm bảo rằng tại các quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới hoặc kết hợp dân sự, các quyền, đặc quyền, nghĩa vụ hoặc lợi ích có hiệu lực đối với hôn nhân khác giới cũng có hiệu lực đối với hôn nhân đồng giới và kết hợp dân sự một cách bình đẳng. Trường hợp các cặp đôi không kết hôn hợp pháp thì đảm bảo rằng bất cứ nghĩa vụ, quyền, đặc quyền hay lợi ích của các cặp sống chung không hôn nhân khác giới cũng được áp dụng cho các cặp sống chung không hôn nhân đồng giới.
Tại nguyên tắc này, Bộ nguyên tắc đã thừa nhận quyền hôn nhân của người đồng giới, khẳng định người đồng tính có quyền kết hôn, quyền kết hợp dân sự và quyền sống chung như vợ chồng(trong trường hợp không thể kết hôn); các quyền, đặc quyền, nghĩa vụ của người dị tính được pháp luật công nhận và bảo vệ cũng được áp dụng cho người đồng tính.
– Bảo vệ và tôn trọng quyền trẻ em
Thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và các biện pháp khác cần thiết nhằm đảm bảo đối với mọi hoạt động và quyết định có liên quan đến trẻ em, bất kể được thực hiện bởi cộng đồng, các tổ chức phúc lợi xã hội tư nhân, tòa án, cơ quan hành chính hoặc cơ quan lập pháp, thì quyền lợi cao nhất của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của trẻ em, thành viên trong gia đình của đứa trẻ và các cá nhân khác có liên quan không được xem là không phù hợp lại với các quyền lợi đó; mọi quyết định mọi hoạt động và quyết định có liên quan đến trẻ em, phải đảm bảo rằng những đứa trẻ có khả năng hình thành các quan điểm cá nhân phải được quyền tự do thể hiện các quan điểm đó, đồng thời các quan điểm đó phải được tôn trọng một cách tương ứng với độ tuổi và sự trưởng thành của đứa trẻ đó
– Quyền được nuôi con nuôi:
Trong nguyên tắc này đã nêu rõ các quyền được bảo đảm như: quyền được lập gia đình, bao gồm thông qua việc nhận con nuôi hoặc hỗ trợ sinh sản (bao gồm việc hiến tặng tinh trùng hoặc trứng), mà không có sự phân biệt đối xử về khuynh hướng tính dục và bản dạng giới.
Ngoài quyền được kết hôn, người đồng tính hoàn toàn có quyền tạo lập một gia đình, mà tại đó người đồng tính có quyền nuôi con, nhận con nuôi, ... mà không bị phân biệt đối xử hay hạn chế quyền bởi xu hướng tính dục của mình. Nhìn từ góc độ quyền nuôi con nuôi của người đồng tính, đây là quy định mang tính trực tiếp, quan trọng, mang tính bước ngoặt có liên quan đến quyền nuôi con nuôi của nhóm người này.
Có thể thấy, trong hầu hết các quy định trước, quyền của người đồng tính, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính đều được đề cập thông qua quyền con người, đồng thời quyền này được nhìn nhận dưới góc độ của cá nhân người đồng tính mà không đặt trong quan hệ của cặp đôi đồng tính với nhau. Có nghĩa là, một người đồng tính muốn nhận nuôi con nuôi thì chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật tại quốc gia, vùng lãnh thổ thì hoàn toàn có thể nhận nuôi con nuôi bình thường. Tuy nhiên, rất khó để khẳng định quyền nuôi con nuôi của cặp đôi đồng tính sống chung như vợ chồng cũng được bảo đảm như vậy.
Nguyên tắc số 24 là một trong số ít nguyên tắc quy định quyền của cả người đồng tính và cặp đôi đồng tính. Những quy định này đặt người đồng tính trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình, dù mối quan hệ hôn nhân đó là kết hôn hợp pháp, kết hợp dân sự hay sống chung như vợ chồng, dù gia đình đó tồn tại từ hôn nhân hay không theo hình thức thông thường. Quy định về quyền nuôi con nuôi trong “đảm bảo rằng tại các quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới hoặc kết hợp dân sự, các quyền, đặc quyền, nghĩa vụ hoặc lợi ích có hiệu lực đối với hôn nhân khác giới cũng có hiệu lực đối với hôn nhân đồng giới và kết hợp dân sự một cách bình đẳng” được hiểu là các cặp đôi đồng tính sống chung như vợ chồng hoàn toàn có quyền nuôi con nuôi theo nguyên tắc trên.
Bên cạnh đó, trong tất cả các nguyên tắc quy định về quyền và bảo đảm quyền của Bộ nguyên tắc Bộ nguyên tắc Yogyakarta, nguyên tắc luôn lặp lại các từ như “nội luật hóa”; “thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và các biện pháp khác cần thiết”, đưa ra các giải pháp, biện pháp, ... thể hiện sự nghiêm túc của Nguyên tắc trong việc cam kết bảo đảm và thực hiện quyền con người, quyền của người đồng tính; đồng thời thể hiện quyết tâm đưa các quy định này vào các quy phạm pháp luật của các quốc gia, vùng lãnh thổ, đảm bảo những quyền này của người đồng tính được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Bộ nguyên tắc Yogyakarta là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên ghi nhận và bảo vệ quyền đồng tính. Bộ nguyên tắc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sự kỳ thị người đồng tính trên thế giới, các quốc gia đang xem xét, xây dựng Luật cho người đồng tính có thể xem bộ nguyên tắc này như nguồn để từ đó dựng lên một văn bản pháp luật phù hợp nhất cho quốc gia mình nhưng vẫn đảm bảo không vi phạm Luật quốc tế. Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các văn kiện quốc tế cũng như quan điểm của các tổ chức quốc tế hiện nay đã ghi nhận sự bình đẳng giữa các xu hướng tính dục cũng như bảo vệ quyền của người đồng tính, chống lại các hành động phân biệt, kỳ thị.
Bên cạnh các quy định về quyền nuôi con nuôi của người đồng tính, còn có các văn kiện khác quy định về quyền được nhận nuôi của trẻ em. Công ước Lahay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, Công ước về quyền của trẻ em năm 1989 là những Công ước quy định về quyền này của trẻ em. Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em (CRC) 1989 ra đời đã đánh dấu cuộc cách mạng tư tưởng về quyền trẻ em, từ đó thay đổi bản chất của nuôi con nuôi chính là bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em. Việc Công ước khẳng định trẻ em phải được coi là trung tâm bảo vệ đã góp phần làm thay đổi mục đích của việc nuôi con nuôi từ chỗ “đem lại cho gia đình một trẻ em” đã chuyển thành “đem lại gia đình cho trẻ em”. Tại điều 21, Điều 22 của Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em (CRC) 1989 đã thể hiện một trẻ em, vì một lý do nào đó, tạm thời hoặc vĩnh viễn không được tiếp tục ở trong môi trường gia đình, có quyền được hưởng sự bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt của Nhà nước, và một trong các biện pháp để bảo đảm quyền đó là có quyền được ở trong một gia đình thay thế và quyền được nhận làm con nuôi dưới một hình thức hợp pháp.