Trên thế giới có rất nhiều tranh cãi về vấn đề nuôi con nuôi của người đồng tính, ở mỗi quốc gia, khu vực có những quan điểm riêng dẫn tới những khác biệt về mặt pháp luật khi quy định về quyền nuôi con nuôi của người đồng tính.
Hiện nay, việc nhận nuôi con nuôi của người đồng tính được coi là hợp pháp 27 quốc gia và cùng lãnh thổ. Do các Hiến pháp và đạo luật thường không đề cập trực tiếp đến quyền nhận con nuôi của những người LGBT, các quyền này thường xác định thông qua quyền nuôi con nuôi của người đồng tính dưới tư cách là người độc thân nhận nuôi con nuôi hay dưới tư cách một cặp đôi đồng tính sống chung như vợ chồng nhận nuôi con nuôi. Thông thường, quyền nuôi con nuôi của cặp đôi đồng tính chỉ có thể được hợp pháp hóa khi quyền kết hôn của người đồng tính được hợp pháp hóa, rất nhiều trường hợp các quốc gia công nhận hợp pháp hóa kết hôn đồng giới nhưng chưa cho phép các cặp đôi đồng tính nhận con nuôi.
Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới cũng có rất nhiều tranh cãi về vấn đề nuôi con nuôi của người đồng tính, ở mỗi quốc gia, khu vực có những quan điểm riêng dẫn tới những khác biệt về mặt pháp luật khi quy định về quyền này của người đồng tính. Trong phạm vi bài viết đề cập đến pháp luật về quyền nuôi con nuôi tại một số các quốc gia, vùng lãnh thổ điển hình như Hoa Kỳ, Pháp và Đài Loan.
Mục lục bài viết
1. Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính tại Hoa Kỳ:
Người đồng tính và những nhà hoạt động về quyền con người, quyền của người đồng tính đã phải đấu tranh rất nhiều trong một thời gian dài để đạt được sự công nhận của pháp luật.
Đến năm 2016, Mississippi là bang duy nhất của Hoa Kỳ không có quyền nhận con nuôi chung hợp pháp cho các cặp LGBTI Bộ luật Quan hệ Gia đình của Mississippi quy định: “Việc nhận con nuôi của các cặp cùng giới bị cấm“. Một vụ kiện đã xảy ra bởi bởi bốn cặp đồng tính ở Mississippi vào tháng 8 năm 2015 để đơn lên òa án Quận Liên bang để chống lại quy định này, tìm cách tuyên bố đạo luật này là vị hiến. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2016, Thẩm phán Daniel P. Jordan III đã ban hành lệnh sơ bộ hủy bỏ lệnh cấm của Mississippi đối với các cặp đồng tính nhận con nuôi, phán quyết rằng lệnh cấm vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng, đồng thời, Tòa án Quận Liên bang đã hủy bỏ lệnh cấm của Mississippi đối với việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính.
Tại bang Idaho, năm 2013 một cặp đồng tính nữ, kết hôn ở California nhưng hiện đang sống ở Idaho, đã nộp đơn xin cha mẹ thứ hai làm con nuôi. Một thẩm phán bang đã bác đơn với lý do Idaho không công nhận cuộc hôn nhân của họ. Khi kháng cáo, Tòa án Tối cao Idaho nhất trí hủy bỏ phán quyết của thẩm phán vì Idaho không có lệnh cấm cụ thể theo luật định đối với việc nhận cha mẹ thứ hai chưa kết hôn.
Đặc biệt, tại New York một phán quyết của tòa án vào tháng 10 năm 2012 trong một vụ tranh chấp quyền nuôi con giữa hai người phụ nữ trong một mối quan hệ đồng giới đã trao quyền nuôi con cho cha mẹ nuôi chứ không phải cho mẹ ruột. Theo đó, trong vụ kiện tranh chấp quyền nuôi con nuôi chung giữa Allison Scollar và Brook Altman. Thẩm phán đã trao quyền cho người mẹ nuôi vì cho rằng người mẹ nuôi có thể chăm sóc con tốt hơn mẹ đẻ, và một người mẹ ruột không có nghĩa là được ưu tiên hơn cha mẹ nuôi. Điều này chỉ ra rằng, pháp luật không chỉ bảo vệ quyền nuôi con nuôi của người đồng tính, pháp luật còn đề cao bảo vệ quyền của trẻ hơn trong mọi trường hợp.
Hiện nay, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính được hợp pháp ở cả 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ, luật liên quan đến cặp đôi đồng tính nhận con nuôi khác nhau theo từng tiểu bang. Một số bang trao toàn quyền nhận con nuôi cho các cặp đồng tính, trong khi những bang khác cấm nhận con nuôi đồng tính hoặc chỉ cho phép một người trong mối quan hệ đồng giới nhận con đẻ của người kia. Tuy nhiên, thực tế những người LGBTI và các cặp đồng tính vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi thực hiện quyền nuôi con nuôi của mình.
2. Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính tại Pháp:
Tại Pháp, sau khi Luật số 2013–404 quy định công nhận hôn nhân đồng tính có hiệu lực vào ngày 17 tháng 5 năm 2013, người đồng tính có thể nhận con nuôi một cách hợp pháp. Đạo Luật này là một trong những cam kết của Tổng thống Francois Hollande khi ông vận động tranh cử năm 2012, nằm trong chương trình gia tăng quyền hôn nhân đồng tính và cho phép họ xin con về nuôi. Ngày 12 tháng 2 năm 2013, các nhà làm luật ở Hạ viện thông qua đề luật 2013–404, theo đó các cặp đồng tính được quyền lấy nhau hợp pháp cũng như được xin con về nuôi. Đạo luật được thông qua với tỉ số 329 thuận trên 229 phiếu chống, với 10 phiếu khiếm diện. Sau đó chỉ chờ quyết định ở Thượng viện trước khi chính thức trở thành luật.
Theo quy định của Bộ Luật này những điều kiện về kết hôn, nuôi con nuôi của người đồng tính được thực hiện tương tự như đối với người dị tính khác. Luật này bao gồm 05 chương, trong đó đặc biệt tại Chương 2 (từ Điều 7 đến Điều 9) về các quy định liên quan đến việc nhận con nuôi và duy trì mối quan hệ với đứa trẻ. Luật này dẫn chiếu đến các quy định về hôn nhân gia đình trong Bộ luật dân sự Pháp trong đó công nhận “Hôn nhân là giao kết được thực hiện bởi hai người đồng tính hoặc khác giới tính” (Điều 143 Bộ Luật Dân sự Pháp).
Điều kiện để nhận con nuôi là hai vợ chồng hợp pháp (đã kết hôn trên 02 năm), hoặc bất kì ai trên 28 tuổi đều có thể nhận con nuôi (Điều 343, Điều 343–1 Bộ luật dân sự Pháp); người nhận con nuôi phải lớn hơn trẻ được nhận nuôi ít nhất 15 tuổi, trong một số trường hợp thì độ tuổi chênh lệch này có thể thấp hơn (Điều 344; Điều 345 Bộ luật dân sự Pháp).
Cũng theo quy định của 2 luật trên thì người đồng tính hoàn toàn có quyền nhận con đẻ của người vợ, chồng của mình hoặc nhận con không có quan hệ huyết thống với một trong hai người làm con nuôi chung.
3. Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính tại Đài Loan:
Vào ngày 24 tháng 5 năm 2017, Bộ Tư pháp Đài Loan đã ra phán quyết rằng luật hôn nhân hiện hành là vị hiến và các cặp đồng tính nên có quyền kết hôn. Vào ngày 17 tháng 5 năm 2019, Viện lập pháp đã thông qua dự luật hôn nhân đồng tính, công nhận hôn nhân cho các cặp đồng tính. Dự luật đã được Tổng thống Tsai Ing wen ký thành luật vào ngày 22 tháng 5 và có hiệu lực vào ngày 24 tháng 5. Đài Loan đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á công nhận hôn nhân đồng tính.
Quyền của người LGBTI ở Đài Loan được coi là tiến bộ nhất ở châu Á tuy nhiên, ở một số khía cạnh những quyền này còn khá dè dặt và hạn chế so với các quốc gia tại Châu Âu và Châu Mỹ. Các cặp đồng tính có thể nhận con nuôi một cách hợp pháp. Tuy nhiên, họ chỉ có thể nhận con đẻ của người bạn đời cùng giới tính làm con nuôi. Luật Đài Loan chỉ cho phép những người đã kết hôn nhận con nuôi, nhưng cũng cho phép các cá nhân độc thân nhận con nuôi, tùy theo hoàn cảnh, bao gồm cả cá nhân LGBTI. Luật hôn nhân đồng tính chỉ cho phép vợ chồng đồng tính có quyền nhận con khi đứa trẻ có quan hệ huyết thống với người vợ hoặc chồng đồng tính của mình mà không cho các cặp đôi này có quyền nhận nuôi con nuôi đối với những đứa trẻ không có cùng huyết thống với một trong hai người.
Có thể thấy, tuỳ theo tình hình văn hoá, xã hội của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ thì quy định pháp về quyền của người đồng tính, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính là khác nhau. Thực tế cũng không có nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận quyền nuôi con nuôi của người đồng tính. Tuy nhiên có một điểm chung giữa các quốc gia trên đó chính là những phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính đã diễn ra trong một thời gian dài, từng bước từng bước công nhận các quyền của người đồng tính cũng như quyền nuôi con nuôi của người đồng tính. Hầu hết các quy định pháp luật của quốc gia đều phát triển theo hướng từ công nhận quyền kết hôn của người đồng tính rồi công nhận quyền nuôi con nuôi của người đồng tính, từ công nhận quyền nuôi con nuôi có quan hệ huyết thống với một trong hai người đồng tính đến công nhận quyền nuôi con nuôi không có quan hệ huyết thống với cả hai người, đồng thời đây cũng được coi là xu hướng pháp luật chung của các quốc gia trên thế giới khi quy định về quyền này.