Khi xã hội ngày càng hiện đại, trình độ phát triển của con người ngày càng cao thì vấn đề về quyền con người cũng ngày càng được coi trọng nhiều hơn. Một trong những quyền đó, có quyền nhân thân. Cùng tìm hiểu quyền nhân thân là gì? Quyền nhân thân theo Bộ luật dân sự?
Mục lục bài viết
1. Quyền nhân thân là gì?
Về khái niệm quyền nhân thân, hiện nay trong pháp luật thực định cũng như trong các công trình nghiên cứu khoa học chưa có một định nghĩa nào thống nhất, cụ thể về quyền nhân thân. Dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu luật học đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm này.
Quan điểm thứ nhất: tiếp cận quyền nhân thân dưới hai góc độ là góc độ chủ thể và góc độ khách thể.
Theo đó:
– Dưới góc độ chủ thể, quyền nhân thân về dân sự được hiểu là quyền con người về dân sự gắn liền với mỗi cá nhân được thụ hưởng với tư cách là thành viên của cộng đồng kể từ thời điểm người đó được sinh ra và bằng các quyền đó, mỗi cá nhân được khẳng định địa vị pháp lý của mình trong giao lưu dân sự, do đó mỗi cá nhân đều có quyền nhân thân riêng và quyền này không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, theo cách hiểu này, quyền nhân thân chính là quyền con người mà cá nhân đó được toàn quyền hưởng và toàn quyền tự định đoạt, có mối quan hệ hữu cơ với mỗi cá nhân kể từ thời điểm cá nhân đó được sinh ra và gắn liền với cá nhân trong suốt cuộc đời.
– Dưới góc độ khách thể, quyền nhân thân về dân sự của cá nhân được hiểu là chế định pháp luật bao gồm các quy định của pháp luật về các quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân để bảo đảm địa vị pháp lý cho mọi cá nhân, là cơ sở pháp lý để cá nhân thực hiện các quyền con người về dân sự trong sự bảo hộ của nhà nước và pháp luật. Theo cách hiểu này, quyền nhân thân chính là các điều luật quy định về quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để cá nhân thực hiện các quyền đó và được bảo vệ quyền khi có hành vi xâm phạm xảy ra.
Với việc tiếp cận khái niệm theo cách này có ý nghĩa cơ bản làm rõ nội hàm quyền nhân thân ở hai góc độ khác nhau nhưng lại có một hạn chế lớn do sự tách biệt hai yếu tố chủ thể và khách thể của quyền nhân thân, dẫn đến định nghĩa quyền nhân thân không có tính hệ thống, bao quát và toàn diện.
Quan điểm thứ hai: cho rằng chỉ những giá trị nhân thân được pháp luật ghi nhận mới được xem là quyền nhân thân, còn những giá trị nhân thân không được ghi nhận thì sẽ không được xem là quyền nhân thân.
Quan điểm này có một hạn chế lớn đó là chưa xác định được quyền nhân thân chính là quyền dân sự. Mặt khác, với cách nhìn nhận chỉ những giá trị nhân thân được pháp luật ghi nhận mới được coi là quyền nhân thân, định nghĩa này đã vô hình chung thu hẹp phạm vi quyền nhân thân của con người.
Quan điểm thứ ba: cho rằng quyền nhân thân là quyền dân sự chủ quan gắn liền với cá nhân do nhà nước quy định cho mỗi cá nhân và các cá nhân không thể chuyển giao quyền này cho người khác.
So với hai quan điểm trên, quan điểm này được xem là đầy đủ và toàn diện hơn khi nêu được các thuộc tính của quyền nhân thân như: là quyền dân sự, gắn liền với cá nhân, được nhà nước quy định và không thể chuyển giao, đồng thời, khắc phục được hạn chế mà quan điểm thứ hai mắc phải.
Quan điểm thứ tư: nhìn nhận quyền nhân thân theo hai vấn đề, đó là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác.
Quan điểm này đã được chuyển hóa vào nội dung quy định trong BLDS năm 2015.
Kế thừa những điểm tiến bộ trong quy định của BLDS năm 2005 về quyền nhân thân, tại khoản 1 Điều 25 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Quy định này phần nào làm rõ khái niệm quyền nhân thân với hai đặc điểm cơ bản: là quyền dân sự gắn liền với cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác.
Như vậy, qua việc tìm hiểu những quan điểm khoa học pháp lý đến luật thực định về khái niệm quyền nhân thân cho thấy, hiện nay, còn có nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận về quyền nhân thân khác nhau ở nhiều góc độ nhất định. Tuy nhiên, về cơ bản, các quan điểm nói trên đều thống nhất ở một số điểm chung như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân là một bộ phận của quyền dân sự và quyền này thuộc về cá nhân.
Thứ hai, quyền nhân thân luôn hướng tới những giá trị tinh thần không định giá được như quyền đối với họ tên; quyền được khai sinh; quyền được khai tử; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền đối với hình ảnh cá nhân; quyền bí mật đời tư; quyền tác giả… Tất cả những quyền này liên quan mật thiết đến những nhu cầu cần có của một cá nhân sống trong xã hội và bất cứ ai cũng không được phép xâm phạm.
Thứ ba, quyền nhân thân không thể chuyển giao cho người khác, nghĩa là quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó có quyền thực hiện hoặc do người đại diện của họ thực hiện trong một số trường hợp do pháp luật quy định.
Xuất phát từ những điểm thống nhất trong một số quan điểm nêu trên và quy định về quyền nhân thân tại Điều 25 BLDS năm 2015, có thể đưa ra định nghĩa về quyền nhân thân như sau: “Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với giá trị tinh thần của mỗi chủ thể, không định giá được bằng tiền và không thể chuyển giao cho chủ thể khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Nhân thân là gì?
Nhân thân là quyền dân sự gắn liền với bản thân của người đó, được hình thành, phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt bằng những quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Yếu tố nhân thân được xem là quan trọng trong việc xét lý lịch tư pháp, và đặc biệt là cơ sở để quyết định hình phạt, cho hưởng án treo, xóa án tích trong các vụ án hình sự.
2. Đặc điểm của quyền nhân thân:
Với bản chất là một bộ phận quyền dân sự, quyền nhân thân có đầy đủ các đặc điểm của quyền dân sự nói chung. Ngoài ra, nó còn mang một số đặc điểm riêng biệt nhằm phân biệt với quyền tài sản. Cụ thể như:
2.1. Quyền nhân thân mang tính chất phi tài sản:
Khác với quyền tài sản, đối tượng của quyền nhân thân là một giá trị tinh thần, do đó, quyền nhân thân không biểu hiện bằng vật chất, không quy đổi được thành tiền và mang giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá. Do vậy, quyền nhân thân không thể bị định đoạt hay mang ra chuyển nhượng cho người khác. Một người không thể kê biên quyền nhân thân của con nợ. Pháp luật quy định cho mọi chủ thể đều bình đẳng về quyền nhân thân. Mỗi một chủ thể có những giá trị nhân thân khác nhau nhưng được pháp luật bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm.
2.2. Quyền nhân thân gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch:
Mỗi một chủ thể mang một giá trị nhân thân đặc trưng, do đó, quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định. Mặc dù vậy, quyền nhân thân không bị phụ thuộc, chi phối bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào như độ tuổi, trình độ, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội,….
Quyền nhân thân không thể chuyển dịch cho người khác, tức là, quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó hoặc trong một số trường hợp do chủ thể khác được pháp luật quy định thực hiện. Quyền nhân thân không thể là đối tượng trong các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng, cho,…
Trên thực tế xuất hiện nhiều hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân, ví dụ: một người mẫu ký hợp đồng với công ty quảng cáo về việc cho phép công ty đó sử dụng bức ảnh của mình để quảng cáo. Vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu trong trường hợp này có được xem là đối tượng chuyển dịch? Thực chất, đối tượng chuyển dịch trong trường hợp này chính là những bức ảnh của người mẫu đã được chụp mà không phải là quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu.
Bởi, như đã phân tích ở trên, quyền nhân thân mang giá trị tinh thần, do đó, không thể định đoạt và chuyển giao cho người khác. Trong nghiên cứu mới đây về quyền nhân thân, có quan điểm phân loại quyền nhân thân thành quyền nhân thân cơ sở (hay còn gọi là quyền nhân thân gốc) và quyền nhân thân phái sinh. Quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân theo đúng bản chất của nó, không thể chuyển nhượng. Quyền nhân thân phái sinh là quyền khai thác danh tiếng của một cá nhân với mục đích thương mại. Liên quan đến hình ảnh của cá nhân, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân cơ sở, còn quyền đối với từng bức ảnh cụ thể của cá nhân trong trường hợp ký hợp đồng với công ty quảng cáo nói trên là quyền nhân thân phái sinh.
3. Các quyền nhân thân cụ thể theo pháp luật dân sự:
Quyền nhân thân có thể liệt kê, gồm:
Thứ nhất, Quyền mang tính chất chính trị (ở đây nói đến một số quyền nhân thân có ý nghĩa chính trị được liệt kê trong nhóm các quyền nhân thân theo nghĩa của pháp luật dân sự), như: quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền đối với quốc tịch, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú;…
Thứ hai, Quyền nhân thân là một số quyền liên quan đến gia đình, tức là các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ giữa những thành viên trong gia đình, như: quyền bình đẳng giữa vợ và chồng; quyền xác định cha, mẹ, con,…
Thứ ba, cuối cùng có thể kể đến chính là các quyền nhân thân đúng nghĩa như tên gọi, gắn với cá nhân chủ thể, như: quyền thay đổi họ, tên, có quốc tịch; quyền sống, được đảm bảo tính mạng, sức khỏe; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm; các quyền nhân thân của người sáng tạo ra tác phẩm văn chương, nghệ thuật, khoa học,…
Theo cách hiểu chung, quyền nhân thân được xem là quyền không thể chuyển giao bởi vì hầu hết các quyền nhân thân đều gắn với cá nhân một chủ thể nhất định mà chỉ có cá nhân đó mới có, chẳng hạn như: Tên gọi của người này thì không thể chuyển cho người khác sử dụng; Bản thân anh A có quyền kết hôn hợp pháp với một đối tượng nào đó thì khi làm thủ tục đăng ký kết hôn thì không thể xảy ra trường hợp anh A nhờ anh C nào đó thay mình đứng tên trong Giấy chứng nhận kết hôn được và dĩ nhiên pháp luật cũng sẽ không thừa nhận các quan hệ phát sinh nếu xảy ra tranh chấp…
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các quyền nhân thân đều không thể chuyển giao. Qua các giai đoạn, pháp luật dân sự nước ta có quy định về vấn đề này, như sau: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (Điều 24 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005. Và tiếp tục được bổ sung cụ thể, chi tiết hơn tại khoản 1 Điều 25 BLDS 2015: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Theo pháp luật hiện hành thì trường hợp “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” đối với quyền nhân thân có thể kể đến quyền nhân thân liên quan đến quyền tác giả đối với tác phẩm. Theo đó, Quyền tác giả được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Điều 19
Cũng theo khoản 2 Điều 45
Như vậy, Luật đã quy định rõ là tác giả không được quyền chuyển nhượng (có thể hiểu là chuyển giao quyền cho người khác) các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này ngoại trừ quyền công bố tác phẩm. Và việc chuyển giao quyền này phải được lập thành văn bản theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Có thể nói, quyền nhân thân là một quyền dân sự đặc biệt. Bởi dưới gốc độ của pháp luật dân sự thì cá nhân là chủ thể chính yếu, thường xuyên, quan trọng và phổ biến của quan hệ dân sự. Sở dĩ nói quyền nhân thân là quyền dân sự đặc biệt vì các quyền này chỉ thuộc về cá nhân trong khi đó quyền tài sản có thể thuộc về những chủ thể khác (pháp nhân, hộ gia đình). Theo đó, quyền nhân thân là quyền gần như không thể chuyển giao, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác như bài viết vừa phân tích.