Quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn? Quyền lợi của người mẹ khi ly hôn? Khi ly hôn, phụ nữ có ưu thế gì so với chồng không?
Trong cuộc sống hôn nhân, việc ly hôn là điều không ai mong muốn. Trong thực tế cuộc sống, khi những mâu thuẫn xảy ra và kéo dài thì ly hôn là hậu quả tất yếu. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ sau khi ly hôn bởi ở Việt Nam, phụ nữ luôn được coi là phái yếu và có phần thiệt thòi hơn sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Căn cứ pháp lý
– Luật hôn nhân gia đình năm 2014
Mục lục bài viết
1. Ly hôn là gì?
Theo khoản 14 Điều 3
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định.
+ Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.
+ Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
2. Quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn?
Quyền được ly hôn
Theo như quy định
Nếu có căn cứ ly hôn theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hay về việc vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì người vợ được quyền yêu cầu ly hôn.
Tuy nhiên tại Khoản 3 Điều 51
” Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như vậy, trường hợp khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn với vợ mình. Pháp luật mong muốn bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em là những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhằm đảm bảo đời sống của họ trong những giai đoạn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Như vậy, quyền ly hôn của người vợ được ưu tiên và linh hoạt hơn so với người chồng khi có căn cứ yêu cầu ly hôn.
Quyền chia tài sản vợ chồng sau khi ly hôn
Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
” Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Như vậy, theo nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn, nếu tài sản của người vợ được xác định là tài sản riêng, thì khi ly hôn tài sản này sẽ không phải chia mà thuộc quyền sở hữu riêng của người vợ.
Khi giải quyết chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xem xét đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân mình.
Tòa án phải tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ phân chia tài sản như: công sức đóng góp của vợ, chồng trong quá trình duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng; hoàn cảnh của gia đình và của vợ và chồng; việc chia tài sản chung vợ chồng phải bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để sau khi ly hôn các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập và đảm bảo cuộc sống; yếu tố lỗi của mỗi bên vợ chồng khi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng dẫn tới việc hôn nhân trầm trọng, vợ chồng phải ly hôn.
Quyền lưu cư
Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền lưu cư như sau :
“Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Phụ nữ sau ly hôn thường bất ổn và bế tắc, mất phương hướng, vì vậy phụ nữ sau ly hôn thường vấp phải nhiều khó khăn trong việc cân bằng lại cuộc sống. Chỗ ở cũng là một trong những vấn đề mà người phụ nữ lo lắng khi không tiếp tục sống chung với chồng nữa. Do đó theo quy định tại Điều 63 thì khi người vợ có khó khăn về chỗ ở sau khi ly hôn thì vẫn được quyền lưu cư tại ngôi nhà đã được sử dụng chung trong thời kỳ hôn nhân mặc dù ngôi nhà này không thuộc sở hữu riêng của người vợ.
Quyền được cấp dưỡng sau khi ly hôn
Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có đặt ra quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ và chồng khi ly hôn như sau:
” Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.”
Như vậy, nếu người vợ sau khi ly hôn lâm vào tình trạng khó khăn thì được quyền yêu cầu người chồng cấp dưỡng nếu có lý do chính đáng. Mức cấp dưỡng sẽ do hai bên vợ chồng thỏa thuận căn cứ theo thu nhập và khả năng thực tế của chồng, trong trường hợp không thỏa thuận được mức cấp dưỡng có thể yêu cầu Tòa án can thiệp.
Nếu người chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì vợ có quyền yêu cầu Tòa án buộc người chồng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
3. Quyền lợi của người mẹ khi ly hôn:
Được giành quyền nuôi con
Theo Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
” Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Phụ nữ khi ly hôn có quyền được trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
Nếu con đã trên 36 tháng tuổi thì vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trong trường hợp vợ chồng không đi đến thỏa thuận cuối cùng thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con.
Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con muốn ở với bố hay với mẹ.
Tòa án căn cứ các yếu tố như điều kiện vật chất và điều kiện về tinh thần để xem xét đứa trẻ sống với người nào sẽ phát triển tốt hơn và không ảnh hưởng đến tâm sinh lý đứa trẻ để ra quyết định giao con cho vợ hoặc chồng. Nếu các điều kiện của người vợ tốt hơn thì người vợ sẽ được quyền nuôi con sau khi ly hôn.
Trường hợp con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người mẹ được trao quyền trực tiếp nuôi con trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc giữa cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
” Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. ”
Như vậy, sau khi ly hôn nếu con ở với mẹ thì người chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền nuôi dạy con của người mẹ, đồng thời có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Số tiền cấp dưỡng do 2 bên thỏa thuận, tuy nhiên trong trường hợp không thể thỏa thuận, người mẹ có quyền yêu cầu sự can thiệp của Tòa án.
Người cha nếu trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của người mẹ khi nuôi con
Theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình tại điều 83 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:
” Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”