Nhà nước đã quy định những quyền lợi nhất định dối với người dân và địa phương nơi có khoáng sản khai thác. Vậy quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1.Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản?
Căn cứ Điều 15, 16
1.1. Quyền lợi địa phương nơi có khoáng sản được khai thác:
Điều 15 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định về quyền lợi địa phương nơi có khoáng sản được khai thác như sau:
– Căn cứ thực tế nguồn thu hàng năm từ hoạt động khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình lên Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua dự toán chi ngân sách hỗ trợ để tiến hành nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
– Các hạng mục công trình được hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí sau đây:
+ Là đường giao thông cấp huyện, xã bị ảnh hưởng trực tiếp do vận chuyển đất đá thải, khoáng sản đã khai thác;
+ Là các công trình phúc lợi nằm trên địa bàn huyện, xã nơi có khoáng sản được khai thác gồm:
++ Trường học;
++ Cơ sở khám chữa bệnh;
++ Nhà văn hóa;
++ Hệ thống cung cấp nước sạch;
++ Công trình xử lý môi trường.
Theo đó, quyền lợi địa phương nơi có khoáng sản được khai thác đó chính là được sử dụng nguồn thu hàng năm từ hoạt động khai thác khoáng sản để thực hiện nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Tuy nhiên, để được sử dụng nguồn thu hàng năm từ hoạt động khai thác khoáng sản để nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình thì những hạng mục công trình được hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí đã nêu trên.
Ngoài ra, căn cứ Điều 16 Nghị định 158/2016/NĐ-CP thì địa phương nơi có khoáng sản được khai thác còn được tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản:
– Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản;
– Xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật;
– Được sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật những hạ tầng kỹ thuật, các công trình, tài sản khác nếu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây thiệt hại (tùy theo mức độ thiệt hại);
– Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo đúng dự án đầu tư khai thác khoáng sản khi thực hiện khai thác khoáng sản.
1.2. Quyền lợi của người dân nơi có khoáng sản được khai thác:
Điều 16 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định về quyền lợi của người dân nơi có khoáng sản được khai thác như sau:
– Việc hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định tại khoản 2 của Điều 5 Luật khoáng sản do tổ chức, cá nhân khai thác trực tiếp thực hiện.
– Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thông báo nội dung, khối lượng; kế hoạch, chương trình thực hiện những công việc, các hạng mục công trình hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã; thực hiện thông báo công khai đến tổ dân phố/thôn/bản để người dân nơi mà có khoáng sản cử đại diện tham gia giám sát quá trình thực hiện.
– Chi phí hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất.
Theo đó, người dân nơi có khoáng sản được khai thác có những quyền lợi sau:
– Được tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hỗ trợ những vấn đề sau:
+ Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;
+ Được bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp khi người dân nơi có khoáng sản có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.
– Được cử đại diện tham gia giám sát quá trình thực hiện khai thác khoáng sản của Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
– Ngoài ra, căn cứ vào khoản 3 Điều 5 Luật Khoáng sản 2010 quy định người dân nơi có khoáng sản được khai thác sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho cá tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản.
2. Trách nhiệm của địa phương nơi có khoáng sản khai thác trong việc quản lý nhà nước về khoáng sản:
2.1. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân tỉnh nơi có khoáng sản khai thác trong việc quản lý nhà nước về khoáng sản:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
– Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, về bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương của mình;
– Khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;
– Quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền;
– Xây dựng nội dung phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong quy hoạch tỉnh trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản;
– Phê duyệt trữ lượng khoáng sản;
– Thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép;
– Cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản;
– Gia hạn Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản
– Thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản
– Chấp thuận việc trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản,
– Chấp thuận việc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản;
– Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền;
– Giải quyết theo thẩm quyền việc cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và những vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương của mình theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo đúng quy định của pháp luật;
– Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản;
– Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn;
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản;
– Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
2.2. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khoáng sản khai thác trong việc quản lý nhà nước về khoáng sản:
Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
– Giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và những vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương mình theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện những biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo đúng quy định của pháp luật;
– Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản;
– Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn;
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản;
– Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
3. Nguyên tắc trong hoạt động khoáng sản:
Hoạt động khoáng sản phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với:
+ Chiến lược, quy hoạch khoáng sản;
+ Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, gắn với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và những tài nguyên thiên nhiên khác;
+ Phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.
– Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư.
– Khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm của từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định cho tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
– Luật Khoáng sản năm 2010.