Người chưa thành niên thuộc nhóm LGBT là người đang bắt đầu trong quá trình nhận biết và đi tìm hiểu về xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới của mình. Họ chưa có đủ năng lực để tự bảo vệ các quyền của mình, vì vậy, họ cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ.
Trong những năm trở lại đây, nhóm người LGBT ngày càng được biết đến nhiều hơn khi ngày càng có nhiều người thuộc nhóm người LGBT “come out” và sống với đúng con người thật của mình. Nhóm người LGBT đang dần khẳng định rằng mình cũng là một phần trong xã hội với những đóng góp của họ trong những hoạt động chung của xã hội như: lao động sản xuất, văn hóa, nghệ thuật... Chính do những đóng góp mà họ mang đến đã làm cho cộng đồng xã hội có những chuyển biến tích cực về cả nhận thức và hành động liên quan tới nhóm người LGBT. Xã hội dần chấp nhận nhóm người LGBT tuy chiếm thiểu số nhưng cũng là một nhân tố trong cộng đồng, họ cũng là con người và có những quyền cơ bản của một con người. Đó là những quyền như tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do yêu ai, kết hôn với ai, được tự do thể hiện giới tính thật của mình... Không thể coi những khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới của nhóm người LGBT là rào cản hạn chế đi quyền của họ đặc biệt là quyền hôn nhân và gia đình trong khi đó là một nhu cầu tự nhiên của mỗi con người. Do đó, nhà nước cần có những biện pháp để bảo vệ và tôn trọng quyền của nhóm người LGBT như là một nhóm người yếu thế và chiếm thiểu số trong cộng đồng.
Người chưa thành niên được hiểu là những người chưa đủ 18 tuổi theo qui định của Bộ luật Dân sự. Người chưa thành niên đóng một vai trò rất quan trọng đối với xã hội vì đó là tương lai của đất nước. Người chưa thành niên được xếp là đối tượng dễ bị tổn thương do đối tượng này là chưa có sự phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Người chưa thành niên thuộc nhóm người LGBT là đối tượng rất dễ bị xâm hại, đặc biệt là bị xâm hại đối với các quyền hôn nhân và gia đình. Điều này có thể xuất phát từ những quan điểm, định kiến về hôn nhân và gia đình đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội liên quan đến những khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ đối với phần đông đa số những người khác. Trên thực tế, những người chưa thành niên thuộc nhóm LGBT là những người đang bắt đầu trong quá trình nhận biết và đi tìm hiểu về xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới của mình. Họ là những người chưa có đầy đủ năng lực để có thể tự bảo vệ các quyền của mình, đặc biệt là các quyền hôn nhân và gia đình của mình. Chính vì lý do đó họ cần được gia đình, xã hội và pháp luật quan tâm, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ.
Các quyền HN&GĐ của nhóm người này bao gồm những quyền cơ bản sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Quyền được xác định cha, mẹ của con đối với nhóm người LGBT chưa thành niên:
- 2 2. Quyền được được sống cùng cha mẹ, được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, giáo dục đối với nhóm người LGBT chưa thành niên:
- 3 3. Quyền sở hữu tài sản đối với nhóm người LGBT chưa thành niên:
- 4 4. Quyền được bảo vệ trước pháp luật đối với nhóm người LGBT chưa thành niên
- 5 :
1. Quyền được xác định cha, mẹ của con đối với nhóm người LGBT chưa thành niên:
Người chưa thành niên, với tư cách là một chủ thể đặc biệt trong các quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình, là những người chưa có năng lực hành vi đầy đủ, do vậy, việc thực hiện và bảo vệ các quyền của họ đa phần là do bố mẹ, người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Chiếm phần thiểu số trong nhóm trẻ chưa thành niên, nhóm người LGBT chưa thành niên cũng có đầy đủ những quyền HN&GĐ và cần được bảo vệ.... Trong phạm vi của đề tài này, những người chưa thành niên được nghiên cứu trong hai trường hợp: Người chưa thành niên là người thuộc nhóm người LGBT sống trong gia đình có cha mẹ là những người dị tính, người chưa thành niên sống trong gia đình có bố hoặc mẹ là người thuộc nhóm người LGBT.
Khi quan hệ chung sống giữa những cặp đôi LGBT là một thực tế tồn tại khách quan trong xã hội thì những đứa trẻ cũng bắt đầu được nuôi dưỡng trong ngôi nhà của những cặp đôi rất đặc biệt này. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ dễ dàng, nhất là với những gia đình” của những cặp đôi LGBT. Họ chẳng những phải chuẩn bị đủ cho kinh tế và thậm chí là khá dư dả thì bên cạnh đó còn phải có một sự can đảm để đối diện với rất nhiều áp lực, khó khăn khi trong quá trình nhận và nuôi dưỡng một đứa trẻ.
* Người LGBT chưa thành niên được cha, mẹ là những người có xu hướng tính dục dị tính sinh ra
Trong trường hợp này, việc xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, dù con là người LGBT hay không, đều giống nhau. Khi cha, mẹ của con có hôn nhân hợp pháp thì việc xác định cha mẹ cho con được xác định theo Điều 88 Luật HN&GĐ. Theo đó, về nguyên tắc, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Vợ, chồng được xác định là cha mẹ của người chưa thành niên đó. Trong trường hợp người chồng không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và được Tòa án xác định.
Trong trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên thuộc nhóm LGBT không có quan hệ hôn nhân hợp pháp thì việc xác định cha, mẹ cho con theo qui định của pháp luật về xác định cha, mẹ cho con ngoài hôn nhân, theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp. Nếu cả cha và mẹ đều tự nguyện nhận con, việc nhận con không có tranh chấp thì được giải quyết tại UBND cấp xã theo qui định của pháp luật hộ tịch”. Trong trường hợp việc xác định cha, mẹ cho con có tranh chấp thì giải quyết theo thủ tục tư pháp tại tòa án.
* Người LGBT chưa thành niên được sinh ra trong trường hợp cha hoặc mẹ là người đồng tính.
Trong trường hợp cha hoặc mẹ của người chưa thành niên thuộc nhóm LGBT là người đồng tính thì có thể thấy người chưa thành niên đó chỉ có thể được xác định là con của một trong hai người. Việc xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên thuộc nhóm LGBT có thể xảy ra trong các trường hợp cụ thể sau:
– Trường hợp thứ nhất: người chưa thành niên được sinh ra từ người đồng tính nữ có quan hệ sinh lý tự nhiên với một người đàn ông hoặc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con. Khi đó người đồng tính nữ đó được xác định là mẹ của đứa trẻ. Người đàn ông có quan hệ với người đồng tính nữ được xác định là cha của đứa trẻ.
– Trường hợp thứ hai: người đồng tính nam có quan hệ với một người phụ nữ khác và sinh ra đứa trẻ. Việc xác định cha, mẹ cho con được thực hiện như những trường hợp khác khi có yêu cầu.
– Trường hợp người đồng tính nữ đã kết với với một người đàn ông hoặc người đồng tính nam đã kết hôn hợp pháp với một người phụ nữ mà sinh con thì việc xác định cha, mẹ cho người LGBT chưa thành niên áp dụng theo Điều 88 Luật HN&GĐ, giống như trong trường hợp cha, mẹ là người dị tính.
– Đối với người chuyển giới nhưng chưa phẫu thuật để chuyển đổi giới tính thì họ vẫn được xác định theo giới tính hiện có khi sinh ra, nên họ vẫn có thể thực hiện chức năng sinh con và được xác định là cha hoặc mẹ của người chưa thành niên.
Việc xác định cha, mẹ cho con không phụ thuộc vào việc cha mẹ của trẻ là người đồng tính hay dị tính, hay chuyển giới, cũng không phụ thuộc vào việc người cha, người mẹ đó có cùng sống chung với người con hay không. Việc xác định cha, mẹ cho con chỉ phụ thuộc vào quan hệ huyết thống giữa người cha, người mẹ với đứa con hoặc phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của cha, mẹ khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con.
Quan hệ hôn nhân đồng giới là quan hệ không được thừa nhận theo pháp luật Việt Nam do đó việc xác định cha, mẹ đối với đứa trẻ chỉ được áp dụng đối với những cặp cha mẹ là người dị tính. Pháp luật không cho phép một đứa trẻ khi khai sinh trên giấy tờ pháp lý có hai ông bố hoặc là hai bà mẹ. Điều này khẳng định rằng, nếu một đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ là cặp đôi LGBT thì trên giấy tờ pháp lý (giấy khai sinh) của trẻ chỉ có thể xác định trẻ là con của một người độc thân, người còn lại về mặt pháp lý không được công nhận là cha hoặc mẹ của đứa trẻ, không có quan hệ hợp pháp nào với đứa trẻ. Người còn lại dù trên thực tế có thể chung sống cùng với đứa trẻ trong một ngôi nhà nhưng họ cũng không thể là người đại diện hợp pháp cho đứa trẻ trong những trường hợp như: khám chữa bệnh, đăng ký học, đại diện trước pháp luật...
2. Quyền được được sống cùng cha mẹ, được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, giáo dục đối với nhóm người LGBT chưa thành niên:
Trẻ em luôn là đối tượng cần phải được quan tâm và ưu tiên bảo vệ nhất trong xã hội. Để bảo vệ trẻ em một cách toàn diện ngoài yếu tố có một hệ thống pháp luật bảo vệ chặt chẽ, còn cần đến sự chung tay hỗ trợ bảo vệ trẻ của gia đình, nhà trường và của cả cộng đồng. Đối với trẻ em, việc được quan tâm, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ từ gia đình có vai trò rất quan trọng và đặc biệt đối với những trẻ em thuộc nhóm người LGBT thì quyền được yêu thương, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ từ cha mẹ lại càng cần thiết. Nhận thức của xã hội tuy đã có nhiều thay đổi về nhóm người LGBT nhưng đối với trẻ em thuộc nhóm LGBT thì việc phải đối mặt với những phán xét từ cộng đồng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cả thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó càng cần có sự đồng hành, quan tâm và yêu thương từ phía gia đình.
Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định nghĩa vụ của cha mẹ đối với con như “thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con có hiếu với gia đình, công dân có ích cho xã hội, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con con chưa thành niên..., không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới tính...”. Tuy nhiên, trong thực tế, trẻ em khi nhận biết được xu hướng tính dục của mình và cảm nhận được mình là người thuộc nhóm LGBT, các em có thường muốn tâm sự với những người thân thiết nhất của mình như cha, mẹ, những người thân trong gia đình. Điều này thể hiện mong muốn được chia sẻ, ủng hộ và thấu hiểu của trẻ đối với những người mà họ đặt toàn bộ tình cảm và sự tin tưởng.
Nhận thức của xã hội cũng như của cha mẹ về vấn đề xu hướng tính dục của nhóm người LGBT còn chưa thực sự cởi mở. Điều này dẫn đến thực tế là đã có không ít những trường hợp sau khi biết được bản dạng giới và xu hướng tính dục của con, cha mẹ thường là rất sốc, bất ngờ và có những phản ứng gay gắt dẫn đến những hành động sai lầm. Điều này xuất phát từ quan điểm truyền thống về giới, họ chỉ mong muốn con mình là nam, hoặc là nữ một cách rõ ràng theo khuôn mẫu chung của xã hội và pháp luật đang thừa nhận, bởi họ lo lắng con mình sẽ không có tương lai, lo lắng về cái nhìn của cộng đồng ảnh hưởng đến gia đình họ. Chính từ những quan điểm và lối suy nghĩ như vậy khiến cho một số gia đình đã sử dụng những hành vi bạo lực như đánh đập, nhốt, chửi rủa, cấm đoán, miệt thị người chưa thành niên LGBT...gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý đối với trẻ như trầm cảm, lo sợ, thậm chí là có ý định tự tử hoặc thực hiện hành vi tự tử vì cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Điều này càng khiến cho những trẻ em thuộc nhóm LGBT thấy tự ti về bản thân, luôn luôn né tránh mọi người, tạo ra một “vỏ bọc bên ngoài” để làm hài lòng gia đình vì họ luôn cho rằng họ chính là nguyên nhân khiến cho gia đình thất vọng, khiến cho xã hội dị nghị, xa lánh...
Đối với quan điểm giáo dục con cái của người Việt Nam, có thể thấy những phản ứng đó xuất phát từ tình thương con, sự kì vọng mà cha mẹ đặt ra đối với con quá lớn (đặc biệt là đối với con một) và một phần cũng xuất phát là từ những hạn chế về kiến thức liên quan đến người LGBT. Khi cha mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ giáo dục con, đặc biệt là khi biết con mình thuộc nhóm người LGBT, cha mẹ đã sử dụng những biện pháp trừng phạt như đòn roi, nhốt trong nhà, hoặc dùng lời lẽ thô tục làm con bị tổn thương, đau đớn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Điều này có ảnh hưởng nhiều sự phát triển nhân cách của trẻ em. Họ đã áp đặt ý chí của mình lên đứa trẻ mà không hề có sự | lắng nghe đến ý kiến hay cảm xúc của trẻ. Việc đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được cha mẹ chăm sóc, giáo dục, quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em.
Đa phần trẻ em phải đến tuổi dậy thì mới dễ nhận biết được xu hướng tính dục của mình. Việc công khai giới tính của trẻ chưa thành niên trước cha mẹ hoặc gia đình còn được coi là việc mắc bệnh, đua đòi, không nghe lời của những đứa trẻ mới lớn thích thể hiện mình. Nhiều bậc cha mẹ cố gắng thuyết phục con hoặc ngăn cấm khi con thể hiện việc mình có cảm xúc với người có cùng giới tính bằng những biện pháp như: nhốt con không cho dùng điện thoại không cho tiếp xúc với ai, theo dõi con, đưa đi xa, doạ tự tử... Điều này đã vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ. Tại Điều 6 Luật Trẻ em quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em trong đó có hành vi cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh, giới tính...
Những hành vi được coi là cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ bao gồm: – Sau khi sinh con, cha, mẹ bỏ con, không chăm sóc nuôi dưỡng, – Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật, – Cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Đối với hành vi bỏ rơi con là người LGBT, chủ yếu cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện hành vi như bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng con, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con, cắt đứt quan hệ tình cảm, vật chất với đứa trẻ, bỏ con ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Việc xử lý hành vi vi phạm quyền của trẻ em là LGBT được áp dụng theo Nghị định số 130/2022 có hiệu lực từ 1/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em như hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Hành vị xua đuổi, bỏ rơi, bỏ mặc con chưa thành niên là người thuộc nhóm LGBT đã gây ra những hậu quả to lớn đối với trẻ em thuộc nhóm LGBT. Một nghiên cứu chung giữa Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam (Save the Children Vietnam) và Viện Nghiên cứu iSEE (2012)** cho thấy trẻ em LGBT bỏ nhà do sự ruồng bỏ của gia đình và xu hướng tình dục và bản dạng giới của các em, hoặc do áp lực tâm lý từ việc thiếu cảm thông và hỗ trợ từ gia đình. Các em đi đến thành phố lớn nơi dễ dàng tiếp cận với cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, ở thành phố, trẻ em LGBT phải đối mặt với những điều kiện sống cực kỳ khó khăn. Không có nhà, các em phải ngủ ở các công viên, nơi công cộng hoặc các quán cà phê. Do đó, các em có nguy cơ bị cảnh sát đuổi, bắt do không có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân. Các em còn có thể bị quấy rối tình dục và hành hung. Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội là một điều khó khăn đối với các em. Một số cơ sở chăm sóc sức khỏe và cơ sở nhân đạo vẫn có phân biệt đối xử với các em vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của các em. Nhiều em đã cảm thấy rất cô đơn và bị trầm cảm, từ đó, dẫn đến việc sử dụng các chất kích thích và tự làm đau bản thân. Do sự phân biệt đối xử của những người sử dụng lao động đã cản trở các em không thể kiếm được những công việc có thu nhập tốt, vì thế nhiều em phải làm mại dâm. Điều này dẫn đến việc các em có nguy cơ cao bị bóc lột tình dục, bạo lực, nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Một vấn đề đặt ra nữa là trẻ em LGBT đường phố đang phải đối mặt là các cán bộ thực thi luật không tôn trọng quyền của trẻ em LGBT đường phố. Họ thường tùy ý quấy rối, bắt giữ và áp đặt hình phạt, lạm dụng và có những hành vi bạo lực với các em. Việc dễ bị tổn thương do vừa là LGBT vừa là trẻ em đường phố khiến các em càng bị gạt ra ngoài lề xã hội so với các nhóm khác trong xã hội. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có nỗ lực có hiệu quả để giải quyết các vấn đề mà trẻ em đường phố LGBT ở Việt Nam đang phải gánh chịu.
Ngày nay, với sự cởi mở đón nhận của xã hội, việc có những người thân quen với mình thuộc cộng đồng LGBT cũng không còn là điều bất ngờ. Gia đình không quyết định được việc con mình có thuộc nhóm người LGBT hay là không. Có một điều mà ngày nay phụ huynh cần xem xét khi giáo dục giới tính cho con đó là giáo dục cho con việc nhận biết đúng về xu hướng tính dục và tìm hiểu bản dạng giới của bản thân trẻ. Có lẽ đã đến lúc bố mẹ thời đại mới nhẹ nhàng chấp nhận sự việc này, để không còn những đứa trẻ phải “co ro” mà sống với bản ngã và cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Mọi phụ huynh nên có cái nhìn thay đổi và văn minh hơn khi nghĩ đến việc dù con mình có bộc lộc xu hướng tính dục hay bản dạng giới như thế nào đi chăng nữa thì miễn các con lớn lên khoẻ mạnh và tử tế mới là điều quan trọng nhất.
Qua sự phân tích quyền HN&GĐ của người chưa thành niên trong nhóm LGBT với cha mẹ có thể thấy pháp luật chưa qui định rõ quyền của người chưa thành niên được công khai xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình với các thành viên gia đình, đặc biệt là với cha mẹ, và nghĩa vụ cha mẹ, các thành viên tôn trọng quyền đó của người chưa thành niên thuộc nhóm LGBT.
3. Quyền sở hữu tài sản đối với nhóm người LGBT chưa thành niên:
Quyền sở hữu tài sản của người LGBT chưa thành niên được pháp luật ghi nhân và bảo đảm thực hiện trong thực tế, không có gì khác so với những người chưa thành niên khác. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng về tài sản của con là người LGBGT chưa thành niên trong quan hệ hôn nhân gia đình, Điều 75 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành tư tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con. Con từ đủ mười lăm tuổi trở lên còn sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập thì đóng góp vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Việc quản lý tài sản riêng được quy định: Con từ đủ 15 tuổi trở lên tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Con dưới 15 tuổi, do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên: Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc quy định khác của pháp luật. Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng đủ để bảo đảm việc thực hiện.
Trong quan hệ thừa kế tài sản, dù con chưa thành niên là người LGBT vẫn có quyền thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của cha, mẹ và những người khác theo qui định của pháp luật thừa kế. Trong trường hợp, cha, mẹ không thừa nhận con chưa thành niên là con của mình do con là người đồng tính hoặc là người chuyển giới mà không cho người con đó được hưởng thừa kế theo di chúc, thì người con chưa thành niên đó vẫn được hưởng thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo luật, nếu di sản được chia theo pháp luật theo qui định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Quyền được bảo vệ trước pháp luật đối với nhóm người LGBT chưa thành niên
Quyền hôn nhân và gia đình của người chưa thành niên thuộc nhóm người LGBT
:
Trên nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, có thể khẳng định rằng quyền được tôn trọng về thân thể, nhân phẩm, danh dự của cá nhân không phụ thuộc vào giới tính và xu hướng tính dục. Từ nguyên tắc đó, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định quyền bình đẳng giữa các con. Do vậy, dù là người đồng tính, song tính, chuyển giới thì con vẫn có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức; được nuôi dưỡng. Như vậy, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền con người của cá nhân.
Theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền được sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33); đồng thời quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ (Điều 34). Có thể nói đây là những quyền nhân thân rất quan trọng của mọi cá nhân và pháp luật luôn có cơ chế để bảo đảm việc thực hiện quyền được diễn ra một cách hợp pháp bằng các chế tài xử phạt. Nếu như đối với các cá nhân không thuộc nhóm LGBT, việc xâm phạm các quyền nhân thân này sẽ lập tức bị xem xét, áp dụng chế tài về mặt pháp luật và bị lên án gay gắt về đạo đức trong cộng đồng xã hội, thì vấn đề tương tự lại có đôi chút khác biệt khi các hành vi này xảy ra đối với nhóm người LGBT. Quyền được tôn trọng, bảo vệ về danh dự, nhân phẩm đối với người chưa thành niên là người LGB chưa được thực hiện nghiêm túc trên thực tế do sự kì thị, phân biệt đối xử, thái độ “ghẻ lạnh” của ngay cả những người thân đối với những người LGBT chưa thành niên trong gia đình.
Khi những đứa trẻ thể hiện xu hướng tính dục, bản dạng giới của cá nhân với gia đình, mong muốn có được sự quan tâm, chia sẻ từ bố mẹ nhưng đổi lại có rất ít gia đình chấp nhận việc bộc lộ xu hướng tính dục, bản dạng giới của trẻ, thậm chí còn có những trường hợp cha mẹ coi đó là sự đua đòi thậm chí là rối loạn về thần kinh cần được “dạy dỗ” hoặc được “chữa trị”. Bên cạnh những hành vi chửi bới, đánh đập, không ít bố mẹ ứng dụng sử dụng nhiều phương pháp mà họ cho rằng điều đó sẽ làm “thức tỉnh” bản năng về giới tính của con, để con không “sa ngã” vào con đường “sai trái”. Những trẻ em thuộc nhóm LGBT phải chịu đựng sự xâm phạm cả về thân thể, sức khỏe, cả về danh dự, nhân phẩm nhưng rất khó được bênh vực, bảo vệ, thậm chí là quá khó khăn để nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Bởi những người có hành vi xâm phạm đó lại chính là người thân, người ruột thịt trong gia đình.
Các hành vi của cha, mẹ, người thân trong gia đình xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, thể chất của người LGBT chưa thành niên tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý về hành chính hoặc về hình sự.