Quyền được cung cấp thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử? Quy định về quyền được cung cấp thông tin sản phẩm của người tiêu dùng trong thương mại điện tử?
Thế giới ngày càng phát triển đi cùng với xu thế tất yếu trong thương mại toàn cầu hóa. Trong xu thế này, sự phát triển kinh tế của một địa phương luôn gắn liền trong mối tương quan với nền kinh tế của quốc gia cũng như của cả thế giới. Sự bảo hộ thương mại vốn dựa trên ranh giới địa lý, hành chính của các quốc gia nay đã trở thành sự bảo hộ đối với quyền công dân, và trong tương lai, sự bảo hộ đối với quyền con người.
Thương mại điện tử với những đặc điểm và cách tiếp cận khách hàng khác với các loại hình thương mại truyền thống khác, ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Nhưng cũng vì thế, yếu tố thông tin trong thông tin sản phẩm, hay rộng hơn, thông tin hợp đồng, với tư cách là căn cứ để thực hiện hợp đồng trở nên vô cùng quan trọng bởi nó là một trong những lý do phổ biến của tranh chấp hợp đồng trong thương mại điện tử. Sau đây là một số thực trạng quy định của pháp luật có liên quan thông tin trong thông tin sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử:
Ở góc độ người tiêu dùng, Luật 59/2010/QH12 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác” và các thông tin được quyền nhận được, bao gồm: “... thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.”. Cũng theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 99/2011/NĐCP hướng dẫn Luật 59/2010/QH12 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hợp đồng thương mại điện tử là hợp đồng giao kết từ xa được ký kết giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua phương thức điện tử.
Người tiêu dùng chiếm vị trí rất quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử. Chẳng phải vậy mà các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử lại lấy người tiêu dùng làm trung tâm trong quan hệ thương mại điện tử. Điều 26 của Nghị định về thương mại điện tử 52/2013/NĐCP đã ghi nhận các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử với 4 nguyên tắc gồm 1) Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử; 2) Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử; 3) Nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; (4) Nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử.
Nếu lấy các nguyên tắc thương mại được thể hiện trong Mục 2 Chương 1 Luật thương mại 2005, những nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại để thấy sự tương quan thì thấy Luật này đã thêm vào nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ người tiêu dùng (chủ thể mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ) trong hoạt động thương mại điện tử thể hiện tại Điều 14 và Điều 15 Chương I Mục 2 hơn là tập trung vào việc tác động đến các chủ thể tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thể hiện tại các Điều 10 đến Điều 14 Chương II Mục 2 này.
Nguyên tắc thứ hai tại Điều 11 Luật thương mại 2005 xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử được xác lập nhằm xác định cụ thể phạm vi kinh doanh của chủ thể tham gia vào thương mại điện tử đã khiến cho những nhà quản lý phải đặt ra vấn đề về giới hạn địa lý của hoạt động kinh doanh khi mà internet và các trang thương mại điện tử đã thúc đẩy khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng.
Ngày nay, một doanh nghiệp sản xuất ở miền Nam có thể bán hàng thông qua trang thương mại điện tử đến trực tiếp người tiêu dùng ở miền Bắc không qua trung gian thương mại. Khả năng tiếp cận này có thể dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn đối với người tiêu dùng liên quan đến sự khác biệt về mặt địa lý mà nếu không có sự tuyên bố công khai về giới hạn kinh doanh dựa trên phạm vi địa lý, phạm vi hành chính, các chủ thể tiến hành hoạt động thương mại điện tử có thể thực hiện vượt quá khả năng của bản thân. Do đó, nguyên tắc này được đặt ra không chỉ để bảo vệ người tiêu dùng mà còn tuân theo nguyên tắc thiện chí trong giao kết hợp đồng.
Nguyên tắc thứ ba tại Điều 12 Luật thương mại 2005 xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử được đặt ra bởi phương thức thương mại điện tử có sự đặc thù. Việc ký kết hợp đồng từ xa qua mạng điện tử là việc ký mà không có sự có mặt của bên còn lại hay còn gọi là hợp đồng giữa các bên vắng mặt. Sự vắng mặt này đặt ra nhiều vấn đề với việc xác định vai trò của trang thương mại điện tử.
Người tiêu dùng trong giao dịch hợp đồng thương mại truyền thống đã ở vị trí yếu thế trong giao dịch do sự chênh lệch về thông tin nhưng sự yếu thế này càng trở nên sâu sắc trong thương mại điện tử bởi cách thức giao kết hợp đồng và do đó trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng cũng phải được xác định rõ. Mặt khác, nguyên tắc này cũng buộc bên bán và bên thứ ba phải tuân theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 .
Quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử hay nói một cách khác quyền của người tiêu dùng được tiếp cận thông tin sản phẩm là một trong các quyền cơ bản của người tiêu dùng được đặt ra làm trọng tâm trong việc quy định cũng như thực hiện trên thực tế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12. Các quyền cơ bản của người tiêu dùng theo pháp luật Việt Nam được đề cập đến tại Điều 8 Luật này bao gồm 8 khoản liên quan đến được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, được nhận các thông tin của sản phẩm hàng hóa dịch vụ mà mình tham gia, được tự quyết định tham gia giao dịch hàng hóa dịch vụ, được góp ý về các sản phẩm hàng hóa dịch vụ mình tham gia, được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được bồi thường nếu hàng hóa, dịch vụ đặt mua không đúng thông tin được cam kết, được khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi của mình và được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ .
Với 8 khoản Điều 8 nêu trên thì Quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng có thể được chia làm hai loại thông tin đó là thông tin về chủ thể kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ và thông tin về nội dung giao dịch hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, nghĩa vụ thông tin đối với mỗi loại thông tin lại có những quy định khác nhau về loại thông tin.
Đối với loại thông tin đầu tiên, thông tin về người sở hữu website thương mại điện tử được quy định tại Điều 29 của Nghị định 52/2013/NĐ CP gồm có tối thiểu ba loại: “1. Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân.2. Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.3. Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác” .
Và theo Khoản 1 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì lượng thông tin này cũng là yêu cầu tối thiểu đối với chủ thể kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Như vậy, việc đặt ra quy định này nhằm xác minh về danh tính của của bên bán nhưng chủ thể mà bên bán cung cấp thông tin về bản thân theo Khoản 1 Điều 37 và Khoản 1 Điều 28 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì lại là thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
Vấn đề này vô cùng quan trọng khi nghĩa vụ thường có phạm vi rất rộng bởi nghĩa vụ này không chỉ gắn với lời đề nghị giao kết hợp đồng được đưa ra mà còn phải được duy trì liên tục trên mạng và việc thay đổi thông tin về danh tính của chủ thể kinh doanh là điều thường xuyên. Đặc điểm này lại càng nổi bật với các chủ thể là cá nhân kinh doanh thông qua thương mại điện tử khi mà thương mại điện tử không chỉ tác động đối với hoạt động thương mại mà còn tác động lên các hoạt động khác của nền kinh tế, chính trị, văn hóa vv.
Thông tư số 47/2014/TT–BCT về quản lý website thương mại điện tử quy định, các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội phải có trách nhiệm quản lý thông tin, hoạt động của người đăng ký trên trang mạng xã hội của mình. Việc giải quyết các tranh chấp liên quan thương mại điện tử hiện nay theo quy định Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015, mà theo đó, tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật này có quy định “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” được coi là chứng cứ”.
Đối với thông tin về nội dung giao dịch hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong thương mại điện tử thì thông tin về giá cả cũng là một phần của thông tin sản phẩm có những yêu cầu riêng. Theo pháp luật Việt Nam, Điều 31 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thông tin về giá hàng hóa hoặc dịch vụ, nếu có, phải thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác và trừ khi không có thỏa thuận khác, nếu thông tin về giá không hiện rõ là đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan thì giá này được hiểu là đã bao gồm mọi chi phí liên quan nói trên.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thương mại điện tử, các thông tin về các loại phí khác ngoài giá của sản phẩm cũng là một yếu tố phải công khai đến khách hàng. Có thể hiểu quy định này được đặt ra nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử. Mặt khác, nó tạo nên sự tin tưởng đối với hoạt động thương mại điện tử vốn còn tương đối lạ lẫm với những người tiêu dùng mới tham gia vào loại hình thương mại này. Theo Khoản 1 Điều 32 Nghị định 52/2013/NĐ CP, thông tin về điều kiện giao dịch chung cũng phải được công bố đối với hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên trang thương mại điện tử.
Thêm vào đó, các điều kiện giao dịch chung phải có màu chữ tương phản với màu nền của phần trang thương mại điện tử đăng điều kiện giao dịch chung và ngôn ngữ thể hiện điều kiện giao dịch chung phải bao gồm tiếng Việt. Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo cho sự hiển thị rõ ràng và chính xác các thông tin trong điều kiện giao dịch chung và cho sự đọc hiểu của người tiêu dùng. Thông tin về vận chuyển/điều kiện bảo quản và giao nhận hàng hóa sản phẩm cũng là loại thông tin cần được công bố trên trang thương mại điện tử gồm: 1) Các phương thức giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ; 2) Thời hạn ước tính cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, có tính đến yếu tố khoảng cách địa lý và phương thức giao hàng; 3) Các giới hạn về mặt địa lý cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ nếu có. Việc quy định buộc phải công bố các thông tin trên có tác dụng minh bạch nhất là trong thương mại điện tử với bản chất là hợp đồng giao kết từ xa.
Mặt khác, thông tin cho người tiêu dùng những yếu tố trên cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Trên thực tế, một số mặt hàng trên trang thương mại điện tử có thời hạn sử dụng tương đối ngắn và yêu cầu khắt khe về thời gian và điều kiện vận chuyển như thực phẩm, đồ uống, vv… và nếu thời gian giao hàng bị sai lệch sẽ gây ra thiệt hại đối với người tiêu dùng.
Thông tin về trải nghiệm cho người tiêu dùng cũng là một trong các thông tin quan trọng trong thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử để người dùng được trải nghiệm và có cảm xúc với sản phẩm đang được giao dịch. Hiện nay chưa có quy định pháp luật liên quan trải nghiệm khách hàng với giao diện thương mại điện tử trước khi ký kết hợp đồng. Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 chỉ để cập đến quyền của người tiêu dùng với việc được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chứ không cụ thể đến các thông tin trải nghiệm sản phẩm trong thương mại điện tử.
Thông tin về thanh toán hàng hóa sản phẩm trong thương mại điện tử yêu cầu các thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố các phương thức thanh toán áp dụng cho hàng hóa sản phẩm hoặc dịch vụ được giới thiệu trên trang thương mại điện tử có giải thích rõ ràng chính xác để khách hàng hiểu và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp . Rõ ràng, phương thức thanh toán là yếu tố có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, nhất là thời kỳ dịch Covid 19.
Dịch bệnh khiến cho các bên trong quan hệ thương mại điện tử phải lựa chọn những phương thức thanh toán khác thay cho phương thức trực tiếp truyền thống giao tiền – nhận hàng. Hiện nay, thanh toán điện tử hiện là phương thức thanh toán được ưu tiên bởi nó hạn chế tần suất tiếp xúc và tránh sự tiếp xúc trực tiếp trong giao nhận để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và hạn chế sự lây lan mầm bệnh.
Như vậy thực trạng quy định của pháp luật về quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử hiện nay vẫn còn đang được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau dẫn đến công cụ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi giải quyết các tranh chấp liên quan, đặc biệt với thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử đã gây khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp và chế tài tương ứng với hành vi vi phạm pháp luật liên quan quyền của người tiêu dùng với tiếp cận thông tin sản phẩm của các chủ thể trong thương mại điện tử (bao gồm cả chính sách bảo mật thông tin) chưa được giải quyết kịp thời.