Quỹ tín dụng nhân dân là một loại hình không còn quá xa lạ đối với mỗi tổ chức hay cá nhân trong đời sống khi muốn nhận được hỗ trợ trong lĩnh vực vốn kinh doanh. Nhưng để có một cái nhìn tổng quan và hiểu rõ hơn về quỹ tín dụng nhân dân. Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Quy định về quỹ tín dụng nhân dân?
Mục lục bài viết
1. Khái nhiệm tổng quan về quỹ tín dụng nhân dân:
Quỹ tín dụng nhân dân được hiểu một cách tổng quan là một tổ chức được thành lập nhằm mục đích kinh doanh về tiền tệ và thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Việc thành lập tổ chức quỹ tín dụng nhân dân được tiến hành dựa trên sự tự nguyện của các tổ chức, các cá nhân và các hộ gia đình thành lập nhằm mục đích chung đó là giúp đỡ tương trợ lẫn nhau cùng phát triển sản xuất, gia tăng kinh tế và đạt được các mục đích về kinh doanh và đời sống.
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì định nghĩa về quỹ tín dụng nhân dân được ghi chép như sau:
Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Như vậy ta có thể thấy quỹ tín dụng nhân dân là một hình thức được thành lập và hoạt động như một trung gian về tài chính, mô hình này có thể được hiểu như mô hình hợp tác xã khu vực tư nhân. Sở dĩ có thể đưa ra nhận xét như vậy là bởi vì việc gia nhập vào quỹ tín dụng nhân dân là không hề bị hạn chế bởi số lượng thành viên cho dù là cá nhân hay tổ chức. Trong đó, việc quản lý và cùng thực hiện hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân luôn được tiến hành một cách dân chủ, bình đẳng. Quyền lợi của tất cả các thành viên dù là cá nhân hay tổ chức đều được công bằng và là như nhau trong mọi lĩnh vực, mọi công việc của tổ chức quỹ tín dụng nhân dân này.
2. Quy định pháp luật về tổ chức của quỹ tín dụng nhân dân:
Điều 75 tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 có đưa ra các quy định về cơ cấu của quỹ tín dụng nhân dân. Cụ thể như sau:
1. Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).
2. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và am hiểu về hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải có kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy ta có thể thấy, quỹ tín dụng nhân dân chính là một tổ chức tài chính được tổ chức và thực hiện hoạt động dưới sự kiểm soát và tuân thủ của một đoàn thể. Đoàn thể này được quy định ở đây chính là những thành viên là cá nhân hay tổ chức trong tổ chức có thực hiện hoạt động vay vốn và những thành viên là cá nhân hoặc tổ chức có thực hiện hoạt động gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó cũng có thể là thành viên hoặc cá nhân sở hữu tỏ chức của quỹ tín dụng nhân dân này.
3. Mục tiêu hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân:
Không giống như ngân hàng về mục đích thành lập hay hoạt động. Nếu như bên ngân hàng việc thành lập và hoạt động nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, duy trì và sinh lời từ nguồn tài chính vốn có cho chính ngân hàng thì quỹ tín dụng nhân dân lại được thành lập và hoạt động nhằm mục đích đưa lợi ích của cá nhân hay tổ chức là thành viên trong quỹ tổ chức tín dụng lên đầu. Từ chính nguồn vốn có được từ khoản tiết kiệm hay các món vay của các thành viên trong tổ chức tín dụng nhân dân.
Bên cạnh đó, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động nhằm mục đích giúp cho các thành viên trong tổ chức có thể nhận được sự hỗ trợ tốt nhất đến từ phía tổ chức nhằm nâng cao đời sống cho các cá nhân, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức và cũng chính từ hoạt động đó tạo ra được những lợi nhuận cho chính tổ chức. Quỹ tín dụng nhân dân cũng đem lại các hoạt động, các dịch vụ về tài chính một cách nhanh chóng, dễ dàng thực hiện và tạo mọi điều kiện tốt nhất đối với các thành viên của mình.
Không chỉ vậy, quỹ tín dụng nhân dân còn giúp cho xã hội giảm được tình trạng khó khăn trong đời sống người dân, giúp cho việc kinh tế của các thành viên được phát triển, hỗ trợ các chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước. Hơn thế từ thời điểm quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, hỗ trợ việc vay vốn cho các thành viên là cá nhân hoặc tổ chức đã giúp cho việc vay nặng lãi trên cả nước giảm xuống đáng kể. Cũng từ đó mà việc hoạt động quỹ tín dụng nhân dân nhận được sự ủng hộ và quan tâm rất lớn không chỉ từ phía nhà nước mà còn là cả xã hội.
Việc đưa quỹ tín dụng nhân dân vào hoạt động và đến gần hơn với người dân, mục tiêu hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân ngày càng ngày càng hướng tới quyền lợi cho người dân nhiều hơn. Việc duy trì hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân vừa phải đáp ứng được quyền lợi tốt nhất cho các thành viên trong tổ chức đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng hoạt động, để việc cung ứng dịch vụ ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn.
4. Vai trò của quỹ tín dụng nhân dân:
Đối với mọi tổ chức khi được thành lập, luôn có một mục tiêu và một mục đích nhất định nào đó để duy trì sự hoạt động. Đối với quỹ tín dụng nhân dân cũng không ngoại lệ. Vai trò của quỹ tín dụng nhân dân được thể hiện như sau:
Thứ nhất, quỹ tín dụng nhân dân tạo ra cho địa phương nơi hoạt động, cho cộng đồng những thành viên trong quỹ tín dụng nhân dân sự thịnh vượng vì có được sự huy động cũng như sẵn sàng về mặt tài chính nhằm duy trì được sự ổn định nhất định trong cuộc sống
Thứ hai, quỹ tín dụng nhân dân là một đơn vị tổ chức tín dụng rất gần gũi với nhân dân, không chỉ dừng lại ở việc hồ sơ giấy tờ được thuận tiện trong quá trình thực hiện mà còn là nơi giao lưu về kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý nhằm duy trì nguồn vốn và tạo ra lợi nhuận cao nhất
Thứ ba, việc tạo ra các nguồn vốn tổ chức tín dụng gần với dân sẽ giúp cho nhân dân nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ phía nhà nước, các chính sách hỗ trợ huy động vốn sẽ giúp cho người dân yên tâm làm ăn trong cuộc sống, luôn có sự hỗ trợ từ các chính sách cũng như các tổ chức quỹ tín dụng.
Thứ tư, việc thành lập các tổ chức tín dụng nhân dân mang tính chất gần gũi với nhân nhằm mục đích hỗ trợ cho những đối tượng như người nghèo, người bị thiệt thòi hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính được hỗ trợ vốn nhằm cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống cho người dân. Giúp người dân cải thiện được các vấn đề cơ bản như y tế, giáo dục, lương thực hay sinh hoạt đời thường cho người dân.
5. Tư vấn trường hợp cụ thể:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư Luật Dương gia. Tôi có một vấn đề cần sự hỗ trợ và tư vấn từ phía Luật sư Luật Dương gia như sau. Gần đây, tôi có được biết và được làm việc với quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên tôi lại được hiểu rõ và được biết nhiều về các quy định đối với tổ chức tín dụng nhân dân này. Vậy Luật sư cho tôi hỏi quỹ tín dụng nhân dân có những quyền hạn như thế nào, được quy định cụ thể ra sao? tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN thì quỹ tín dụng nhân dân có các quyền hạn sau đây:
1. Được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin.
2. Được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
3. Được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hướng dẫn và hỗ trợ kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật.
4. Nhận vốn tài trợ của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
5. Yêu cầu người vay cung cấp các tài liệu về tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống liên quan đến khoản vay.
6. Quyết định phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
7. Từ chối các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trái với quy định của pháp luật.
8. Khiếu nại, khởi kiện tổ chức, cá nhân vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của quỹ tín dụng nhân dân.
9. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy ta có thể thấy, quyền hạn của tổ chức tín dụng quỹ tín dụng nhân dân mà Luật Dương gia vừa cung cấp cho bạn đọc nêu trên hiện nay đã đã được pháp luật quy định rất rõ ràng và chi tiết theo quy định tại Thông tư -4 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước. Những quy định này ta có thể thấy rằng nó không chỉ giúp cho quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo quy củ nhất định, theo điều lệ nhất định đã được quy định mà còn là những cơ sở pháp lý, những căn cứ giúp cho các đối tượng là tổ chức hay cá nhân là thành viên của quỹ tín dụng nhân dân hiểu được và tuân thủ để tiến hành thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quỹ tổ chức tín dụng nhân dân, ngày càng đưa loại hình tổ chức này gần gũi với nhân dân và hoạt động hiệu quả hơn.