Quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn là gì? Quy định của pháp luật về quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn?
Chỗ ở là vấn đề mà mọi cá nhân trong xã hội đều quan tâm, đây là nơi để cá nhân sinh sống, làm việc. Mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản khi nhà ở là nơi thuộc sở hữu của mỗi cá nhân và không có sự ràng buộc gì về mặt pháp lý, cá nhân có quyền tất cả các quyền của một chủ sở hữu, tuy nhiên, khi trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình thì điều đó dần trở nên phức tạp đặc biệt khi vợ, chồng ly hôn. Một trong những nội dung khi nghiên cứu về ly hôn mà Luật Dương Gia sẽ phản ánh trong bài viết dưới đây là: Quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn.
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn là gì?
Trước hết, cần hiểu rằng: Quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn chính là quyền lưu cư của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn được quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình.
Giải thích cụ thể hơn về quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn, trước hết tác giả sẽ giải thích một số các khái niệm liên quan:
– Quyền cư trú là gì? Cư trú theo giải thích của Luật Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã). (Khoản 2, Điều 2). Tuy nhiên, thuật ngữ quyền cư trú được hiểu dưới góc độ này có vẻ hơi rộng so với ý nghĩa trong quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn, trong đó, quyền cứ trú được hiểu như một chỗ ở mà vợ hoặc chồng được ở lại sau khi ly hôn.
– Khái niệm về chỗ ở được xem xét dưới góc độ là chỗ ở hợp pháp, mà theo đó là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật. (Khoản 1, Điều 2, Luật Cư trú).
– Ly hôn là sự kiện pháp lý do quyết định của tòa án căn cứ theo các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, sau khi đã tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự, được thể hiện bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, làm chất dứt các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trước pháp luật. Như vậy, sau khi ly hôn ở đây được tính từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý cũng như thực tế.
Từ việc giải thích các khái niệm trên, có thể hiểu quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn là quyền của vợ hoặc chồng được ở lại trong nhà ở thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng trong một khoảng thời gian nhất định sau khi đã có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn nhằm bảo đảm quyền lợi của vợ, chồng khi ly hôn về chỗ ở, giải tỏa và giúp đỡ kịp thời trước những khó khăn mà vợ, chồng có thể gặp phải. Quy định về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng là một trong các quy định mới của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thể hiện sự tiến bộ trong quan điểm lập pháp của nhà làm luật.
2. Quy định của pháp luật về quyền cư trú của vợ, chồng chưa có chỗ ở sau khi ly hôn?
Quy định về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn được quy định tại Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình, cụ thể: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.“
Trước hết, quy định này khẳng định: Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó.
Về nguyên tắc, việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó (Khoản 4, Điều 59, Luật hôn nhân và gia đình). Sau khi ly hôn, vợ, chồng có tài sản riêng thì có quyền lấy về. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp thì người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản riêng của mình (Điều 43).
Khi nhắc đến vấn đề chia tài sản, xác định tài sản khi ly hôn thì nhà ở là loại tài sản có giá trị và quan trọng hơn cả. Khi xác định về phân chia nhà ở, phải dựa theo nguyên tắc “dù đã ly hôn, mỗi bên đều có quyền có nhà ở; vì vậy, giải quyết nhà ở phải nhằm tạo điều kiện cho mỗi bên có chỗ ở ổn định cuộc sống, nhất là đối với các con và bất kỳ trong trường hợp nào cũng không được để vợ và các con ra khỏi nhà khi họ thật sự chưa có chỗ ở“.
Trường hợp có tranh chấp trong việc nhà ở là tài sản riêng của vợ (chồng) nhưng vợ chồng tu sửa làm tăng giá trị lên nhiều hoặc bên có nhà đã thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn lại nói là chưa nhập thì tòa án cần phân biệt tùy từng trường hợp để giải quyết cho thỏa đáng và thấu tình, đạt lý. Trong trường hợp nhà nước thuộc sở hữu riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị nhà, căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà.
Việc phân tích trên đây chỉ nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về việc xác định nhà ở là tài sản riêng của vợ (chồng) thì vẫn thuộc sở hữu của người đó, còn đối với quyền lưu cư việc xác định này có ý nghĩa một lần nữa khẳng định rằng, quyền này chỉ phát sinh đối với vợ hoặc chồng khi nhà ở không phải là tài sản của họ và họ không phải là chủ sở hữu theo quyết định, bản án của tòa án.
Khi chia nhà ở của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án cần lưu ý vận dụng nội dung Chỉ thị 69/TATC năm 1979 về giải quyết vấn đề nhà, đảm bảo chỗ ở cho các đương sự sau khi ly hôn do Tòa án nhân dân tối cao ban hành (trước đây- không xác định được hiệu lực), có sự chọn lọc phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Căn cứ phát sinh quyền lưu cư:
Quyền lưu cứ là quyền tiếp tục được cư trú tại nhà ở thuộc quyền sở hữu của vợ hoặc chồng. Quyền lưu cư chỉ phát sinh khi vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở. Việc xác định có khó khăn về chỗ ở là một vấn đề khó, thường thì sẽ do các bên thỏa thuận hoặc tòa án sẽ xác định, đó có thể là do khó khăn về kinh tế nên chưa thể mua được nhà, thuê được nhà ở tạm thời; bị nhà nước thu hồi đất để phục vụ công tác giải phòng mặt bằng mà chưa được giải quyết về chỗ ở, hoặc các trường hợp khác. Vấn đề khó khăn về chỗ ở phải thực sự cấp thiết, thực tế, khách quan mà không thể khắc phục được, buộc vợ hoặc chồng phải lưu cư và được bên vợ (chồng) còn lại tôn trọng và bảo đảm quyền cho họ.
Thời hạn lưu cư:
Thời hạn lưu cư được pháp luật ấn định là 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, tức là kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật. Đánh giá sơ bộ về khoảng thời gian luật định, 06 tháng là con số khá hợp lý, đủ cơ bản để vợ hoặc chồng chuẩn bị chỗ ở mới và giải quyết những khó khăn về chỗ ở của mình. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi dựa trên thỏa thuận của vợ chồng, sao cho phù hợp nhất và đó cũng là điều mà pháp luật mong muốn, tôn trọng ý chí của các bên trong một mối quan hệ đã từng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Trên cơ sở tìm hiểu quy định về lưu cư, tác giả tóm tắt một số vấn đề cần lưu ý đối với quyền lưu cứ của vợ, chồng như sau: Quyền lưu cư của vợ chồng phải là sự kết hợp của các điều kiện: (1) Nhà ở mà vợ (chồng) thực hiện quyền lưu cư là tài sản riêng của vợ (chồng) hoặc đó là tài sản được tòa án chia cho thuộc về vợ hoặc chồng (đã thanh toán khoản tiền cho bên còn lại); (2) Vợ (hoặc chồng) có quyền lưu cư khi gặp những khó khăn về chỗ ở (khó khăn được xác định theo thỏa thuận hoặc nhờ tòa án xác định; (3) Thời hạn lưu cư là 06 tháng hoặc khoảng thời gian khác do các bên thỏa thuận nhưng phải hợp lý và phù hợp với thực tế, tránh tình trạng hạn chế quyền của vợ, hoặc chồng đẩy họ vào tình cạnh khốn cùng về chỗ ở, làm trái với tinh thần, giá trị mà điều luật này mang lại.