Quyền chỉ định người thừa kế là chỉ định ai hoặc những ai được hưởng di sản của người lập di chúc sau khi người đó chết.
Quyền chỉ định người thừa kế là chỉ định ai hoặc những ai được hưởng di sản của người lập di chúc sau khi người đó chết. Thông thường, một người bao giờ cũng mong muốn rằng, sau khi chết tài sản của mình sẽ được chuyển dịch cho những người thân thiết gần gũi với mình nhất.
Vì thế, người được chỉ định trong di chúc thường là những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc. Họ có thể là vợ hoặc chồng của người để lại di sản được xác định theo quan hệ hôn nhân: là con, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người để lại di sản theo quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng
Tóm lại, người lập di chúc có quyền để lại di sản cho bất cứ các nhân hoặc tổ chức nào. Người được nhận di sản có thể là cá nhân trong hay ngoài diện thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc cũng có thể là nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội,…
Mặt khác, với nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết thỏa thuận, pháp luật nước ta bảo đảm quyền tự do lập di chúc của người để lại di sản nhưng tự do đó phải phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc tôn trọng truyền thống tốt đẹp, vì vậy, pháp luật có quy định hạn chế quyền định đoạt của người lập di chúc: Tại Điều 669 “Bộ luật dân sự 2015”– Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
‘‘Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Pháp luật thừa kế bao giờ cũng được đặt trên hai phương diện: phương diện kinh tế và phương diện đạo đức. Trên phương diện kinh tế, pháp luật thừa kế hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật về quyền sở hữu. Một người là chủ sở hữu đối với tài sản của mình thì người đó có toàn quyền quyết định di sản theo ý muốn của mình mà không phải chịu sự hạn chế nào của pháp luật. Nhưng nếu dựa trên phương diện đạo đức thì pháp luật thừa kế là một phương tiện pháp lí để dịch chuyển tài sản từ người chết sang người còn sống khác qua đó để người quá cố làm tròn bổn phận của mình với gia đình họ. Dựa trên căn bản đạo đức, pháp luật thừa kế quy định rằng việc chuyển dịch tài sản cho một số đối tượng đặc biệt là bổn phận bắt buộc đối với người để lại di sản. Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của những người là cha, mẹ, vợ, chồng, các con dưới 18 tuổi và các con tuy đã trưởng thành nhưng không có khả năng lao động của người để lại di sản, trong trường hợp người có tài sản định đoạt trong di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng một phần di sản ít hơn 2/3 của một suất thừa kế được chia theo pháp luật thì người đó có quyền yêu cầu hoặc đề nghị tòa án giải quyết quyền được hưởng di sản bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, trừ trường hợp người đó từ chối hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc khoản 1 Điều 643 BLDS. Theo quy định tại Điều 669 BLDS thì quyền hưởng di sản của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc luôn được đảm bảo thực hiện. Việc phân chia để xác định một suất thừa kế:
– Người không có quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 643 BLDS đó có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức nên bị pháp luật tước quyền hưởng di sản, đương nhiên không được tính vào suất thừa kế.
– Người thừa kế theo Điều 669 BLDS bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản. Những người này dù bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản vẫn được hưởng một phần di sản. Vì vậy, họ luôn là người thừa kế theo luật của người để lại di sản và trong mọi trường hợp họ vẫn được tính là một suất.
>>> Luật sư
– Người thừa kế bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản. Vì người này đã bị truất quyền ( trừ trường hợp Điều 669 “Bộ luật dân sự 2015”) sẽ không được hưởng di sản thừa kế kể cả khi di sản chia theo pháp luật. Vì vậy, những người này cũng không được coi là một suất.
– Người từ chối nhận di sản. Về nguyên tắc, những người từ chối nhận di sản sẽ không được hưởng di sản nữa, dù là chia theo pháp luật nên họ không phải là một suất khi xác định một suất thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu người từ chối nhận di sản đồng thời là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc mà họ từ chối nhận di sản theo di chúc thì họ vẫn là một suất khi xác định suất thừa kế.
Quy định này thể hiện, một mặt, pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản, nhưng mặt khác chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc.