Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
1. Bình đẳng trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng
Tình nghĩa vợ chồng là tình cảm phù hợp với đạo lý. Làm vợ, chồng của nhau phải hiểu rõ và hành động theo tình cảm, bổn phận và nghĩa vụ của mình, và lợi ích của vợ, chồng và lợi ích của các con, lợi ích của gia đình. Luật HN&GĐ năm 1959 có quy định cụ thể về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, quý trọng, săn sóc nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ, nuôi dạy con cái, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc (Điều 13), Vợ và chồng đều có quyền tự do chọn nghề nghiệp, tự do hoạt động chính trị, văn hóa và xã hội (Điều 14). Việc xác lập quan hệ vợ chồng không làm ảnh hưởng tới nghề nghiệp của mỗi bên. Ngược lại vợ chồng có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển về chuyên môn, nghề nghiệp, năng khiếu, tư chất của bản thân theo nguyện vọng và khả năng của mỗi bên. Những quy định này nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trên thực tế giữa vợ và chồng. Trên quan điểm bình đẳng giới, những hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau giữa vợ và chồng phải được nhìn nhận từ cả hai phía: hành vi của chồng đối với vợ và hành vi của vợ đối với chồng. Những dạng hành vi đó dưới góc độ giới được gọi là bạo lực trên cơ sở giới. Việc xoá bỏ bạo lực trong gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ là một yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia.
2. Bình đẳng trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng bằng pháp luật là điều kiện tiên quyết để xác lập quyền bình đẳng về kinh tế giữa vợ và chồng trong thực tiễn. Tài sản là nguồn lực kinh tế trong đời sống vợ chồng. Theo quan điểm giới, nguồn lực là những thứ mà con người cần để thực hiện có hiệu quả một hoạt động nào đó (4). Có thể nói công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng về sở hữu tài sản giữa vợ và chồng là cơ sở để phụ nữ có thể tiếp cận và kiểm soát nguồn lực, trên cơ sở đó mới có khả năng tham gia và ra quyết định. Trong cuộc sống chung của vợ chồng, do sự gắn bó mật thiết về tình cảm, sự cùng chung công sức, ý chí để tạo dựng tài sản chung, xây dựng đời sống chung nên không có sự phân biệt mức đóng góp của mỗi bên vợ chồng đối với tài sản. Vì vậy, vợ chồng có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới. Nghĩa là tài sản bố mẹ cho trước khi kết hôn, tài sản lao động mà có được trước khi kết hôn, cũng như tài sản có được sau khi đã đăng ký kết hôn với chính quyền nhà nước được vợ và chồng cùng chiếm hữu, quản lí, sử dụng, định đoạt và quan trọng nhất các quyền đó giữa vợ và chồng là bình đẳng như nhau. Khi một bên chết trước, vợ và chồng đều có quyền thừa kế tài sản của nhau. Khi còn sống, cả hai người cùng chung sở hữu tài sản, đến khi một trong hai bên chết thì người vợ hoặc người chồng, đã có tình nghĩa trăm năm, sẽ là người thừa kế tài sản của người chết. Luật quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người còn sống không phân biệt nam hay nữ , với nhu cầu sinh hoạt, nuôi nấng con cái.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ năm 1959 đã xác lập khái quát chung nhất sự bình đẳng giữa vợ và chồng về tài sản trong gia đình. Tuy nhiên, sự bình đẳng về pháp lí chưa phải là sự bình đẳng trong thực tế. Vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ các trường hợp mọi vấn đề trong gia đình do người chồng tự quyết định mà không cần đến ý kiến của người vợ. Càng ở những nơi kém phát triển thì vai trò gia trưởng của nam giới càng thể hiện đậm nét.