Bình đẳng giới là việc nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trong xã hội. Nam giới và nữ giới đều được hưởng các điều kiện và cơ hội phát huy đầy đủ tiềm năng của họ, có cơ hội đóng góp và thụ hưởng lợi ích như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Mục lục bài viết
1. Quyền của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình là gì:
Quyền con người (Human rights, Droits de L‘Homme) là toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành. Quyền con người không những được nhìn nhận trên quan điểm các quyền tự nhiên (natural rights) mà nó còn được nhìn nhận trên quan điểm các quyền pháp lý (legal right). Theo đó “quyền con người được hiểu là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và sự tự do cơ bản của con người”.
Quyền phụ nữ trong hôn nhân gia đình là một khái niệm dùng để chỉ các quyền con người của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân gia đình. Phụ nữ là một nhóm xã hội đặc biệt, dễ bị tổn thương, và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng truyền thống còn lạc hậu như “trọng nam khinh nữ”, sự phân biệt về quyền và nghĩa vụ trong gia đình... Quyền của phụ nữ trong hôn nhân gia đình là một trong những bộ phận quan trọng của quyền con người được pháp luật ghi nhận và bảo đảm trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên có thể thấy hiện nay chưa có bất kỳ một khái niệm cụ thể nào quy định về quyền của phụ nữ trong HN&GĐ. Thông qua khái niệm về hôn nhân gia đình, và với vị thế là nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong gia đình có thể hiểu quyền của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân gia đình có thể hiểu là: Quyền của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân gia đình là hệ thống các quyền, lợi ích tự nhiên vốn có của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
2. Đặc điểm quyền của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình:
Quyền phụ nữ là một khái niệm dùng để chỉ các quyền con người của phụ nữ chính vì vậy chúng mang các đặc điểm của quyền con người. Theo đó quyền con người có những đặc tính cơ bản sau:
Thứ nhất, tính phổ biến (universal): Thể hiện ở chỗ quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì, chẳng hạn như về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân...Liên quan đến tính chất này, cũng cần lưu ý là bản chất của sự bình đẳng về quyền con người không có nghĩa là cào bằng mức độ hưởng thụ các quyền, mà là bình đẳng về tư cách chủ thể của quyền con người.
Thứ hai, tính không thể tước bỏ: Thể hiện ở chỗ các quyền con người không thể bị tước đoạt hay hạn chế một cách tùy tiện bởi bất cứ chủ thể nào, kể cả các cơ quan và quan chức nhà nước, trừ một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi một người phạm một tội ác thì có thể bị tước quyền tự do.
Thứ ba, tính không thể phân chia: Thể hiện ở chỗ các quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, về nguyên tắc không có quyền nào được coi là có giá trị cao hơn quyền nào. Việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền con người nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định dựa trên những cơ sở và yêu cầu thực tế, một số quyền con người có thể được ưu tiên, Ví dụ, trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa hoặc với những người bị bệnh tật, quyền được ưu tiên thực hiện là quyền được chăm sóc y tế.)
Thứ tư, tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau (interrelated, interdependent): Đặc điểm này thể hiện ở chỗ việc bảo đảm các quyền con người, toàn bộ hoặc một phần, nằm trong mối liên hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác. Ngược lại, tiến bộ trong việc bảo đảm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo đảm các quyền khác.
Cùng với đó quyền phụ nữ trong quan hệ hôn nhân gia đình cũng mang những đặc trưng riêng cụ thể:
Thứ nhất, quyền của phụ nữ trong HN&GĐ xuất phát trên cơ sở hôn nhân hợp pháp và kéo dài trong suốt quá trình hôn nhân đến khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng dựa trên việc thực hiện các quy định của pháp luật về kết hôn, nhằm chung sống với nhau và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
Hôn nhân là quan hệ gắn liền với nhân thân của mỗi bên với tư cách là vợ chồng. Trong xã hội mà các quan hệ hôn nhân được coi là quan hệ pháp luật thì sự liên kết giữa người nam và người nữ mang ý nghĩa như một sự kiện pháp lý làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định cho các bên trong quan hệ vợ chồng. Như vậy có thể thấy quyền của phụ nữ trong HN&GĐ gắn liền với quá trình hôn nhân và chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt
Thứ hai, quyền của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân gia đình luôn gắn liền với người phụ nữ và không thể chuyển giao cho bất cứ người nào khác và nhằm bảo vệ nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Đặc điểm này xuất phát từ tính chất của quan hệ vợ chồng có tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. quyền của phụ nữ trong hôn nhân gia đình mang những đặc thù riêng gắn liền với thiên chức của mình như quyền làm mẹ, quyền được bảo vệ với tư cách là nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như chức năng sinh đẻ gắn với quyền sinh con, quyền được thừa nhận là mẹ, quyền được nuôi dưỡng và chăm sóc con cái.
Thứ ba, quyền của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân gia đình là cơ sở để phụ nữ thực hiện các chức năng vai trò của mình trong gia đình đó là các vai trò người vợ, người mẹ, người bà, người con trong gia đình, nhằm đảm bảo và thực hiện quyền BĐG của phụ nữ trong gia đình.
3. Bình đẳng giới và quyền bình đẳng của phụ nữ trong hôn nhân và gia đình:
3.1. Khái niệm bình đẳng giới:
Theo Từ điển xã hội học thì: “Bình đẳng được hiểu trên hai bình diện có quan hệ mật thiết với nhau: Bình diện tự nhiên và bình diện xã hội. Trên bình diện tự nhiên, bình đẳng không có nghĩa là mọi người đều có năng lực thể chất và tinh thần hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên, bình đẳng được coi là một thuộc tính tự nhiên của con người vì đó là con người”. .
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995): “Bình đẳng được định nghĩa là sự đối xử như nhau về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu rằng: Bình đẳng là sự ngang nhau về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể mà không có sự phân biệt nào.
Khái niệm BĐG là thuật ngữ mới trong xã hội hiện đại và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và lập pháp. Liên quan đến khái niệm này, đã có rất quan điểm khác nhau, tiêu biểu phải kể đến một số quan điểm sau:
Theo Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ: “BĐG là một môi trường trong đó có cả nam giới và nữ giới được hưởng vị trí ngang nhau, có cơ hội bình đẳng để phát triển đầy đủ tiềm năng của mình nhằm cống hiến cho sự phát triển quốc gia và được hưởng lợi từ các kết quả đó”.
Theo tác giả Trịnh Quốc Tuấn, Đỗ Thị Thạc: “BĐG là sự biểu đạt đối xử như nhau của xã hội đối với nam và nữ; là trạng thái (hay tình hình, xã hội trong đó phụ nữ và nam giới có vị trí ngang nhau, có cơ hội như nhau để phát triển đầy đủ tiềm năng của mình, sử dụng nó cho sự phát triển của xã hội và hưởng lợi từ kết quả của sự phát triển đó”.
Theo quy định của Luật BĐG năm 2006: “BĐG là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Nam giới và nữ giới có những đặc điểm giống và khác nhau, do đó, cùng một công việc như nhau, cơ hội như nhau có thể không đem lại kết quả như nhau đối với nam và nữ giới. Chúng ta không nên hiểu BĐG theo cách hiểu đơn giản là nam và nữ giới có quyền tham gia như nhau trong các hoạt động, cũng càng không phải là việc nữ giới “vùng lên” đòi hỏi quyền lợi ngang bằng nam giới, bất chấp sự khác biệt về đặc tính sinh học giữa nam và nữ. Do vậy, BĐG cần được hiểu là sự đối xử ngang nhau giữa nam và nữ giới đồng thời xét đến những đặc điểm của từng giới để có chính sách đối với từng giới hợp lý.
Từ những quan niệm trên, có thể hiểu: Bình đẳng giới là việc nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trong xã hội. Nam và nữ giới đều được hưởng các điều kiện và cơ hội phát huy đầy đủ tiềm năng của họ, có cơ hội đóng góp và thụ hưởng lợi ích như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Để đạt được BĐG, một trong những điều kiện quan trọng là nam và nữ giới được bình đẳng với nhau trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, lĩnh vực HN&GĐ giữ vai trò quan trọng.
3.2. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong hôn nhân và gia đình:
Ở bình diện pháp luật quốc tế, Điều 16 Công ước CEDAW đã liệt kê đầy đủ các phương diện trong lĩnh vực HN&GĐ phải được thực hiện BĐG nói chung, bình đẳng với phụ nữ nói riêng từ các quyền tự do, tự nguyện kết hôn, QBĐ trong quan hệ với chồng về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản, QBĐ đối với con cái và các thành viên khác trong gia đình, quyền nhận nuôi con nuôi...
Ở bình diện pháp luật quốc gia, hầu hết các quốc gia đều ghi nhận những nguyên tắc và những quy định cụ thể về QBĐ của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực HN&GĐ. Các nguyên tắc về QBĐ của phụ nữ sẽ được ghi nhận trong Hiến pháp của các quốc gia, làm cơ sở để ghi nhận các quy định về QBĐ của phụ nữ trong các văn bản pháp luật liên quan đến HN&GĐ như luật HN&GĐ, luật BĐG, luật phòng, chống bạo lực gia đình...
Từ đó, có thể đưa ra khái niệm quyền bình đẳng của phụ nữ trong HN&GĐ là: Sự đối xử công bằng khi tham gia các quan hệ hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ trên các phương diện, những chế định như: bình đẳng trong việc kết hôn, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng (quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản), quyền được nuôi con nuôi, quyền ly hôn, quyền bình đẳng với các thành viên khác trong gia đình.
Trong pháp luật Việt Nam hiện nay, QBĐ của phụ nữ được quy định trong Luật BĐG năm 2006. Theo đó, phụ nữ có QBĐ so với nam giới, họ có quyền được thụ hưởng những quyền mà nam giới có, được tạo điều kiện để phát huy những tiềm năng của mình trong quan hệ HN&GĐ “trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; trong sở hữu tài sản chung, sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình”.
Các quyền này phải được đảm bảo dựa trên sự nhận thức của người phụ nữ, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của người chồng và các thành viên khác trong gia đình, trên cơ sở nguyên tắc dân chủ, công bằng, tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt đối xử trong các mối quan hệ. Sự bình đẳng mà người phụ nữ nhận được sẽ tạo nên gia đình bình đẳng, từ đó tạo thành một xã hội bình đẳng.