Khái niệm về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai? Quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai?
Trong quá trình quản lý và sử dụng đất, có một bộ phận đáng kế các tố chức, cá nhân nhận thấy được lợi ích vật chất từ đất đai quá lớn, dẫn đến không vượt qua được cám dỗ và thực hiện các hành vi phạm pháp luật đất đai. Nhưng hành vi này đã làm phá vỡ trật tự quản lí hành chính về đất đai, gây lãng phí tài nguyên và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác trong xã hội. Từ đó đặt ra yêu cầu về xử lý vi phạm hành chính trong đất đai- đây là một chế định cơ bản của pháp luật đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đây đai. Vây: “Quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như thế nào?”, đây sẽ là câu hỏi được Luật Dương Gia trả lời trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Luật Đất đai năm 2013
Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
1. Khái niệm về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai?
Theo Nghị định số 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: ” Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định trong Nghị định này là hành vi cố ý hoặc vô ý của người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân có liên quan, tổ chức hoạt động dịch vụ về đất đại vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”. Mặc dù Nghị định này đã hết hiệu lực tuy nhiên, nội dung về định nghĩa này vẫn được xem là cách hiểu thống nhất và chính xác nhất về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng được sử dụng tương ứng với thuật ngữ vi phạm pháp luật đất đai, người ta sử dụng hai thuật ngữ này để cùng biểu đạt về hành vi trái pháp luật đất đai của người sử dụng đất được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm các khách thể được pháp luật đất đai bảo vệ nhưng chưa đến mức bị truy cứ trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là một dạng cụ thể của vi phạm pháp luật đất đai: đó là hành vi trái pháp luật đất đai xâm phạm trật tự quản lý hành chính về đất đai.
Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật đất đai để đưa ra chế tài pháp lý xử lý hành vi vi phạm pháp luật đất đai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và người sử dụng đất đai trong lĩnh vực đất đai.
Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có một số đặc điểm cơ bản sau:
– Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thực hiện dựa trên căn cứ pháp lý quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai phải chịu một hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật đất đai mà mình gây ra. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị buộc thực hiện khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đai như trước khi vi phạm, đồng thời, các phương tiện, công cụ được sử dụng để vi phạm pháp luật đất đai và số tiền có được từ việc vi phạm pháp luật đất đai sẽ bị Nhà nước tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.
– Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có mục đích là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đai như trước khi vi phạm, khôi phục trật tự quản lý và sử dụng đất do hành vi vi phạm xâm hại, đồng thời, đảm bảo tính pháp chế trong thực thi pháp luật đất đai.
Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 91/2019/NĐ-CP là Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai?
Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được ghi nhận như một nguyên tắc trong Luật Đất đai như sau: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
Trên cơ sở quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn, tác giả nhận thấy, quy trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, mang đúng quy trình xử lý vi phạm hành chính thông thường và phải đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục sau:
Trước khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người vi phạm buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính. Hình thức thực hiện có thể được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính.
Bước 1: Lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền lập biên bản là: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp); Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.
Để lập được biên bản vi phạm hành chính phải bắt đầu từ việc phát hiện hành vi vi phạm, sau đó đánh giá tính chất của hành vi vi phạm, tiếp đến là lựa chọn các quy định pháp luật để xác định hành vi vi phạm và căn cứ xử lý hành vi vi phạm, thẩm quyền, thủ tục lập biên bản (Trường hợp chưa đủ cơ sở để khẳng định có hành vi vi phạm, có căn cứ áp dụng thì người có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra hoặc biên bản sự việc tại nơi có hành vi vi phạm. Khi đủ cơ sở để khẳng định có hành vi vi phạm, có căn cứ pháp lý áp dụng) thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.
Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
Bước 2: Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Thời điểm tiến hành xác minh: Trước hoặc sau khi lập biên bản vi phạm; có thể được thực hiện cùng với các trình tự, thủ tục xử phạt tiếp theo cho đến khi ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản.
Người có thẩm quyền lập biên bản phải xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính và ghi rõ vào biên bản vi phạm hành chính để xác định thẩm quyền xử phạt và làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Nội dung xác minh đối với vi phạm trong đất đai: Người có thẩm quyền lập biên bản phải tiến hành xác minh:
+ Có hay không có vi phạm hành chính;
+ Về nhân thân (ngày tháng năm sinh; số CMND/ hộ chiếu…);
+ Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;
+ Xác minh về trường hợp không ra
…
Trong bước này chủ thể có thẩm quyền xem xét thêm về không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt; cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt; chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm.
Bước 3: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Chương III, Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Người có thẩm quyền sau khi đã tiến hành đầy đủ các bước trên, tiến hành lập dự thảo Quyết định xử phạt trình người có thẩm quyền xử phạt.
Người có thẩm quyền xử phạt phải xem xét lại hồ sơ xử phạt để xác định về đối tượng, hành vi vi phạm, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thời hạn… khi có đủ đầy đủ căn cứ thì ký ban hành Quyết định.
Bước 4: Gửi, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Gửi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định (gửi thư bảo đảm hoặc gửi trực tiếp (phải lập biên bản có ký nhận giữa người giao quyết định và cá nhân/tổ chức bị xử phạt; trường hợp họ không nhận thì lập biên bản).
Cá nhân/tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tính theo ngày nhận ký ở biên bản giao nhận hoặc ký nhận ở phiếu gửi bảo đảm). Trường hợp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định ngày thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn ghi trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.
Qúa thời hạn thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính(quá 10 ngày hoặc quá thời hạn được ghi trong quyết định xử phạt) mà cá nhân/tổ chức không tự nguyện thi hành thì người đã ban hành quyết định xử phạt ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt.