Mục đích của việc kiểm định thang máy? Quy trình, chi phí kiểm định và mức xử phạt khi đưa thang máy vào sử dụng mà không qua kiểm định.
Thang máy là thiết bị chúng ta thường thấy ở các tòa nhà cao tầng hay các trung tâm thương mại, nó có công dụng chở người và vật dụng lên xuống các tầng cao. Theo đó, thang máy dù nhập khẩu hay sản xuất cũng cần đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cũng như các công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định.
Việc kiểm định thang máy đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng khi sử dụng. Việc kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy được thực hiện bởi một đơn vị độc lập đối với lần đầu tiên và theo định kỳ những lần tiếp theo. Những chuyên gia đó sẽ thực hiện việc thẩm định: hồ sơ, lý lịch thang máy – giám định chất lượng thiết bị sau quá trình lắp đặt, vận hành (kiểm định lần đầu); giám định hiện trạng chất lượng thiết bị trong quá trình sử dụng (kiểm định định kỳ, kiểm định bất thường), tìm ra các lý do khiến thang máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật, kiến nghị giải pháp khắc phục. Từ đó có thể đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả thang, dự báo các vấn đề về kỹ thuật để bảo trì, sửa chữa nếu cần nhằm kéo dài tuổi thọ của thang.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
–
– Thông tư số 41/2016/TT-BLĐTBXH quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Mục lục bài viết
1. Đơn vị kiểm định thang máy:
Đơn vị kiểm tra thang máy là các đơn vị được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, như:
– Trung tâm Kiểm định công nghiệp I; Trung tâm Kiểm định công nghiệp II; Trung tâm Kiểm định công nghiệp III của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương.
– Các đơn vị được Cục an toàn lao Động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép: Trung tâm Kiểm định KTAT khu vực I; Trung tâm Kiểm định KTAT khu vực II; công ty CP Kiểm định kỹ thuật, an toàn và TVXD; Trung tâm kiểm định CN I; Trung tâm Kiểm định và huấn luyện KTATLĐ TP. HCM; và một số doanh nghiệp xã hội.
– Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn Quân đội trực thuộc Bộ Quốc Phòng.
2. Các loại thang máy phải kiểm định:
Các loại thang máy phải kiểm định bao gồm: thang máy điện, thang máy chở hàng, thang máy thủy lực và thang máy điện không có phòng máy.
Trong quá trình sử dụng thang máy có thể gặp rất nhiều rủi ro và 1 số vấn đề như: Rơi buồng thang (do quá tải, tuột, đứt dây cáp nâng), bị chẹt giữa buồng thang và kết cấu khác của nhà, rơi xuống hố thang (do thiếu đèn chiếu sáng, không có cửa buồng thang, không có cửa tầng hoặc cửa tầng không có cơ cấu khóa liên động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật…).
3. Mục đích của việc kiểm định thang máy:
– Kiểm định thang máy nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, đảm bảo an toàn cho người và hàng hoá trong quá trình sử dụng, vận chuyển;
– Không bị gián đoạn khi làm việc giúp tăng năng suất của người lao động;
– Giảm các chi phí phải bồi thường khi có tai nạn lao động xảy ra;
– Tuân thủ quy định của pháp luật khi sử dụng thiết bị có yêu cầu về an toàn lao động;
– Là bằng chứng pháp lý cần thiết cung cấp cho các đơn vị bảo hiểm cũng như khách hàng khi đánh giá.
4. Thời hạn kiểm định của thang máy:
Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là hai 02 năm một lần đối với thang máy lắp đặt tại các tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất hay tại khu vực công cộng
Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với thang máy lắp đặt tại các công trình khác ba 03 năm một lần.
Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với các thang máy đã có thời hạn sử dụng trên 15 năm là một 01 năm một lần.
Căn cứ vào tình trạng của thiết bị, thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn có thể được rút ngắn do kiểm định viên quyết định trên cơ sở thống nhất với tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc quản lý thang máy.
5. Quy trình kiểm định:
5.1. Chuẩn bị kiểm định:
Trước khi tiên hành kiểm định Cơ sở đề nghị kiểm định và Tổ chức kiểm định cùng nhau phối hợp để thống nhất kế hoạch kiểm định, chuẩn bị các điều kiện phục vụ kiểm định và cử người tham gia, chứng kiến kiểm định. Cơ sở đề nghị kiểm định: Chuẩn bị hồ sơ, lý lịch và các tài liệu có liên quan đến thang máy. Tổ chức kiểm định và Cơ sở đề nghị kiểm định cùng phối hợp: Thống nhất thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; Trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm định. Sau khi kiểm định sẽ được dán tem và được Cục An Toàn Lao Động, Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội cấp giấy phép.
5.2. Các bước tiến hành kiểm định:
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật:
Hồ sơ chế tạo, lý lịch thang máy
Hồ sơ lắp đặt, hoàn công, hồ sơ thay thế,…
Biên bản và phiếu kết quả kiểm định lần trước
Hướng dẫn vận hành và xử lý sự cố
Bước 2: Kiểm tra kỹ thuật:
Kiểm tra cáp, các chi tiết và bộ phận của cabin để kịp thời phát hiện khuyết tật,…
Kiểm tra hệ thống thủy lực (đối với thang máy thủy lực)
Đo điện trở nối đất
Bước 3: Thử nghiệm:
Tiến hành thử nghiệm không tải và có tải khi các bước kiểm tra trên đã đạt yêu cầu.
Sau đó đánh giá tình trạng hoạt động của các cơ cấu an toàn, bảo hiểm thang máy sau quá trình thử nghiệm.
Bước 4: Xử lý kết quả kiểm định thang máy:
a) Lập biên bản kiểm định với đầy đủ nội dung theo mẫu quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
b) Thông qua biên bản kiểm định
c) Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào lý lịch của thang máy (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định).
d) Nhập kết quả kiểm định vào cơ sở dữ liệu để in tem kiểm định và Giấy chứng nhận kết quả kiểm định (nếu có quy định).
đ) Dán tem kiểm định: Khi kết quả kiểm định thang máy đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, kiểm định viên dán tem kiểm định cho thiết bị. Tem kiểm định phải được dán ở vị trí dễ quan sát.
e) Cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm định:
– Khi thang máy có kết quả kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định cho thang máy trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thông qua biên bản kiểm định tại cơ sở.
– Khi thang máy có kết quả kiểm định không đạt các yêu cầu thì chỉ thực hiện các bước nêu tại điểm a và điểm b nói trên, trong đó phải ghi rõ lý do thang máy không đạt yêu cầu kiểm định, kiến nghị cơ sở khắc phục và thời hạn thực hiện các kiến nghị đó; đồng thời gửi biên bản kiểm định và thông báo về cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương nơi lắp đặt, sử dụng thang máy.
6. Chi phí kiểm định và mức xử phạt khi không kiểm định:
6.1. Chi phí kiểm định thang máy:
Thông tư 41/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có quy định về mức giá tối thiểu khi kiểm định các sản phẩm thang máy.
Đối với thang máy dưới 10 tầng, chi phí kiểm định là 2.000.000đ/thiết bị.
Đối với thang máy từ 10 tầng đến 20 tầng, chi phí kiểm định là 3.000.000đ/thiết bị.
Đối với thang máy trên 20 tầng, chi phí kiểm định là 4.500.000đ/thiết bị.
6.2. Mức xử phạt khi đưa thang máy vào sử dụng mà không qua kiểm định:
Trong trường hợp thang máy không qua kiểm tra nhưng vẫn đưa vào sử dụng sẽ bị xử phạt theo các mức quy định trong Khoản 5 Điều 17 thuộc Nghị định số 95/2013/NĐ-CPnhư sau:
Phạt 1.000.000đ đến 2.000.000đ khi không khai báo trong vòng 30 ngày khi đưa thang máy vào sử dụng.
Phạt 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật.
Phạt 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; sử dụng thang máy chưa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; sử dụng thang máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc hết thời hạn sử dụng.
Phạt 02 lần đến 03 lần tổng chi phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm (tính theo mức giá tối thiểu do cơ quan có thẩm quyền quy định) nhưng không thấp hơn 20.000.000 đồng và tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ.
Phạt 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu.
Tóm lại, việc kiểm định kỹ thuật thang máy trước khi đưa vào sử dụng là vô cùng cần thiết, nó đảm bảo an toàn cũng như mang lại nhiều lợi ích về người và tài sản cho cá nhân cũng như doanh nghiệp.