Pháp luật đã quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, cụ thể quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa liên thông được xác định rất rõ ràng để cán bộ và người yêu cầu thực hiện làm theo. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên:
Mục lục bài viết
1. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa liên thông:
Căn cứ quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, thủ tục hành chính một cửa liên thông được giải quyết như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính liên thông:
(1) Hồ sơ sau khi tiếp nhận theo thủ tục: trực tiếp tại Bộ phận một cửa; thông qua dịch vụ bưu chính công thì trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ phải xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ.
Thực hiện quét (scan) và lưu trữ hồ sơ điện tử, cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương.
- Cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn đại diện tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nếu như hồ sơ chưa đầy đủ, chưa chính xác.
- Nếu như từ chối nhận hồ sơ thì cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do (theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính).
- Nếu như hồ sơ đầy đủ, chính xác thì trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ sau đó lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.
(2) Hồ sơ tiếp nhận thông qua việc nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thì cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa phải có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ đó.
- Cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận phải có thông báo, nêu rõ nội dung, lý do và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ một lần để tổ chức, cá nhân bổ sung đầy đủ, chính xác hoặc gửi đúng đến cơ quan có thẩm quyền: nếu như hồ sơ chưa đầy đủ, chính xác hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết.
- Cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa tiếp nhận và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết nếu như hồ sơ của cá nhân, tổ chức đầy đủ.
Lưu ý:
- Đối với hồ sơ hành chính sau khi được tiếp nhận sẽ được cấp mã số hồ sơ ghi nhận trong Giấy biên nhận hồ sơ; sau đó được hẹn trả kết quả.
- Đối với những hồ sơ nào cần giải quyết ngay thì cán bộ sẽ không cần lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả sau khi tiếp nhận, giải quyết và hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Tuy nhiên cán bộ một cửa phải có trách nhiệm cập nhật tình hình, kết quả giải quyết vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Bước 2: Thực hiện chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
Cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định, cụ thể:
- Thực hiện chuyển dữ liệu hồ sơ điện tử được tiếp nhận trực tuyến của tổ chức, cá nhân hoặc hồ sơ giấy đã được số hóa đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
- Đối với trường hợp tiếp nhận sau 15 giờ hàng ngày thì tiến hành chuyển ngay hồ sơ tiếp nhận trực tiếp trong ngày làm việc hoặc chuyển vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo.
- Nếu tiếp nhận hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan có thẩm quyền khác thì cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận chuyển hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử cho Bộ phận Một cửa trong ngày làm việc hoặc đầu giờ ngày làm việc tiếp theo nếu tiếp nhận sau 15 giờ hàng ngày để xử lý.
Bước 3: Tiến hành giải quyết thủ tục hành chính:
- Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phân công cán bộ, công chức, viên chức xử lý xem xét, thẩm định hồ sơ, trình phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính sau khi nhận hồ sơ thủ tục hành chính.
- Cán bộ, công chức, viên chức được giao xử lý hồ sơ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định nếu như thủ tục hành chính không quy định phải thẩm tra, xác minh hồ sơ, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, có liên quan.
- Sau đó cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
- Thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Lưu ý: đối với hồ sơ cần thẩm tra, xác minh hồ sơ thì tiến hành như sau:
- Trình cấp có thẩm quyền quyết định và cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
- Lưu hồ sơ vào hệ thống thông tin một cửa điện tử và lưu tại cơ quan.
Trường hợp hồ sơ nào qua thẩm tra, thẩm định nếu chưa đủ điều kiện thì cán bộ sẽ trả lại hồ sơ cũng với văn bản và nêu rõ lý do.
Đối với hồ sơ phải lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị khác có liên quan thì cần thông báo và phối hợp xử lý ý kiến đến các đơn vị có liên quan.
Bước 4: Trả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính:
Kết quả, hồ sơ gửi trả cho cá nhân, tổ chức phải đảm bảo đầy đủ theo đúng quy định.
2. Những hành vi cấm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa liên thông:
- Hành vi cản trở tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Hành vi cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính.
- Hành vi cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung dữ liệu thực hiện thủ tục hành chính.
- Hành vi từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài.
- Hành vi tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi.
- Hành vi trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua Bộ phận Một cửa.
- Hành vi đùn đẩy trách nhiệm, thiếu công bằng, không khách quan, không đúng pháp luật.
- Có hành vi ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở.
- Các hành vi vi phạm pháp luật khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính có quyền và trách nhiệm như thế nào?
(1) Về quyền:
- Có quyền từ chối thực hiện những yêu cầu không được quy định thủ tục hành chính.
- Có quyền được hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và nhận Giấy tiếp nhận hồ sơ, hẹn trả kết quả.
- Đối với những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp trong quá trình giải quyết hành chính thì được quyền phản ánh, kiến nghị.
- Khi có căn cứ, chứng cứ chứng minh việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định thì được quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức.
(2) Về nghĩa vụ:
- Phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác của các giấy tờ trong hồ sơ.
- Cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan đến hồ sơ.
- Mang theo Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả khi đến nhận kết quả (nếu như được ủy quyền thì phải có
giấy ủy quyền kèm theo). - Có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về giải quyết thủ tục hành chính và các quy định của Bộ phận Một cửa.
- Phải nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí (nếu có) theo quy định.
- Đối với những hành vi vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (ví dụ như gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hành vi dùng thủ đoạn để lừa đối, hối lộ cán bộ, công chức, việc chức khi giải quyết thủ tục hành chính;…)
THAM KHẢO THÊM: