Hành lang an toàn giao thông là thuật ngữ ít được biết đến, nhiều cá nhân, tổ chức còn chưa hiểu và không biết mình đã sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông và bị cơ quan chức năng xử phạt. Vậy quy trình cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn giao thông được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành lang an toàn giao thông là gì?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi bổ sung năm 2018, hành lang an toàn giao thông đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn cho các phương tham gia giao thông đường bộ. Đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.
Như vậy có thể hiểu hành lang an toàn giao thông đường bộ là phần đất do nhà nước đại diện chủ sở hữu và không được trao quyền sử dụng phần đất này cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Phần đất này là đất trải dọc hai bên đất của phần đường bộ (kể cả đối với phần mặt nước dọc hai bên cầu, hầm, bến phà, cầu phao), được tính bắt đầu từ mép ngoài của đường bộ trải sang hai bên. Theo quy định, phần đất này phải tuân thủ về giới hạn kích thước mà nhà nước ban hành để đảm bảo tốt an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ tốt các công trình đường bộ (VD: bãi đỗ xe, bến xe,..).
Hành lang an toàn giao thông là một khái niệm được sử dụng trong lĩnh vực giao thông, dùng để chỉ khoảng không gian đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông. Nó được hiểu là không gian trống rỗng hoặc vùng an toàn được dành riêng cho các hoạt động giao thông, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và vùng nước.
– Hành lang an toàn giữa các làn đường: Đây là không gian trống, giữa các làn đường trên đường bộ, nhằm giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện lưu thông trên đường. Hành lang an toàn này giúp tránh va chạm và tai nạn giao thông do xâm nhập không đủ khoảng cách giữa các xe.
– Hành lang an toàn xung quanh đường sắt: Đây là không gian an toàn ở phía cạnh đường sắt, nơi người đi bộ hoặc phương tiện khác không được phép đi vào. Hành lang an toàn này giúp ngăn chặn tai nạn khi có tàu hỏa hoặc phương tiện giao thông đi qua.
– Hành lang an toàn xung quanh máy bay: Đây là không gian an toàn xung quanh máy bay khi máy bay đang cất cánh hoặc hạ cánh. Việc duy trì hành lang an toàn này đảm bảo an toàn, giúp tránh va chạm giữa máy bay và các vật thể khác, đồng thời đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn.
– Hành lang an toàn trên vùng nước: Đối với vùng nước, hành lang an toàn có thể áp dụng cho các tuyến đường đi qua như các tuyến đường hàng hải, tuyến đường tàu biển, hay các vùng biển cấm đối với việc đi lại nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động giao thông hàng hải.
Mục đích chính của hành lang an toàn giao thông là giảm thiểu nguy cơ tai nạn và bảo vệ tính mạng và tài sản của những người tham gia giao thông. Việc tuân thủ và đảm bảo hành lang an toàn giao thông là trách nhiệm của tất cả các cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động giao thông.
2. Quy trình cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn giao thông:
– Căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp sau:
+ Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định về thì hành quyết định xử phạt hành;
+ Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm hành chính mà có quyết định thi hành biện pháp khắc phục hậu quả.
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bổ sung 2018, các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
+ Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm;
+ Tiến hành kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
+ Tịch thu tiền, tài sản khác của các đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;
+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
* Quy trình cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn giao thông:
Bước 1: Ra quyết định cưỡng chế
Người có thẩm quyền căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành an toàn giao thông sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành đối với người đã bị xử phạt nếu họ không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định.
Bước 2: Thi hành quyết định cưỡng chế
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành lang an toàn giao thông, người có thẩm quyền ra quyết định sẽ gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, và cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế hoặc những người có liên quan.
Người ra quyết định cưỡng chế sẽ tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà người vi phạm không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định cưỡng chế và có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định.
3. Các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Luật giao thông đường bộ 2008 sửa đổi bổ sung năm 2018, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định như sau:
– Đào, khoan, xẻ đường trái phép;
– Đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường;
– Đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường;
– Để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường;
– Mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính;
– Lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ;
– Tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức không được tự ý lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trường hợp, các công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi phần đất thuộc hành lang an toàn giao thông thì vẫn được xây dựng trên vùng đất đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
* Các công trình được phép xây dựng trên hành lang an toàn giao thông có thể kể đến như:
– Công trình phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh;
– Công trình phục vụ cho việc quản lý, khai thác đường bộ;
– Các công trình phục phụ cho hoạt động: viễn thông, điện lực, đường ống cấp, dẫn thoát nước, xăng, dầu, khí.
Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức được tạm thời sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ vào mục đích nông nghiệp và quảng cáo. Tuy nhiên việc sử dụng này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến an toàn của các công trình đường bộ, an toàn giao thông đường bộ. Việc sử dụng phần đất thuộc hành lang an toàn giao thông đường bộ để đặt biển quảng cáo thì phải có văn bản đồng ý của cơ quan quản lý đường bộ.
4. Mức xử phạt vi phạm hành lang an toàn giao thông:
Tại Điều 12
Hành vi | Mức xử phạt đối với cá nhân | Mức xử phạt đối với tổ chức |
Khai thác, sử dụng tạm thời trên phần đất hành lang an toàn giao thông đường bộ vào mục đích là canh tác nông nghiệp nhưng lại làm ảnh hưởng đến an toàn các công trình đường bộ và an toàn giao thông. | Từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (hình phạt bổ sung: khôi phục lại tình trạng ban đầu) | Từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (hình phạt bổ sung: khôi phục lại tình trạng ban đầu) |
Trồng cây xanh trong phạm vi đất dành cho đường bộ mà hành vi đó làm che khuất tầm nhìn của những người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. | Từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (hình phạt bổ sung: buộc phải di dời những cây trồng không đúng quy định đồng thời khôi phục lại tình trạng ban đầu khi chưa có hành vi vi phạm) | Từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (hình phạt bổ sung: buộc phải di dời những cây trồng không đúng quy định đồng thời khôi phục lại tình trạng ban đầu khi chưa có hành vi vi phạm) |
Dựng cổng chào hoặc dùng các vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ mà gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn giao thông | Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: buộc phải tháo dỡ công trình và các vật che chắn đồng thời khôi phục lại tình trạng ban đầu) | Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: buộc phải tháo dỡ công trình và các vật che chắn đồng thời khôi phục lại tình trạng ban đầu) |
Treo những băng rôn, những biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ mà gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ | Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: buộc phải thu dọn những băng rôn, biểu ngữ đó đồng thời khôi phục lại tình trạng ban đầu) | Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: buộc phải thu dọn những băng rôn, biểu ngữ đó đồng thời khôi phục lại tình trạng ban đầu) |
Tự ý dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, các công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ | từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: phá dỡ công trình, khôi phục tình trạng ban đầu) | từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: phá dỡ công trình, khôi phục tình trạng ban đầu) |
Để trái phép những vật liệu, những chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ thì sẽ bị xử phạt hành chính | từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: thu dọn khôi phục tình trạng ban đầu) | từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: phá dỡ công trình, khôi phục tình trạng ban đầu) |
Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong hành lang an toàn giao thông đường bộ | Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: khôi phục tình trạng ban đầu) | Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: khôi phục tình trạng ban đầu) |
Sử dụng trái phép đất của hành lang an toàn giao thông đường bộ để làm nơi tập kết hoặc trung chuyển các hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, những máy móc, thiết bị và các loại vật dụng khác | Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: khôi phục tình trạng ban đầu) | Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: khôi phục tình trạng ban đầu) |
Tự ý dựng các biển quảng cáo trên phần đất hành lang an toàn giao thông đường bộ khi chưa được các cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc tự ý dựng các biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ mà phần đó dùng để quản lý, để bảo trì và bảo vệ công trình đường bộ | Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: dỡ biển quảng cáo, khôi phục tình trạng ban đầu) | Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: dỡ biển quảng cáo, khôi phục tình trạng ban đầu) |
Chiếm dụng phần đất hành lang an toàn giao thông đường bộ với mục đích để xây dựng nhà ở | Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: phá công trình đã xây dựng, khôi phục tình trạng ban đầu) | Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (hình phạt bổ sung: phá công trình đã xây dựng, khôi phục tình trạng ban đầu) |
Như vậy, việc sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ trái phép sẽ bị xử phạt theo quy định. Điều này, góp phần đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và nâng cao mục đích sử dụng chung của hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật giao thông đường bộ 2008 sửa đổi bổ sung năm 2018;
– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung 2020;
–