Thiết kế xây dựng có vai trò chủ yếu và quyết định hiệu quả kinh tế xã hội của một dự án đầu tư. Dưới đây là quy trình về các bước thiết kế công trình xây dựng chi tiết nhất.
Mục lục bài viết
1. Quy trình các bước thiết kế công trình xây dựng chi tiết như thế nào?
Hiện nay thiết kế công trình xây dựng được coi là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình thi công bất kỳ một công trình nào đó. Nhìn chung thì có thể thấy hoạt động đầu tư xây dựng là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau, là quá trình tiến hành nhiều hoạt động xây dựng trong đó bao gồm hoạt động xây mới và sửa chữa hoặc cải tạo công trình xây dựng nào đó trên thực tế. Trong hoạt động đầu tư xây dựng thì bao gồm hoạt động thiết kế xây dựng. Hay nói cách khác thì thiết kế xây dựng là một trong những hoạt động xây dựng diễn ra trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Pháp luật hiện nay cũng quy định cụ thể về các bước thiết kế công trình xây dựng. Có thể nói, để thi công được một công trình xây dựng thì cần phải có một bản thiết kế xây dựng công trình một cách bài bản và phù hợp. Dưới đây là một số khái quát chung về các bước thiết kế công trình xây dựng chi tiết.
1.1. Khái quát chung về thiết kế công trình xây dựng:
Thiết kế công trình xây dựng (hay còn được gọi là construction design) được coi là sự triển khai sáng tạo để thiết kế một công trình xây dựng trên thực tế, là ý tưởng xây dựng công trình theo một mục đích nào đó. Việc thiết kế xây dựng các công trình sẽ giúp cho các ý tưởng và ước muốn của các chủ thể được thực hiện trên thực tế và góp phần tạo nên một tổng thể kiến trúc đẹp mắt cho cuộc sống trọn vẹn và trở nên đầy đủ hơn. Nhìn chung thì thiết kế công trình xây dựng bao gồm nhiều giai đoạn và nhiều nội dung khác nhau, có thể bao gồm thiết kế hồ sơ và thiết kế cơ sở, bao gồm thiết kế bản vẽ thi công và thiết kế kỹ thuật … tuy nhiên trong quá trình thiết kế công trình xây dựng thì cần phải lưu ý một số nội dung cơ bản dưới đây:
– Phương án công nghệ. Tùy theo công trình muốn xây dựng mà các chủ thể có thể lựa chọn một số phương án công nghệ sao cho phù hợp với công trình đó. Đối với công trình thiết kế xây dựng nhà ở thì các chủ thể cần phải có những phương án đóng cọc và khoan tường, phương án sử dụng bê tông … sao cho phù hợp và hợp lý. Đối với các công trình thiết kế xây dựng là cầu đường thì cần phải có nhiều giải pháp công nghệ khác nhau ví dụ như phương pháp xây bằng chữ T, chữ I …;
– Công năng sử dụng. Trong quá trình xây dựng thiết kế công trình xây dựng thì cần phải lưu ý đến công năng sử dụng của các công trình xây dựng. Tùy thuộc vào từng mục đích sử dụng khác nhau mà các chủ thể có thể thiết kế xây dựng công trình theo nhiều phương thức khác nhau, ví dụ như các công trình nhà ở hoặc trung tâm mua sắm thương mại, các công trình giao thông hoặc công trình cầu đường, các công trình đền chùa …;
– Phương án kiến trúc. Phương án kiến trúc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thiết kế thi công xây dựng công trình. Trong quá trình thiết kế xây dựng công trình thì có nhiều phương án thiết kế với nhiều kiến trúc khác nhau. Có phương án thiết kế theo phong cách rộng rãi và cũng có những phương án thiết kế theo phong cách nhỏ gọn hoặc ấm cúng. Vì thế các chủ thể cần phải lựa chọn ra những phương án thiết kế kiến trúc phù hợp vừa đảm bảo về chất lượng và vừa đảm bảo về kinh phí xây dựng công trình cũng như theo nhu cầu và mong muốn của bản thân;
– Tuổi thọ công trình. Ngoài việc xây dựng nên một bản vẽ thiết kế công trình xây dựng đẹp mắt thì tuổi thọ công trình cũng là một trong những yếu tố được các chủ thể quan tâm hàng đầu khi thiết kế xây dựng một công trình bất kỳ. Tuổi thọ công trình thường được tính từ thời điểm công trình đưa vào khai thác sử dụng trên thực tế cho đến khi chuyển sang trạng thái giới hạn. Tuổi thọ công trình sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau ví dụ như yếu tố kĩ thuật thi công và yêu tố xây dựng công trình, trong đó bao gồm cả yếu tố phương án thiết kế xây dựng công trình;
– Phương án kết cấu. Kết cấu xây dựng công trình là một trong những cơ sở giúp cho việc thiết kế xây dựng công trình được trở nên hoàn thiện. Yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất là kết cấu xây dựng công trình đó là hệ thống chịu lực phải nằm trong trạng thái cân bằng và ổn định. Kết cấu xây dựng công trình bao gồm nhiều việc khác nhau, tuy nhiên kết cấu xây dựng chủ yếu sẽ là việc tính toán tác động của các nội lực và ngoại lực, tính toán các lực đỡ lên hệ chịu lực của toàn bộ công trình nói chung;
– Phương án phòng chống cháy nổ. Trong những năm gần đây thì nhiều vụ cháy nổ xảy ra thường xuyên với nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho người dân luôn sống trong trạng thái bất an và lo sợ. Với phương châm an toàn là trên hết thì các chủ thể cần phải lựa chọn những phương án phòng chống cháy nổ một cách tối ưu để giúp cho công trình được sử dụng một cách hiệu quả, và hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai;
– Sử dụng năng lượng tự nhiên. Tùy theo điều kiện xây dựng nhất định mà các chủ thể có thể cân nhắc được sử dụng các thiết bị điện với nguồn điện năng lượng tự nhiên ví dụ như năng lượng mặt trời hoặc năng lượng dựa trên sức nước và sức gió … vấn đề này vừa đảm bảo an toàn và vừa bảo vệ môi trường lại tiết kiệm điện năng. Song song với đó là cần phải quan tâm đến hiện tượng bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định của pháp luật xoay quanh vấn đề môi trường. Trong quá trình thiết kế xây dựng cần phải chú ý đến các giải pháp bảo vệ môi trường ví dụ như sử dụng các vật liệu thân thiện với thiên nhiên và tận dụng vật liệu thừa cũng được thiết kế xây dựng cây xanh xung quanh công trình;
– Dự toán chi phí sao cho phù hợp. Đây được coi là một trong những căn cứ quan trọng để lập kế hoạch quản lý tài chính trong quá trình thiết kế xây dựng công trình.
1.2. Quy trình các bước thiết kế công trình xây dựng:
Nhìn chung thì các bước thiết kế công trình xây dựng sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau đây:
Bước 1: Các đối tượng được xác định là chủ đầu tư sẽ thực hiện hoạt động cung cấp thông tin cho các đơn vị thi công và đơn vị này sẽ tiếp nhận những yêu cầu đó của chủ đầu tư.
Bước 2: Các đơn vị thi công sẽ tiến hành hoạt động lập phương án thiết kế cơ sở và thực hiện những hoạt động để triển khai bố trí mặt bằng kiến trúc sao cho phù hợp với thực tế.
Bước 3: Thiết kế công trình xây dựng không thể bỏ qua bước hiệu chỉnh phương án theo yêu cầu của chủ đầu tư và cần phải tiến hành hoạt động ký kết hợp đồng thiết kế theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Các đơn vị thi công sẽ tiến hành hoạt động lập phương án thiết kế công trình xây dựng sao cho phù hợp, sẽ là phương án thiết kế thi công đối với cả phần nội thất bên trong và ngoại thất cho công trình xây dựng bất kỳ, sau đó nếu cần thì sẽ điều chỉnh phương án thiết kế lại theo yêu cầu và mong muốn của chủ đầu tư đã đưa ra.
Bước 5: Triển khai hồ sơ chi tiết kĩ thuật và các kết cấu của công trình cũng như một số yếu tố khác ví dụ như điện nước và các yếu tố về phòng cháy chữa cháy …
Bước 6: Trình bản vẽ thiết kế cho khách hàng ký duyệt và bàn giao bản vẽ thiết kế công trình xây dựng theo như hai bên chủ đầu tư và đơn vị thi công đã thỏa thuận.
2. Một số yêu cầu đối với quy trình thiết kế công trình xây dựng:
Theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, thì việc thiết kế công trình xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu chung sau:
– Công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, cảnh quan, điều kiện tự nhiên và các quy định về kiến trúc; dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt;
– Phù hợp với thiết kế công nghệ trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình có thiết kế công nghệ;
– Nền móng công trình phải bảo đảm bền vững, cần phải đảm bảo nền móng không bị lún nứt, biến dạng quá giới hạn cho phép làm ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, các công trình lân cận;
– Nội dung thiết kế xây dựng công trình pải phù hợp với quy định pháp luật, phải phù hợp với yêu cầu của từng bước thiết kế, thoả mãn yêu cầu về chức năng sử dụng; bảo đảm mỹ quan, giá thành hợp lý;
– Đảm bảo an toàn, tiết kiệm, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng; các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và những tiêu chuẩn liên quan; đối với những công trình công cộng phải đảm bảo thiết kế theo tiêu chuẩn cho người tàn tật;
– Đồng bộ trong từng công trình, đáp ứng yêu cầu vận hành, sử dụng công trình; đồng bộ với các công trình liên quan.
– Kiến trúc công trình phải phù hợp với phong tục, tập quán và văn hoá, xã hội của từng vùng, từng địa phương;
– An toàn cho người sử dụng khi xảy ra sự cố; điều kiện an toàn, thuận lợi, hiệu quả cho hoạt động chữa cháy, cứu nạn; đảm bảo khoảng cách giữa các công trình, sử dụng các vật liệu, trang thiết bị chống cháy để hạn chế tác hại của đám cháy đối với các công trình lân cận và môi trường xung quanh;
– Các điều kiện tiện nghi, vệ sinh, sức khoẻ cho người sử dụng
– Các công trình khai thác tối đa thuận lợi và hạn chế bất lợi của thiên nhiên nhằm bảo đảm tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng.
3. Các quy định về các nhiệm vụ thiết kế công trình xây dựng:
Căn cứ theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có ghi nhận về nhiệm vụ thiết kế công trình xây dựng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ thể lập và các yêu cầu đối với nhiệm vụ thiết kế công trình xây dựng cần phải được thực hiện theo một số yêu cầu cơ bản như:
– Các chủ thể được xác định là chủ đầu tư cần phải tiến hành hoạt động lập hoặc thuê tổ chức và cá nhân có năng lực phù hợp để thực hiện nhiệm vụ thiết kế công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
– Nhiệm vụ thiết kế công trình xây dựng phải phù hợp với chủ trương đầu tư và phù hợp với quy định của pháp luật, nhiệm vụ thiết kế sẽ là căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng và lập thiết kế xây dựng trên thực tế. Các chủ thể được xác định là chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia góp ý hoặc các chuyên gia thẩm định về thiết kế khi nhận thấy cần thiết;
– Nhiệm vụ thiết kế công trình xây dựng được sửa đổi hoặc bổ sung phải phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả thi công các công trình xây dựng.
Thứ hai, một số nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế công trình xây dựng được ghi nhận như sau:
– Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng;
– Mục tiêu xây dựng công trình;
– Địa điểm xây dựng công trình;
– Các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc của công trình;
– Các yêu cầu về quy mô và thời hạn sử dụng công trình, công năng sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.