Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là giải pháp điều chỉnh hành vi, lời nói của những cá nhân này theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu". Dưới đây là bài viết về: Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật.
Mục lục bài viết
1. Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật là gì?
Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật là một tập hợp các nguyên tắc và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về cách nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật nên hành xử trong lĩnh vực nghệ thuật. Những quy tắc này được coi là bản cam kết của giới nghệ sĩ, giúp xây dựng một môi trường làm việc nghệ thuật chuyên nghiệp, tôn trọng và hỗ trợ sự phát triển của nghệ sĩ, đồng thời giữ gìn danh dự và uy tín của ngành nghệ thuật.
2. Tầm quan trọng của Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật:
Văn học và nghệ thuật phải hình thành trái tim của mọi người, và những người làm văn học và nghệ thuật trước tiên phải hình thành chính mình. Đức không tốt thì không thể nhìn xa, người không có tài thì không thể hiểu rộng. Là người của công chúng, các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được mọi tầng lớp xã hội dõi theo, mọi hành động đều có tác động đến xã hội, họ cần phải gương mẫu hơn nữa trong việc chấp hành pháp luật, trân trọng hình ảnh xã hội của mình và tuân thủ các quy định của pháp luật. Cho dù bạn đã đạt được thành tích gì, cho dù bạn đã giành được danh hiệu gì, nếu bạn không trong sạch, nếu bạn vi phạm pháp luật và các quy định, thì cái gọi là danh tiếng của bạn sẽ biến mất, và cái gọi là tương lai của bạn sẽ bị hủy hoại. Đông đảo những người làm nghệ thuật truyền hình phải phấn đấu trở thành những người truyền bá chân, thiện, mỹ, những người thực hành văn hóa tiên tiến, những người đi đầu xu thế thời đại, những người định hình hình ảnh xã hội.
Vì vậy việc ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật là vô cùng cần thiết, là phương thức chấn chỉnh hành vi lời nói của các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong bối cảnh nhiều biểu hiện lệch chuẩn đang diễn ra ngày càng phổ biến.
3. Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật:
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3196/QĐ-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Hùng |
QUY TẮC ỨNG XỬ
CỦA NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT
(Kèm theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
3.1 Chương I – Mục đích, phạm vi, đối tượng:
Điều 1. Mục đích
Xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội.
Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng: Hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng, khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, báo chí, truyền thông và không gian mạng.
2. Đối tượng áp dụng: Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy tắc này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lĩnh vực nghệ thuật gồm nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh.
2. Hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
3.2. Chương II – Quy tắc ứng xử:
Điều 4. Quy tắc ứng xử chung
1. Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật.
2. Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.
3. Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Điều 5. Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp
1. Có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nhằm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
2. Lấy giá trị chân – thiện – mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội.
3. Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; tích cực khai thác các phương pháp sáng tạo, thể nghiệm mới, phù hợp với giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ.
4. Tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới, tiếp nhận có chọn lọc các khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật của quốc tế góp phần xây dựng, phát triển nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đồng thời phát huy và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
5. Có ý thức quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích, an ninh, chủ quyền quốc gia, tuân thủ pháp luật nước sở tại khi tham gia các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.
6. Giữ gìn danh hiệu, hình ảnh; chọn lựa sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật.
7. Đấu tranh chống lại cái xấu, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; có nhận thức, quan điểm đúng trước những biểu hiện lệch lạc, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
8. Tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ ; không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.
Điều 6. Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp
1. Trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước trong việc trao truyền những giá trị văn hóa, tinh hoa nghề nghiệp cho các thế hệ người hoạt động nghệ thuật; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội.
2. Chân thành hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ cùng nhau phát huy tài năng, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đối với người mới tham gia hoạt động nghệ thuật.
3. Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn, bày tỏ, chia sẻ quan điểm, không gây mâu thuẫn, tổn hại đến uy tín, quyền lợi hợp pháp của đồng nghiệp.
Điều 7. Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả
1. Tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, khán giả để hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật.
2. Ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả.
3. Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức.
Điều 8. Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng
1. Cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.
2. Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.
3. Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc.
4. Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Điều 9. Quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác
1. Phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xã hội. Thực hiện, phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm lo người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định pháp luật.
2. Dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục sức khoẻ cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường.
3. Công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân.
4. Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.
5. Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; không thực hành, ủng hộ các hoạt động mê tín dị đoan, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
3.3. Chương III – Tổ chức thực hiện
Điều 10. Triển khai và thực hiện
1. Khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí và các tổ chức xã hội khác phổ biến, triển khai thực hiện Quy tắc này bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, Điều lệ hoạt động, điều kiện thực tế của từng đơn vị.
2. Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật căn cứ vào Quy tắc ứng xử này để rà soát, xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy định quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức mình và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định. Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nội dung Quy tắc này.
3. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng danh nghĩa của người hoạt động nghệ thuật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp để Quy tắc ứng xử này góp phần cùng các quy định của pháp luật về hoạt động nghệ thuật và pháp luật liên quan được đảm bảo thực thi đúng, hiệu quả.
4. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử này; phê phán, lên án các hành vi vi phạm Quy tắc; cân nhắc sử dụng hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật không thực hiện nội dung Quy tắc ứng xử này.
Điều 11. Điều khoản thi hành
Quy tắc ứng xử được phổ biến đến tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, bất cập, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./