Hoạt động giao thông đường thủy nội địa cũng cần phải tuân theo những quy tắc, nguyên tắc nhất định để đảm bảo an toàn cho người tham gia. Dưới đây là quy định về quy tắc, nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa mới nhất.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa:
- 1.1 1.1. Quy tắc về nghĩa vụ chấp hành quy tắc giao thông đường thủy nội địa:
- 1.2 1.2. Quy tắc về hành trình trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế:
- 1.3 1.3. Quy tắc về quyền ưu tiên của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt:
- 1.4 1.4. Quy tắc về phương tiện tránh nhau khi đi đối hướng nhau:
- 1.5 1.5. Quy tắc về phương tiện tránh nhau khi đi cắt hướng nhau:
- 1.6 1.6. Quy tắc về thuyền buồm tránh nhau:
- 1.7 1.7. Quy tắc phương tiện vượt nhau:
- 1.8 1.8. Quy tắc phương tiện đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống:
- 1.9 1.9. Quy tắc neo đậu phương tiện:
- 2 2. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa:
1. Quy tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa:
1.1. Quy tắc về nghĩa vụ chấp hành quy tắc giao thông đường thủy nội địa:
Nghĩa vụ chấp hành quy tắc giao thông đường thuỷ nội địa được quy định cụ thể tại Điều 36 Luật giao thông đường thủy nội địa quy định, Theo đó, có thể hiểu như sau:
Thứ nhất, đối với thuyền trưởng, người lái phương tiện khi điều khiển phương tiện hoạt động trên đường thuỷ nội địa thì phải tuân theo quy tắc giao thông và báo hiệu đường thuỷ nội địa
Thứ hai, đối với thuyền trưởng tàu biển, tàu cá khi điều khiển tàu biển hoạt động trên đường thuỷ nội địa thì phải tuân theo báo hiệu đường thuỷ nội địa và quy tắc giao thông quy định đối với phương tiện có động cơ.
Thứ ba, thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình phải điều khiển phương tiện với tốc độ an toàn để có thể xử lý các tình huống tránh va, không gây mất an toàn đối với phương tiện khác hoặc tổn hại đến các công trình;
Thứ tư, thuyển trưởng, người lái phương tiện phải giữ khoảng cách an toàn giữa phương tiện mình đang điều khiển với phương tiện khác; phải giảm tốc độ của phương tiện trong các trường hợp như đi gần phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng, phương tiện bị nạn, phương tiện chở hàng nguy hiểm; đi trong phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa; đi gần đê, kè khi có nước lớn.
Thứ năm, trừ trường hợp cứu hộ, cứu nạn hoặc trường hợp bất khả kháng thì thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình không được bám, buộc phương tiện của mình vào phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm đang hành trình hoặc để phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm bám, buộc vào phương tiện của mình
1.2. Quy tắc về hành trình trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế:
Theo quy định của pháop luật hiện hành thì thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện đồng thời phát âm hiệu theo quy định và phải có người cảnh giới ở những vị trí cần thiết trên phương tiện khi hành trình trong điều kiện có sương mù, mưa to hoặc vì lý do khác mà tầm nhìn bị hạn chế,. Trường hợp không nhìn rõ đường thì phải neo đậu phương tiện, bố trí người cảnh giới và phát âm hiệu theo quy định
Khi phương tiện đi vào nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện, phát tín hiệu nhiều lần theo quy định và đi sát về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện qua khỏi nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế.
1.3. Quy tắc về quyền ưu tiên của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt:
Theo quy định thì thứ tự ưu tiên những phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt s đi trước khi qua âu tàu, cống, đập, cầu không mở thường xuyên, nơi có điều tiết giao thông, luồng giao nhau, luồng cong gấp như sau:
Thứ nhất là phương tiện chữa cháy;
Thứ hai là phương tiện cứu nạn;
Thứ ba là phương tiện hộ đê;
Thứ tư là phương tiện của quân đội, công an làm nhiệm vụ khẩn cấp;
Thứ năm là phương tiện, đoàn phương tiện có công an hộ tống hoặc dẫn đường.
Theo đó, để được ưu tiên thì các phương tiện nêu trên phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định. Thuyền trưởng, người lái phương tiện của phương tiện không thuộc trường hợp được ưu tiên khi thấy tín hiệu của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt phải giảm tốc độ phương tiện của mình, đi sát về một phía luồng để nhường đường.
1.4. Quy tắc về phương tiện tránh nhau khi đi đối hướng nhau:
Một, phương tiện đi ngược nước phải tránh và nhường đường cho phương tiện đi xuôi nước.
Hai, phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ, phương tiện có động cơ công suất nhỏ hơn phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ công suất lớn hơn, phương tiện đi một mình phải tránh và nhường đường cho đoàn lai;
Ba, mọi phương tiện phải tránh bè và tránh phương tiện có tín hiệu mất chủ động, phương tiện bị nạn, phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng.
Theo đó, khi tránh nhau, phương tiện được nhường đường phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định
1.5. Quy tắc về phương tiện tránh nhau khi đi cắt hướng nhau:
Một, phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ;
Hai, mọi phương tiện phải tránh bè;
Ba, phương tiện có động cơ nào nhìn thấy phương tiện có động cơ khác bên mạn phải của mình thì phải tránh và nhường đường cho phương tiện đó.
1.6. Quy tắc về thuyền buồm tránh nhau:
Một, thuyền đi thuận gió tránh thuyền đi ngược gió;
Hai, thuyền được gió mạn trái tránh thuyền được gió mạn phải;
Ba, thuyền đi trên gió tránh thuyền đi dưới gió.
Bốn, phương tiện thô sơ khác phải tránh thuyền buồm.
1.7. Quy tắc phương tiện vượt nhau:
Thứ nhất là phương tiện xin vượt phải phát âm hiệu một tiếng dài, lặp lại nhiều lần;
Thứ hai là, phương tiện bị vượt, khi nghe thấy âm hiệu xin vượt, nếu thấy an toàn phải giảm tốc độ và phát âm hiệu điều động theo quy định và đi về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện xin vượt đã vượt qua; nếu không thể cho vượt thì phát âm hiệu 5 tiếng ngắn;
Thứ ba là, phương tiện xin vượt, khi nghe thấy âm hiệu điều động của phương tiện bị vượt thì mới được vượt; khi vượt phải phát âm hiệu báo phía vượt của mình và phải giữ khoảng cách ngang an toàn với phương tiện bị vượt.
Thứ tư là, phương tiện xin vượt không được vượt trong các trường hợp có báo hiệu cấm vượt;phía trước có phương tiện đi ngược lại hay có vật chướng ngại; nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp hoặc có báo hiệu chiều rộng luồng hạn chế; khi đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống, âu tàu, khu vực điều tiết giao thông; trường hợp khác không bảo đảm an toàn.
1.8. Quy tắc phương tiện đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống:
Trước khi đưa phương tiện đi qua khoang thông thuyền, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải nắm vững các thông số chiều rộng, chiều cao của khoang thông thuyền, tình trạng luồng và dòng chảy; kiểm tra hệ thống lái, neo, đệm chống va, sào chống; phải lập phương án lắp ghép đội hình phù hợp với chiều rộng và chiều cao của khoang thông thuyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thuyền viên.Theo đó thì thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện qua khoang thông thuyền khi xét thấy đủ điều kiện an toàn; trường hợp cần thiết, phải xin chỉ dẫn của bộ phận điều tiết giao thông hoặc đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa.
Phải điều khiển phương tiện đi đúng khoang có báo hiệu thông thuyền; đối với những khoang thông thuyền có phao dẫn luồng, phải điều khiển phương tiện đi trong giới hạn của hai hàng phao. Nơi khoang thông thuyền có dòng nước xoáy hoặc chảy xiết, nếu thấy không an toàn phải tìm biện pháp để đưa phương tiện qua khoang thông thuyền an toàn; trường hợp phải chờ qua khoang thông thuyền, phương tiện phải được neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn và bố trí người trực trên phương tiện.
1.9. Quy tắc neo đậu phương tiện:
Thứ nhất, neo đậu phương tiện trong cảng, bến thuỷ nội địa phải đúng nơi quy định, chấp hành nội quy của cảng, bến thuỷ nội địa và phải bố trí người trông coi phương tiện.
Thứ hai, phương tiện neo đậu ở phía bờ phải để thuyền viên của các phương tiện đậu ở phía ngoài và những người thi hành công vụ đi qua.
Thứ ba, trước khi rời cảng, bến thuỷ nội địa hoặc vị trí neo đậu, phương tiện phải phát âm hiệu, nếu thấy bảo đảm an toàn mới được nhổ neo.
Thứ tư, phương tiện không được neo đậu ở giữa luồng, khu vực luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế trong hành lang bảo vệ cầu hoặc các công trình khác và những nơi có báo hiệu cấm neo đậu.
2. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa:
Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn cho người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, an toàn của phương tiện, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, quản lý hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền các cấp.
Thứ năm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông;
Thứ sáu, phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.
Thứ bảy, phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Giao thông đường thủy 2004