Quy định chung về đơn khởi kiện vụ án dân sự? Quy định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự?
Trong các mối quan hệ dân sự diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, các bên thực hiện các quan lệ pháp luật dựa trên sự thỏa thuận và tôn trọng pháp luật. Khi các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự có tranh chấp với nhau thì có quyền làm đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tòa án sẽ tiến hành nhận đơn, tuy nhiên nếu đơn khởi kiện không đúng theo quy định thì Tòa án sẽ tiến hành trả lại đơn và yêu cầu sửa đổi và bổ sung đơn khởi kiện. Vậy quy định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự được quy định cụ thể như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu những quy định liên quan để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
–
1. Quy định chung về đơn khởi kiện vụ án dân sự?
Hình thức, nội dung đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cụ thể như sau:
– Khi có các tranh chấp xảy ra giữa các bên tham gia quan hệ với nhau, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện lên tòa án nhân dân có thẩm quyền và những chủ thể muốn khởi kiện này phải làm đơn khởi kiện.
– Đối với cá nhân muốn làm đơn khởi kiện thì việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
+ Cá nhân thực hiện việc khởi kiện phải có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Có thể hiểu năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng của cá nhân có thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
Khi cá nhân thực hiện đơn khởi kiện thì tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ. Thông tin của cá nhân thực hiện khởi kiện phải chính xác nhằm đảm bảo quá trình thụ lý đơn đúng pháp luật.
+ Cá nhân muốn khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì trong trường hợp này do cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự nên người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
Khi người đại diện hợp pháp hoặc người làm đơn hộ thực hiện đơn khởi kiện mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ. Thông tin của cá nhân thực hiện khởi kiện phải chính xác nhằm đảm bảo quá trình thụ lý đơn đúng pháp luật.
+ Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được người đại diện hoặc người khác làm đơn hộ nhưng những chủ thể này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện nhằm xác nhận tính chính xác cho việc khởi kiện.
– Đối với cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người làm đơn khởi kiện cho cơ quan tổ chức này là người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
Yêu cầu đối với mục thông tin trên đơn khi người đại diện hợp pháp làm đơn như sau: Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó để xác thực thông tin của bên khởi kiện.
Yêu cầu đối với phần cuối đơn như sau: người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của
– Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện (Tòa án nhân dân có thẩm quyền);
+ Đối với cá nhân làm đơn thì cần ghi rõ: Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;
Đối với cơ quan, tổ chức làm đơn thì ghi rõ: trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
+ Đối với cá nhân là người có quyền và lợi ích được bảo vệ thì ghi Tên, nơi cư trú, làm việc;
Đối với cơ quan tổ chức là bên có quyền và lợi ích được bảo vệ: ghi trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
+ Người bị kiện là cá nhân cần ghi rõ: Tên, nơi cư trú, làm việc;
Cơ quan, tổ chức là bên bị kiên thì ghi rõ: trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Đơn khởi kiện cần được ghi đầy đủ những thông tin cơ bản trên nhằm mục đích thể hiện đầy đủ các thông tin của các bên khởi kiện, tránh trường hợp sai sót thông tin trong quá trình khởi kiện.
Ngoài việc gửi đơn khởi kiện, khi tiến hành khởi kiện thì người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Nếu khi khởi kiện mà vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì trường hợp này pháp luật quy định họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Những tài liệu, chứng cứ còn thiếu thì người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
2. Quy định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự?
Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện được quy định tại Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
– Nội dung đơn khởi kiện bắt buộc đã được phân tích ở mục trên, nếu đơn khởi kiện không có đầy đủ những nội dung này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung.
Thời hạn bổ sung đơn khởi kiện do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng. Riêng đối với các trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn thời gian sửa đổi, bổ sung nhưng không quá 15 ngày.
Về việc thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện được quy định như sau: Văn bản thông báo có thể được giao trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi cho người khởi kiện qua dịch vụ bưu chính và phải ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi.
Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà Thẩm phán ấn định để người viết đơn thực hiện sửa đổi, bổ sung không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Sau khi người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng các nội dung của đơn khởi kiện bắt buộc thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về các yêu cầu đối với đơn khởi kiện, quy định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự, thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn kiện cũng như các nội dung khác liên quan.