Thực tế, du học được xem là quyết định vô cùng quan trọng và khó khăn với mong muốn tạo điều kiện cho con em có môi trường học tập tốt hơn để vun đắp cho tương lai. Dưới đây là quy định của pháp luật về mức xử phạt đối với hành vi tư vấn du học không trung thực, không chính xác.
Mục lục bài viết
1. Quy định xử phạt hành vi tư vấn du học không trung thực:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi tư vấn du học không trung thực, không chính xác. Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Tư vấn không trung thực, không chính xác về các điều kiện liên quan đến tình trạng kiểm tra chất lượng của các chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục nước ngoài, tư vấn không trung thực và không chính xác về học phí và sinh hoạt phí dự kiến, các loại phí khác có liên quan đến quá trình du học, điều kiện sinh sống và chính sách làm thêm giờ theo quy định của nước tiếp nhận du học sinh, những khó khăn và những rủi ro, những bất trắc có thể gặp phải trong quá trình du học tại nước ngoài;
+ Không thực hiện niêm yết công khai thông tin tại trụ sở của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, không niêm yết công khai tại các trang thông tin điện tử của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với các nội dung có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật;
+ Không thực hiện chế độ báo cáo việc tuyển sinh và đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, không thực hiện hoạt động báo cáo quá trình kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật;
+ Không thực hiện hoạt động lưu giữ hồ sơ đã gửi của công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo quy định của pháp luật;
+ Sử dụng nhân viên tư vấn du học không đáp ứng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Không tiến hành hoạt động ký hợp đồng tư vấn du học đối với người có nhu cầu đi du học tại nước ngoài hoặc cha mẹ và người giám hộ hợp pháp của họ, hoặc ký hợp đồng không đảm bảo nội dung và không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật;
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với du học sinh đã được tư vấn và du học sinh đã ra nước ngoài học tập.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Ủy quyền hoặc cho thuê, có hành vi cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trái quy định của pháp luật;
+ Nhận ủy quyền của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khác để tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho người có nhu cầu đi du học ở nước ngoài.
– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi tiếp tục tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong khoảng thời gian bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trên thực tế.
Như vậy có thể nói, hành vi tư vấn du học không trung thực, không chính xác có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi tư vấn du học không trung thực:
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể như sau:
– Thanh tra viên và những người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang trong quá trình thi công sẽ có quyền hạn như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 1.000.000 đồng, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.000.000 đồng, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chánh thanh tra của Sở lao động thương binh và xã hội, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở lao động thương binh và xã hội, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp sẽ có quyền hạn như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 75.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 150.000.000 đồng, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Bộ lao động thương binh và xã hội sẽ có thẩm quyền như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 105.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 210.000.000 đồng, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chánh thanh tra của Bộ lao động thương binh và xã hội, tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp sẽ có quyền hạn như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 150.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Theo như phân tích nêu trên thì có thể nói, hành vi tư vấn du học không trung thực có thể sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 20.000.000 đồng. Vì vậy thẩm quyền xử phạt đối với hành vi tư vấn du học không trung thực sẽ thuộc về chánh thanh tra Sở lao động thương binh và xã hội, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở lao động thương binh và xã hội, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp.
3. Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có trách nhiệm tư vấn thông tin trung thực và chính xác hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định 86/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, có quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Theo đó, các tổ chức, công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn du học sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ cơ bản như sau:
– Đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiến hành hoạt động triển khai tư vấn du học chậm nhất trong khoảng thời gian 45 ngày làm việc được tính kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tư vấn thông tin một cách trung thực và chính xác cho khách hàng trong quá trình tư vấn du học;
– Ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học, hoặc cha/mẹ/người giám hộ hợp pháp theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật;
– Chỉ ký hợp đồng tư vấn du học, không được ký hợp đồng vừa du học vừa đi làm với khách hàng trái quy định của pháp luật;
– Không được ủy quyền hoặc nhận ủy quyền của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khác để tiến hành hoạt động triển khai kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho những người có nhu cầu đi du học ở nước ngoài trái quy định pháp luật;
– Niêm yết công khai thông tin chính xác tại trụ sở của doanh nghiệp và tại các trang thông tin điện tử của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
– Đôn đốc các du học sinh cập nhật đầy đủ thông tin, cập nhật chính xác thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật;
– Chủ động phối hợp với các cơ quan, các bộ/ban ngành có liên quan để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các du học sinh;
– Lưu trữ hồ sơ của công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giữ liên hệ, đồng thời cung cấp khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
– Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tư vấn thông tin trung thực và chính xác được coi là trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
– Nghị định 86/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.