Khái quát về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội? Quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội?
Trong hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội có vai trò và tầm quan trọng rất lớn nên luôn là một trong những chính sách thiết yếu của các quốc gia. Tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính vì vai trò đó mà hệ thống pháp
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội?
Theo quan điểm quốc tế tại Công ước 102- Công ước quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế ILO năm 1952, bảo hiểm xã hội bao gồm 9 chế độ: chăm sóc y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp thai sản, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già (hưu trí), trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp tàn tật, trợ cấp tử tuất.
Tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. (Khoản 1, Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội). Khái niệm này mang nghĩa hẹp, chỉ gồm 5 trong số 9 chế độ theo Công ước 102 năm 1952.
Vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội là một dạng vi phạm pháp luật, trong đó các chủ thể (người sử dụng lao động, người lao động) trong quan hệ bảo hiểm xã hội thực hiện các hành vi trái với quy định của luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong việc thực hiện chính sách ngắn hạn, dài hạn của người lao động.
Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội là việc Nhà nước áp dụng các biện pháp trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự đối với các các nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, bên cạnh đó còn quy định đồng thời với chế tài hình sự để răn đe, nâng cáp tính tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động trong vấn đề thực hiện bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn:
Ở Anh, Luật An sinh xã hội năm 1998, tại Điều 61 đã quy định các trường hợp vi phạm các quy định của luật này sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính và trong các trường hợp vượt quá giới hạn xử phạt vi phạm hành chính thì bị coi là tội phạm.
2. Quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội?
Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội được xây dựng dựa trên nguyên tắc: Tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được pháp luật quy định xử phạt theo hình thức xử phạt vi phạm hành chính; bồi thường thiệt hai và khắc phục hậu quả hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội).
Khi tìm hiểu quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, tác giả nhận thấy, việc đưa ra được cái nhìn tổng quát nhất phải dựa vào các văn bản pháp luật khác nhau, tùy thuộc vào trách nhiệm pháp lý mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với xử phạt vi phạm hành chính.
Nội dung này được ghi nhận tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Hình thức xử phạt có thể áp dụng là cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, phạt tiền là hình thức điển hình và mang lại hiệu quả tích cực hơn. Phạt tiền tác động đến tài chính của người vi phạm nên tính răn đe rất cao. Mức phạt thể hiện mức cưỡng chế của Nhà nước đối với người vi phạm, mức phạt tiền càng cao thì sức răn đê càng lớn và ngược lại. Ví dụ:
“Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.” (Khoản 1, Điều 38, Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
“Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.” (Khoản 2, Điều 39, Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Bên cạnh các hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc hoàn trả cho người lao động số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã chiếm dụng của người lao động và lãi của số tiền này; Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng;…..
– Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội được trao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Thanh tra lao động, Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định thành lập.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Hình tức truy cứu trách nhiệm hình sự trong vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với người thực hiện hành vi nghiêm trọng về pháp luật bảo hiểm xã hội có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự. Đây là biện pháp mang tính răn đe cao nhất đối với các chủ thể vi phạm.
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 lần đầu tiên quy định các nhóm tội danh về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cá nhân, pháp nhân thương mại vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 214- Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; 215- Tội gian lận bảo hiểm y tế; 216- Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểu y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo đó, mức án cao nhất đối với cá nhân, tổ chức có hành vi phạm tôi thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 10 năm tù giam, ngoài ra còn áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề trong thời hạn nhất định.
Quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 đã thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội. Những quy định này cùng với các quy định của Bộ luật lao động, Bộ luật tố tụng hình sự,…đã tạo ra nhiều phương thức để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Thứ ba, hình thức bồi thường thiệt hại đối với vi phạm bảo hiểm xã hội.
Hình thức bồi thường thiệt hại nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tinh thần cho người bị hại. Những thiệt hại phải bồi thường trong trường hợp này bao gồm những tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phụ thiệt hại, thu nhập bị mất hoặc giảm sút. Những chi phí này được tính toán đối với những tổn thất thực tế, còn các thiệt hại khác không tính được bằng tiền sẽ không được bồi thường thiệt hại.
Thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội do Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền tại nơi cư trú (nơi đăng ký trụ sở chính) của cá nhân, tổ chức yêu cầu hoặc cá nhân, tổ chức bị yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp gửi đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền khi thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
Sau khi thụ lý, dựa vào chứng cứ các bên đưa ra tòa án tiến hành hòa giải giữa các bên và đưa ra quyết định có hay không trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.