Quy định về xử lý rác thải sinh hoạt. Xử lý rác thải sinh hoạt, vi phạm hành chính về môi trường.
Quy định về xử lý rác thải sinh hoạt. Xử lý rác thải sinh hoạt, vi phạm hành chính về môi trường.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư cho tôi hỏi: Gần nhà tôi có một khoảng đất rất rộng, nhưng những xe rác chở rác ra đó, chưa biết là xử lý hay phân loại hay chưa. Ban đêm hoặc sáng sớm là đốt, gây ra lượng khói rất lớn. Xin hỏi như vậy có đúng luật xử lý rác thải hay không và bị xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Tại Điều 81 Luật môi trường năm 2014 quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng như sau:
“Điều 81. Bảo vệ môi trường nơi công cộng
1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau:
a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý;
b) Bố trí công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường;
c) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng”.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
Tại Điều 88 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải như sau:
“Điều 88. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:
1. Lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải trên địa bàn.
2. Đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.
3. Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật”.
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện theo Chương III Nghị định 38/2015/NĐ-CP.
Chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phải lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm:
+ Công nghệ chế biến phân hữu cơ;
+ Công nghệ đốt;
+ Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh;
+ Các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng, sản xuất sản phẩm từ các thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt;
+ Các công nghệ khác thân thiện với môi trường.
Theo đó, đối với trường hợp của bạn. Nếu như bãi đất trống đó theo quy hoạch của địa phương bạn dùng để đổ rác, đốt rác thì sẽ không vi phạm pháp luật. Trường hợp, nếu như việc đổ rác, đốt rác ảnh hưởng tới môi trường bạn đang sinh sống thì bạn có thể liên hệ với Ủy ban nhân cấp xã của mình để có ý kiến đề xuất về việc này, để xác định việc đổ rác, đốt rác này có đúng nơi quy định về xử lý rác thải hay không.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp không đúng nơi quy định về đổ rác, đốt rác thải sẽ bị xử phạt theo Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.