Quy định về cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu. Các bước đấu thầu.
Hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển nhu cầu xây dựng các dự án ngày càng nhiều hơn, việc đấu thầu và tổ chức đấu thầu ngày càng diễn ra nhiều hơn.Trong đấu thầu việc cung cấp và đăng tải thông tin là rất cần thiết, đảm bảo sự công bằng minh bạch giữa các chủ thể tham gia và có liên quan đến việc đấu thầu đó
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định về cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu:
* Đối tượng phải cung cấp thông tin về đấu thầu (Căn cứ theo Luật đấu thầu):
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin nêu lên tại điểm g khoản 1 Điều 8 của Luật đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo đấu thầu;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin nêu tại điểm h khoản 1 Điều 8 của Luật đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
– Đối với thông tin về Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Đấu thầu 2013:
+ Bên mời thầu có trách nhiệm tự đăng tải thông tin lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7
+ Nếu trường hợp bên mời thầu chưa đủ điều kiện để tự đăng tải, bên mời thầu cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 8
– Đối với thông tin về thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời chào hàng,
+ Bên mời thầu tự đăng tải thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trường hợp nội dung thông tin do bên mời thầu tự đăng tải là hợp lệ thì Báo Đấu thầu sẽ chuyển tiếp đăng tải trên Báo Đấu thầu trong vòng 02 ngày làm việc. Trường hợp nội dung thông tin do bên mời thầu tự đăng tải không hợp lệ thì thông tin đó sẽ không có giá trị và bị gỡ bỏ khỏi Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trong trường hợp này, Báo Đấu thầu sẽ thông báo về nội dung thông tin không hợp lệ cho bên mời thầu để tự chỉnh sửa, hoàn thiện và thực hiện đăng tải lại theo quy định. Thời gian có hiệu lực của nội dung thông tin hợp lệ được tính kể từ ngày đăng tải lại lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
+ Trường hợp bên mời thầu chưa đủ điều kiện để tự đăng tải, bên mời thầu cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 8
– Nhà thầu có trách nhiệm tự cung cấp và cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình vào cơ sở dữ liệu nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 và điểm k khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu;
– Cơ sở đào tạo, giảng viên về đấu thầu, chuyên gia có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến đào tạo, giảng dạy, hoạt động hành nghề về đấu thầu của mình cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu.
* Trách nhiệm đăng tải thông tin về đấu thầu:
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin về đấu thầu;
– Thông tin hợp lệ theo quy định được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trên Báo Đấu thầu. Khi phát hiện những thông tin không hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu để các đơn vị cung cấp thông tin biết, chỉnh sửa, hoàn thiện để được đăng tải.
Tuy nhiên có một số nội dung cần lưu ý:
– Sau khi mời thầu và lựa chọn nhà thầu thì thông tin về lựa chọn nhà thầu qua mạng được bên mời thầu tự đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng phải bảo đảm hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7
– Đối với những dự án, gói thầu thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc công khai thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật nhà nước.
– Khuyến khích cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu và các phương tiện thông tin đại chúng khác đối với những gói thầu không vi phạm điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
* Các thông tin phải đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu bao gồm: (Căn cứ Điều 8 Luật Đấu thầu 2013)
– Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
– Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển;
– Thông báo mời chào hàng,
– Danh sách ngắn;
– Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
– Kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng;
– Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;
– Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu;
– Danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất (được sử đổi bởi điểm e khoản 1 Điều 99 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020);
– Cơ sở dữ liệu về nhà thầu, nhà đầu tư, chuyên gia đấu thầu, giảng viên đấu thầu và cơ sở đào tạo về đấu thầu;
– Thông tin khác có liên quan.
* Thời hạn đăng tải thông tin đấu thầu:
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 08/2022 thì thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu được chủ đầu tư (đối với dự án đầu tư phát triển), bên mời thầu (đối với mua sắm thường xuyên) đăng tải trên Hệ thống trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thông tin cơ bản về dự án được đăng tải đồng thời với kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
2. Các bước đấu thầu
Bước 1: Mời thầu:
Đầu tiên bên mời thầu cần tiến hành việc sơ tuyển nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu. Để đảm bảo tính minh bạch và sự cạnh tranh công bằng cho các nhà thầu thì hồ sơ đấu thầu cần phải minh bạch, rõ ràng, đầy đủ và chi tiết. Tiếp đến là thông báo mời thầu, để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các nhà thầu thì việc thông báo cần được công khai và đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trường hợp đấu thầu hạn chế cần phải gửi thông báo mời đăng ký dự đầu đến các nhà thầu đạt điều kiện.
Bước 2: Dự thầu:
Sau khi có thông báo mời thầu, các nhà thầu sẽ làm thủ tục và gửi hồ sơ cho bên mời thầu.
Bên mời thầu có trách nhiệm hướng dẫn cho bên tham gia dự thầu về những điều kiện dự thầu, các thủ tục được áp dụng trong quá trình đấu thầu và giải đáp những câu hỏi của bên dự thầu và quản lý hồ sơ dự thầu đặt ra. Bên mời thầu phải bảo mật hồ sơ cho bên tham gia dự thầu.
Khi tham gia dự thầu, bên dự thầu có thể phải nộp 01 khoản tiền để bảo đảm dự thầu (được thể hiện dưới hình thức đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu) theo yêu cầu mà bên mời thầu đưa ra để đảm bảo hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh dự thầu không được vượt quá 3% tổng giá trị được ước tính của hàng hóa dịch vụ đấu thầu. Bên dự thầu không được nhận lại lại tiền đặt cọc, ký quỹ tham gia dự thầu trong trường hợp rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thầu (thời điểm đóng thầu), không ký hợp đồng hoặc từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp trúng thầu. Bên nhận bảo lãnh cho bên dự thầu có nghĩa vụ bảo đảm dự thầu cho bên được bảo lãnh trong phạm vi giá trị tương đương số tiền đặt cọc, ký quỹ.
Bước 3: Mở thầu:
Mở thầu là việc tổ chức mở hồ sơ dự thầu tại thời điểm đã được ấn định hoặc trong trường hợp không có thời điểm ấn định trước thì thời điểm mở thầu là ngay sau khi đóng thầu.
Những hồ sơ dự thầu đúng hạn phải được bên mời thầu mở một cách công khai, các bên dự thầu có quyền tham dự vào quá trình mở thầu.
Những hồ sơ dự thầu nộp không đúng hạn sẽ không được chấp nhận và được trả lại cho bên dự thầu dưới dạng chưa mở, các bên dự thầu không được sửa hồ sơ sau khi đã mở thầu.
Bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu giải thích những nội dung chưa rõ trong hồ sơ dự thầu. Việc giải thích hồ sơ dự thầu phải được lập thành văn bản.
Khi mở thầu, bên mời thầu và bên dự thầu có mặt phải ký vào văn bản.
Biên bản mở thầu phải có nội dung sau đây: Tên hàng hóa, dịch vụ; ngày, giờ, địa điểm mở thầu; tên, địa chỉ của bên mở thầu, dự thầu; giá bỏ thầu của bên dự thầu; các nội dung sửa đổi, bổ sung và các nội dung có liên quan nếu có.
Bước 4: Đánh giá, so sánh hồ sơ dự thầu:
Hồ sơ dự thầu sẽ được đánh giá và so sánh theo từng địa chỉ dựa vào đó làm căn cứ đánh giá hoàn thiện. Trong thời gian đánh giá, so sánh hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu bên tham gia dự thầu giải thích rõ những vấn đề liên quan đến hồ sơ dự thầu. Yêu cầu bên mời thầu và ý kiến bên dự thầu phải được lập thành văn bản.
Bước 5: Xếp hạng, lựa chọn nhà thầu:
Căn cứ vào kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải xếp hạng, lựa chọn các bên dự thầu theo phương pháp đã được ấn định. Trong trường hợp có nhiều bên tham gia dự thầu có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì bên mời thầu có quyền chọn nhà thầu.
Bước 6: Thông báo kết quả thầu và ký kết hợp đồng:
Ngay sau khi có kết quả đấu thầu, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo kết quả đấu thầu cho các bên tham gia dự thầu. Bên mời thầu tiến hành hoàn thiện và ký kết hợp đồng với những bên trúng thầu trên cơ sở sau đây: kết quả đấu thầu; các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu; nội dung nêu trong hồ sơ dự thầu.
Tóm lại, đăng tải thông tin về đấu thầu được hiểu là hành vi của các chủ thể có thẩm quyền thực hiện việc đăng tải thông tin về đấu thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc cho cơ quan báo chí (Báo đấu thầu).