Quy định về việc áp dụng án lệ ở Việt Nam. Các trường hợp và nguyên tắc áp dụng án lệ.
Quy định về việc áp dụng án lệ ở Việt Nam. Các trường hợp và nguyên tắc áp dụng án lệ.
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014;
2. Luật sư tư vấn:
Án lệ là một hình thức của pháp luật, theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của tòa án làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “án lệ” lần đầu tiên xuất hiện trong chính sách của Đảng về cải cách pháp luật ở Việt Nam được thể hiện trong Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Nghị quyết số 48-NQ/TW có ghi rõ một trong những giải pháp về xây dựng pháp luật Việt Nam là “Nghiên cứu về khả năng khai thác và sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Tiếp theo, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 đã xác định “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Chủ đề về án lệ và định hướng áp dụng nó trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã trở thành vấn đề nóng trong nghị trường của Quốc hội nước ta trong những năm gần đây. Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 đã chính thức thừa nhận:
“Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”.
Như vậy, có thể nói án lệ bây giờ đã trở thành một thuật ngữ pháp lý chính thức được thừa nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Về việc quy định cụ thể để áp dụng trên thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình, lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, bên cạnh đó công bố 6 án lệ đầu tiên sẽ được áp dụng trong xét xử kể từ ngày 1/6/2016. Trong 6 án lệ đầu tiên có 1 án lệ hình sự – tội giết người, 2 án lệ trong lĩnh vực đất đai, 2 án lệ về thừa kế, 1 án lệ về ly hôn – giải quyết tài sản.
Hiện Việt Nam là một nước theo hệ thống luật thành văn. Do đó, văn bản quy phạm pháp luật vẫn có hiêu lực cao nhất. Án lệ, chỉ là nguồn bổ trợ cho hệ thống luật thành văn và không có giá trị hiệu lực bắt buộc thi hành. Việc sử dụng án lệ chỉ coi là thứ yếu sau khi đã áp dụng những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tuy vậy, theo quy định tại Điều 8, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP thì khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, đảm bảo các vụ việc có tình tiết, sự kiện giống nhau thì kết quả giải quyết phải như nhau.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Nguyên tắc áp dụng án lệ cũng yêu cầu, nếu áp dụng án lệ thì bản án phải nêu tính chất, tình tiết vụ việc án lệ và vụ việc đang giải quyết, vấn đề pháp lý phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ. Nếu không áp dụng án lệ, phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.
Trường hợp Luật pháp thay đổi hoặc do tình hình thực tế thay đổi khiến án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm có quyền không áp dụng án lệ và phải kiến nghị với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét hủy bỏ.
Việc áp dụng án lệ được cho là sẽ giúp việc xét xử công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng áp dụng luật mỗi nơi một kiểu. Đặc biệt, các án lệ có thể giúp khắc phục những kẽ hở mà luật thành văn chưa quy định, tạo ra tiền lệ để xét xử những vụ án tương tự sau này.
Từ đó, đảm bảo sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của các thẩm phán, các đương sự, tạo ra sự công bằng trong xã hội.