Khái quát về Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương? Quy định về Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương?
Các thành phố trực thuộc trung ương là những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước hoặc của một vùng lãnh thổ rộng lớn. Sự phát triển của các thành phố là động lực dẫn dắt, thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn, làm cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm gần đây, tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố trực thuộc trung ương đã có những đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng trọng nhiều lĩnh vực, trong đó phải đề cao vai trò của Ủy ban nhân dân. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ có những phân tích cụ thể hơn quy định của pháp luật về Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương.
Luật sư
Cơ sở pháp lý: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương?
Theo cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ luật học”, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị hành hành chính thuộc trung ương, phân chia thành các quận, huyện. Tính chất đặc thù của các thành phố trực thuộc trung ước được thể hiện ở chỗ: mật độ dân số cao, tính chất dân cư đa dạng; nơi tập trung của hầu hết các cơ quan trung ương cảu nhà nước và các tổ chức xã hội; sự gần gũi về mặt không gian của các cơ quan quản lý các cấp chính quyền thành phố, có tiềm năng kinh tế lớn, thể hiện rõ nét tính chất nhiều thành phần nền kinh tế với những diễn biến phức tạp của phát triển kinh tế,… Tính đến nay, Việt Nam đang có 05 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Nói cách khác, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, thiết chế quyền lực nhà nước ở địa phương được thiết kế, tổ chức trong mô hình chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong đó, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhan dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Hội đồng nhân dân bầu ra.
2. Quy định về Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương?
Nghiên cứu quy định của pháp luật về Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, tác giả tập trung vào 02 vấn đề lớn sau:
2.1. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Điều 41, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể:
“1. Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có không quá năm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các thành phố khác trực thuộc trung ương có không quá bốn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm có các sở và cơ quan tương đương sở.“
Dựa trên quy định này, tác giả có những phân tích như sau;
– Thứ nhất, về thành phần trong Ủy ban. Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm có:
(1) Chủ tịch (là người đứng đầu, lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cùng với tập thể ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm về hoạt động của Ủy ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và trước Chính phủ);
(2) Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (là người giúp việc cho chủ tịch, được chủ tịch phân công phụ trách những công việc hoặc lĩnh vực công việc nhất định và chịu trách nhiệm trước chủ tịch về phần công việc được giao);
(3) Ủy viên (là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Đặc biệt đối với những ngành quan trọng như kế hoạch, tài chính, tổ chức chính quyền, chủ tịch phân công cho các ủy viên phụ trách, Ủy viên chịu trách nhiệm cá nhân về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân).
– Thứ hai, về số lượng Phó chủ tịch. Việc xác định “số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.” dựa trên các yếu tố và điều kiện thực tế. Hiện nay, Ủy ban thành phố Hà Nội đang có 01 Phó Chủ tịch thường trực và 05 Phó chủ tịch. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có 05 Phó Chủ tịch.
– Thứ ba, các cơ quan chuyên môn. Với chức năng quản lý nhà nước của mình đối với các ngành, lĩnh vực ở địa phương và để bảo đảm hoạt động có hiệu quản, Ủy ban nhân dân lập ra các cơ quan chuyên môn giúp quản lý trên từng lĩnh vực, các cơ quan này được gọi là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương chịu hai chiều lệ thuộc là Ủy ban nhân dân và Bộ chủ quản (trừ một số cơ quan tổ chức theo ngành dọc). Ví dụ: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Y tế,…
2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy định tại Điều 42 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ước có 04 nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản:
Một là, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 21 của Luật này.
Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được xác định là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, thực thi trên thực tế quyền lực do nhân dân địa phương giao cho.
Ngoài tính chất là cơ quan chấp hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn được xác định là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Với tính chất là cơ quan hành chính ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống hành chính nhà nước, cũng như Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chung, chức năng quản lý hành chính nhà nước không bị giới hạn trong phạm vi ngành, lĩnh vực mà thực hiện toàn diện trên địa bàn lãnh thổ.
Với vị trí, tính chất đó, pháp luật đã ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước tương ứng với nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ví dụ: Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;….
Hai là, xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại các khoản 2, 3,4 và 5 Điều 40 của Luật này.
Đây là nhiệm vụ, quyền hạn điển hình nhất của các cấp Ủy ban nhân dân đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân, các nội dung mà Ủy ban nhân dân phải xây dựng, trình hội đồng nhân dân là những nội dung quan trọng, mang tính tổng quát, chỉ đạo, góp phần làm hoàn thiện và phát triển tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn toàn thành phố. Ví dụ: Quyết định quy hoạch về xây dựng và phát triển đô thị trong phạm vi được phân quyền; Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, phường trực thuộc;…
Ba là, thực hiện chủ trương, biện pháp tạo nguồn tài chính, huy động vốn để phát triển đô thị; xây dựng và quản lý thống nhất công trình hạ tầng đô thị theo quy định của pháp luật.
Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, huy động sự hỗ trợ của nhân dân để xây dựng và phát triển các công trình, cơ sở hạ tầng đô thị, làm thay đổi và hoàn thiện hơn các công trình phục vụ đời sống cho người dân.
Bốn là, quyết định cơ chế khuyến khích phát triển công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.
Nhiệm vụ quyền hạn này sẽ được thực hiện dựa trên sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, trong đó chủ yếu là Sở kế hoạch và Đầu tư. Nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban trong trường hợp này là “quyết định”, tức là thông qua cơ chế để đưa nó vào áp dụng trên thực tế, đảm bảo được hiệu quả trong việc huy động nhân lực và tài lực cho việc phát triển công trình hạ tầng đô thị.