Việc bảo vệ môi trường làng nghề là vấn đề rất quan trọng và được quy định cụ thể tại Luật bảo vệ môi trường. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường tại làng nghề:
Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào là làng nghề?
Làng nghề theo giải thích tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP quy định là một hoặc nhiều cụm dân cư gồm thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn như:
– Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
– Sản xuất muối.
– Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
– Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
– Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
– Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
– Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
2. Quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường tại làng nghề:
Việc bảo vệ môi trường tại làng nghề là trách nhiệm của mọi cá nhân, hộ gia đình cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
2.1. Trách nhiệm của hộ gia đình, các cơ sở sản xuất:
– Phải tiến hành xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
– Phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ.
– Thực hiện thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, với những hộ gia đình, các cơ sở không thuộc những ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề cũng cần thực hiện xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ hoặc việc thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:
Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành thực hiện các công việc sau:
– Thực hiện hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
– Tiến hành lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn.
2.3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành thực hiện các công việc sau:
– Nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, ủy ban nhân dân cấp huyện cần thực hiện chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ.
– Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề.
2.4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành thực hiện các công việc sau:
– Thực hiện bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề.
– Tiến hành chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề.
– Tiến hành chỉ đạo tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn.
– Thực hiện quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.
– Đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài thì có phương án di dời các cơ sở đó ra khỏi khu dân cư, làng nghề.
3. Phương án bảo vệ môi trường làng nghề gồm những nội dung nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 33 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định những nội dung của phương án bảo vệ môi trường làng nghề bao gồm:
– Các thông tin cơ bản của làng nghề.
– Quy mô, loại hình sản xuất của làng nghề, ví dụ như:
+ Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
+ Sản xuất muối.
+ Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
+ Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
+ Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
+ Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
+ Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
– Kế hoạch xây dựng, triển khai, vận hành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.
– Các công trình bảo vệ môi trường của làng nghề.
– Các tình trạng phát sinh khí thải, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại.
– Thông tin về chương trình quan trắc, giám sát chất thải theo quy định.
– Kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi ngành, nghề sản xuất của cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại địa phương.
– Các phương án di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu như các cơ sở, hộ gia đình đó gây ô nhiễm kéo dài trong làng nghề.
– Nhu cầu kinh phí thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề.
– Phương án tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường.
4. Những ngành nghề nào không khuyến khích phát triển ở làng nghề?
Theo khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định những ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, cụ thể gồm:
Thứ nhất, những ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường:
+ Sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu).
+ Làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại.
+ Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại.
+ Sản xuất thủy tinh (trừ loại hình sử dụng nhiên liệu khí, dầu DO).
+ Sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc từ sinh khối.
+ Sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón hóa học (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), hóa chất bảo vệ thực vật (trừ phối trộn, sang chiết).
+ Sản xuất vải, sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm, giặt mài hoặc nấu sợi).
+ Sản xuất da (có công đoạn thuộc da); thuộc da.
+ Khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên.
+ Lọc, hóa dầu.
+ Sản xuất than cốc.
+ Nhiệt điện than.
+ Khí hóa than.
+ Sản xuất xi măng.
+ Sản xuất pin, ắc quy.
+ Tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường.
+ Sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
+ Phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
+ Tái chế, xử lý chất thải nguy hại.
+ Chế biến mủ cao su.
+ Sản xuất tinh bột sắn, bột ngọt.
+ Sản xuất bia, nước giải khát có gas.
+ Sản xuất cồn công nghiệp.
+ Sản xuất đường từ mía.
+ Chế biến thủy, hải sản.
+ Giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp.
+ Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp.
+ Sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử.
Thứ hai, những ngành, nghề sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu hoặc hóa chất dễ cháy, dễ nổ, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật về hóa chất.
Thứ ba, những ngành, nghề sản xuất không thuộc ngành nghề nông thôn.
Thứ tư, những ngành nghề sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Lưu ý: với những cơ sở có hoạt động sản xuất ngành nghề gây ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài; vi phạm các quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật sẽ được coi là những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Với những cơ sở hoạt động trên, cơ quan cấp tỉnh sẽ có kế hoạch và phương án tiến hành di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi làng nghề.
Quá trình thực hiện di dời được Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rà soát, sau đó lập danh sách cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tiếp theo, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét và ra kế hoạch di dời các cơ sở, hộ gia đình như trên ra khỏi làng nghề để nhằm bảo đảm môi trường tại làng nghề.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH Luật bảo vệ môi trường.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật bảo vệ môi trường.
Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.