So với quy định về tội trộm cắp tài sản của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm mới: bỏ hình phạt tù chung thân, bãi bỏ tình tiết chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, bổ sung một số tình tiết định tội.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội trộm cắp tài sản giai đoạn từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước khi Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực:
- 2 2. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 về tội trộm cắp tài sản:
- 3 3. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội trộm cắp tài sản:
- 4 4. Điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội trộm cắp tài sản:
1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội trộm cắp tài sản giai đoạn từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước khi Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực:
Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 đã đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với thắng lợi mang ý nghĩa Chính trị lịch sử này, bên cạnh việc hình thành một nhà nước kiểu mới thì đồng thời cũng đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp nói chung và lập pháp hình sự nói riêng.
Trong giai đoạn đầu khi nhà nước mới thành lập phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách đến từ nhiều phía, chính vì vậy để điều chỉnh quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ PLHS nói riêng. Nhà nước ta đã ban hành sắc lệnh số 47–SL ngày 10/10/1945, tạm thời giữ lại các luật lệ cũ tại ba miền cho đến khi ban hành các văn bản pháp luật mới để điều chỉnh các quan hệ trên với điều kiện không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa.
Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, luật cũ có nhiều quy định không thích hợp. Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản PLHS quan trọng để xử lý hành vi trộm cắp tài sản như: Sắc lệnh số 12–SL ngày 12/3/1948 quy định trừng trị các hành vi trộm cắp vật dụng nhà binh trong thời bình và thời kỳ chiến tranh, Nghị định số 32–NĐ ngày 06/4/1952 của Bộ tư pháp quy định đường lối xét xử các tội trộm cắp, lừa đảo, biển thủ tài sản; Thông tư số 01–BK ngày 14/12/1949 của liên Bộ nội vụ, Quốc phòng, Tư pháp ấn định phương pháp đối phó với các vụ trộm cắp tại nơi có chiến sự.
Ví dụ: Sắc lệnh số 12–SL ngày 12/3/1948 quy định trừng trị các hành vi trộm cắp vật dụng nhà binh trong thời bình và thời kỳ chiến tranh, có quy định: “Trong thời bình, tội ăn cắp, lấy trộm các đồ quân giới, quân trang, quân dụng nói tóm lại các vật dụng nhà binh, bị phạt theo điều khoản của hình luật chung” .
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Để góp phần vào việc bảo vệ sự nghiệp xây dựng kinh tế và văn hoá mới, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành một số văn bản điều chính về hành vi trộm cắp tài sản như: Thông tư 442–TTg ngày 19/1/1955 của Thủ tướng Chính phủ, quy định thống nhất một số tội phạm, trong đó có tội trộm cắp tài sản:
1. Trộm cắp: phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. Trường hợp trộm có tổ chức, có bạo lực, có dùng vũ khí để dọa nạt thì phạt tù từ 03 đến 10 năm.”.
Điểm đặc biệt của Thông tư này là tại mục 4 cho phép áp dụng tương tự, có nghĩa là nếu ngoài tội trộm cắp tài sản, đối với những tội tương tự với tội trộm cắp, các Toà án có thể phạt theo như tội đó.
Do yêu cầu khách quan của việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngày 21/10/1970, Nhà nước ta đã thông qua hai Pháp lệnh mới, trên tinh thần pháp điển hóa các văn bản pháp luật trước đó quy định về tội trộm cắp tài sản nói riêng và các tội xâm phạm sở hữu nói chung. Đó là: Pháp lệnh số 149–BCT ngày 21/10/1970 về trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh số 150–LCT ngày 21/10/1970 về trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân.
Trong đó, tội trộm cắp được quy định tại hai pháp lệnh với tên tội danh là tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và tội trộm cắp tài sản riêng của công dân. Cụ thể: Điều 7, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, như sau:
“1. Kẻ nào trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.:
a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm;
b) Có tổ chức;
c) Có móc ngoặc;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Trộm tài sản với số lượng lớn hoặc tài sản có giá trị đặc biệt;
e) Dùng tài sản trộm cắp vào việc kinh doanh, bóc lột, đầu cơ hoặc vào những việc phạm tội khác;
3. Phạm tội trong trường hợp số tài sản bị xâm phạm rất lớn hoặc có nhiều tình tiết nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc bị xử tử hình” .
Điều 6, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân quy định tội trộm cắp tài sản riêng của công dân, như sau:
“1. Kẻ nào trộm cắp tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Phạm tội trong những trường hợp sau đây: a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; d) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.
- Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm” .
Việc ban hành song song hai bản Pháp lệnh thời điểm này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ không những đối với tài sản nhà nước, của hợp tác xã, mà cả đối với tài sản riêng của công dân, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc.
Tóm lại, sơ lược giai đoạn luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến trước khi nhà nước ta ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985, tội trộm cắp tài sản đã được quy định tại nhiều văn bản đơn lẻ khác nhau. Đặc biệt với sự ra đời của Pháp lệnh số 149–LCT về trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh số 150–LCT về trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, Nhà nước ta đã xây dựng được hai cấu thành tội phạm về tội trộm cắp tài sản trong đó quy định riêng biệt về trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và trộm cắp tài sản riêng của công dân. Tuy nhiên, các quy định trên vẫn còn nằm tản mạn nhiều văn bản, quy định vẫn chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn khi áp dụng.
2. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 về tội trộm cắp tài sản:
Bộ luật Hình sự năm 1985 là Bộ luật Hình sự đầu tiên của nhà nước ta, có hiệu lực từ ngày 1/1/1986, đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong lịch sử lập pháp hình sự của đất nước. Trong Bộ luật Hình sự năm 1985, tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa được quy định tại Điều 132, Chương 4 (có mức hình phạt cao nhất là tử hình) và tội trộm cắp tài sản của công dân quy định tại Điều 155, Chương 6 của Bộ luật Hình sự năm 1985 (có mức hình phạt cao nhất là tù hai mươi năm).
“Điều 132. Tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa 1. Người nào trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Hành hung để tẩu thoát; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Về tội trộm cắp tài sản của công dân được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự: “Điều 155. Tội trộm cắp tài sản của công dân
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát;
c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;
d) Tái phạm nguy hiểm
3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 20 năm”.
Ngoài hình phạt tử hình, hình phạt tù (có thời hạn và chung thân), thì nhà làm luật còn quy định việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, nhằm mở rộng hơn nữa các chế tài hình sự áp dụng với người phạm tội, phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm trong từng hành vi, thuận lợi cho việc quyết định hình phạt.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, Bộ luật Hình sự năm 1985 đã được Quốc hội nước ta bốn lần sửa đổi, bổ sung (vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997) những lần sửa đổi, bổ sung này chủ yếu nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh đối với một số loại tội phạm nhất định, trong đó bổ sung thêm quy định về một tình tiết định khung tăng nặng TNHS đối với người phạm tội vào điểm b khoản 2 Điều 155 tội trộm cắp tài sản của công dân, đó là “có tính chất chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, trong thời gian này chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết phạm tội “có tính chất chuyên nghiệp”.
Tóm lại, Bộ luật Hình sự năm 1985 ra đời đã đánh dấu một bước phát triển trong kỹ thuật lập pháp, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nhà nước ta đã xây dựng được cơ sở pháp lý thống nhất để truy cứu TNHS hành vi trộm cắp tài sản, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân cũng như hiệu quả của công tác đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1985 được ban hành trong thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp, có sự phân biệt rõ ràng trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân, và sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung thì Bộ luật Hình sự năm 1985 đã không còn là một chỉnh thể thống nhất; đồng thời, quy định của Bộ luật Hình sự về tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và công dân vẫn còn giản đơn, chưa rõ ràng (chưa xác định ngay trong CTTP giá trị tài sản bị chiếm đoạt để truy cứu TNHS), gây khó khăn trong việc áp dụng, đòi hỏi phải được sửa đổi một cách toàn diện.
3. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội trộm cắp tài sản:
Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2000. Bộ luật Hình sự năm 1999 đã gộp hai chương xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự năm 1985 thành một chương và tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138.
Như vậy, so với Bộ luật Hình sự năm 1985 thì Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về tội trộm cắp tài sản. Cụ thể:
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hợp nhất hai điều luật về tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 132) và tội trộm cắp tài sản của công dân (Điều 155) của Bộ luật Hình sự năm 1985 thành một điều luật quy định về tội trộm cắp tài sản (Điều 138). Đồng thời, để đáp ứng đường lối xử lý người phạm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tình tiết tăng nặng mới “Xâm phạm tài sản nhà nước“.
Thứ hai, khi quy định về tội trộm cắp tài sản, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS theo các khoản khác nhau của Điều 138 Bộ luật Hình sự. Điều này tạo thuận lợi cho các chủ thể áp dụng pháp luật khi định tội danh và quyết định hình phạt.
Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định bốn khung hình phạt so với ba khung hình phạt trước đây như quy định của Điều 132 và Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1985. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa mức tối đa và mức tối thiểu của một khung hình phạt và tạo cơ sở pháp lý cho việc truy cứu TNHS chuẩn xác hơn.
Thứ tư, Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã xác định ranh giới giữa trường hợp hành vi vi phạm pháp luật hành chính với trường hợp phạm tội. Người lấy tài sản của người khác có giá trị dưới 500.000 đồng và hành vi này không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người đó chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Thứ năm, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về hình phạt bổ sung bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời kỳ mới, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung một lần vào năm 2009, xác định lại ranh giới giữa trường hợp hành vi vi phạm pháp luật hành chính với trường hợp phạm tội cụ thể: Người lấy tài sản của người khác có giá trị dưới 2.000.000 đồng và hành vi này không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người đó chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Tóm lại, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về tội trộm cắp tài sản khá chặt chẽ, phù hợp với tình hình phát triển thời điểm đó. Tuy nhiên, kể từ sau khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi to lớn về mọi mặt, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhiều quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (trong đó có tội trộm cắp tài sản) đã không còn phù hợp, đòi hỏi cần được sửa đổi.
4. Điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội trộm cắp tài sản:
So với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, thì Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm mới sau:
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tù chung thân, khung hình phạt cao nhất tội này đến 20 năm tù. Quy định này nhằm góp phần tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp được khẳng định tại Nghị quyết số 49–NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ hai, bãi bỏ tình tiết chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng là điều kiện cấu thành tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999; bãi bỏ các tình tiết định khung (Gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng) quy định tại điểm d khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Thứ ba, về yếu tố cấu thành tội phạm, thì đồng thời với việc bổ sung hai tình tiết định tội: c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật, Bộ luật Hình sự không quy định hành vi trộm cắp tài sản của người khác có giá trị dưới 2.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây là phạm tội: Một là, đã bị xử phạt hành chính về hành vi tham ô tài sản hoặc hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm; Hai là, đã bị kết án về tội tham ô tài sản hoặc tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thứ tư, bổ sung 01 tình tiết định khung mới:
+ Khoản 2 bổ sung tình tiết: Tài sản là bảo vật quốc gia.
+ Khoản 3 bổ sung tình tiết: Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
+ Khoản 4 bổ sung tình tiết: Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.