Tội mua bán người là gì? Quy định về tội mua bán người theo Bộ luật hình sự năm 2015? Hành vi mua bán người bị xử lý như thế nào?
Tội phạm mua bán người đang là mối quan ngại sâu sắc của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển trong quy mô phạm tội, tinh vi trong hành vi phạm tội khiến cho tội phạm này ngày càng khó bị phát hiện và xử lý. Dưới góc độ của pháp luật hình sự Việt Nam, tác giả tập trung phân tích quy định về tội mua bán người và hình phạt áp dụng đối với tội mua bán người.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Tội mua bán người là gì?
Tội phạm là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xuất hiện cùng sự ra đời của nhà nước và pháp luật, cũng như xã hội phân chia giai cấp đối kháng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, Nhà nước đã quy định những hành vi nào là tội phạm và áp dụng TNHS và hình phạt đối với người đã thực hiện hành vi đó. Dưới góc độ pháp luật, theo quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 thì:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải xử lý hình sự. Mua bán người là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội được toàn nhân loại phản đối, lên án rất mạnh mẽ. Tội mua bán người làm rối loạn tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm nhân quyền. Để lại hậu quả nặng nề cả về sức khỏe và tinh thần của con người. Tuy có những đặc điểm chung của một loại hình tội phạm nhưng quan niệm về tội mua bán người ở mỗi quốc gia so với các quy định của quốc tế có sự khác biệt, tùy vào mức độ rộng hẹp và cách hiểu khác nhau.
Theo Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 đưa ra khái niệm:
Buôn bán người là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hay lạm dụng quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người để kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột bao gồm: việc bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể.
Các văn bản quy phạm pháp luật về Phòng chống mua bán người của Việt Nam từ trước đến nay, kể cả Luật phòng chống mua bán người năm 2011 và BLHS đều không có định nghĩa về mua bán người mà quy định cụ thể về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Theo quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội mua bán người (Điều 150), tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) và Nghị quyết số 02/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều 150 và Điều 151 thì có thể thấy Khái niệm về tội mua bán người ở Việt Nam không còn bó hẹp như trước đây mà đã được mở rộng, phù hợp với Luật mua bán người năm 2011 và tiếp cận với định nghĩa buôn bán người của Nghị định thư về phòng chống mua bán người, theo đó, Mua bán người được hiểu bao gồm cả ba yếu tố: (1) Hành vi; (2) Phương thức, thủ đoạn; (3) Mục đích phạm tội.
Khác với Nghị định thư sử dụng thuật ngữ quốc tế là “buôn bán người”, pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “mua bán người” để mô tả hành vi này, theo đó “mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi người (Từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa”. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2009 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 11/01/2019 thì:
1. Mua bán người là thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
c) Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
d) Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
đ) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này.
2. Mua bán người dưới 16 tuổi là thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
c) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
d) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
đ) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này.
Trên cơ sở quan niệm, quy định nói trên có thể thấy rằng việc xem xét, đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mua bán người là cần căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm của các hành vi phạm tội. Từ đó, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, có thể khái niệm: “Tội mua bán người là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm mua hoặc bán người vì lợi ích cá nhân hoặc vì mục đích khác và phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS”.
Theo Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc năm 2000:
“Buôn bán người” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể;
– Sự chấp thuận của một nạn nhân của việc buôn bán người đối với sự bóc lột có chủ ý được nêu ra trong Khoản (a) của điều này là không thích đáng nếu bất kỳ cách thức nào nêu trong Khoản (a) đã được sử dụng.
– Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là “buôn bán người” ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được nói đến trong Khoản (a) điều này;
Tham khảo các điều ước quốc tế cho thấy, thuật ngữ “buôn bán người” thường được sử dụng hơn là thuật ngữ “mua bán người”.
Khái niệm mua bán người ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa quan niệm rằng: “Mua bán người là những hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác như vàng, ngoại tê,… để trao đổi mua bán người như một thứ hàng hóa.”; theo TS, Trần Văn Biên thì “Mua bán người được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thành toán khác để trao đổi lấy người hoặc ngược lại để thu lợi bất chính.”
Tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, đã xác định hành vi mua bán người như sau: “Mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa, cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
– Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua.
– Mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào.
– Dùng người là tài sản để trao đổi, thanh toán.
– Mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích phát luật khác.
– Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán người được hướng dẫn tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người.”
Dưới góc độ khao học, tội mua bán người được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, gây tổn hại hoặc đe dọa đến quyền bất khả xâm phạm, tự do thân thể, nhân phẩm của con người.
2. Quy định về tội mua bán người:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội mua bán người như sau:
Điều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b Khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b Khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
* Các dấu hiệu pháp lý về tội mua bán người.
Về khách thể của tội mua bán người: Tội phạm mua bán người xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của con người khi coi con người như hàng hóa để trao đổi trên thị trường. Đối tượng tác động của tội phạm mua bán người là người từ đủ 16 tuổi trở lên (bao gồm cả nữ giới và nam giới)
Về chủ thể của tội mua bán người: Chủ thể thực hiện phạm tội là chủ thể thường, nghĩa là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 Điều 150 Bộ luật hình sự.
Về mặt khách quan của tội mua bán người: Những biểu hiện bên ngoài đó bao gồm: hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội; hậu quả nguy hiểm cho xã hội cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội như công cụ, phương tiện, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tôi,…
– Hành vi khách quan của tội mua bán người: hành vi khách quan của tội mua bán người được quy định trong cấu thành cơ bản tại các điểm a, b, c, Khoản 1 Điều 150, bao gồm:
+ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Hành vi này về cơ bản giống với quy định của BLHS năm 1999, theo đó người phạm tội đã có hành vi chuyển giao và tiếp nhận người vì mục đích lợi nhuận.
+ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Hành vi của người phạm tội có thể là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận với mục đích:
Bóc lột tình dục: được hiểu là ép buộc người khác bán dâm, làm đối tượng để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm hoặc làm nô lệ tình dục.
Cưỡng bức lao động: là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ.
Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: là trường hợp nhằm lấy một phần của cơ thẻ được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của người khác.
Vì mục đích vô nhân đạo khác: theo tác giả, mục đích vô nhân đạo có thể được hiểu là những mục đích tàn ác, dã man hoặc đồi trụy như để dùng vào việc làm thí nghiệm,…
+ Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
– Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi mua bán người: là con người bị đem ra mua bán, trao đổi như hàng hóa, danh dự, nhân phẩm bị chà đạp,…
– Thủ đoạn pháp tội: Nếu như trong
+ Thủ đoạn dùng vũ lực: người phạm tội dùng sức mạnh thể chất làm tê liệt sự kháng cự của nạn nhân nhằm thực hiện hành vi khách quan.
+ Thủ đoạn đe dọa dùng vũ lực: Là thủ đoạn làm cho ý chí của nạn nhân bị tê liệt, từ đó buộc họ phải làm theo những yêu cầu của người phạm tội mà không dám kháng cự.
+ Thủ đoạn lừa gạt: người phạm tội đã có hành vi gian dối với nạn nhân để nhằm làm nạn nhân tin tưởng như dụ dỗ nạn nhân để lấy làm vợ, hoặc giới thiệu việc làm lương cao,..
+ Thủ đoạn khác: hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là thủ đoạn khác, tuy nhiên có thể hiệu quy định này nhằm bao quát những thủ đoạn ngoài những thủ đoạn trên màn người phạm tội có thể sử dụng để thực hiện hành vi khách quan của tội phạm như lợi dùng quyền lực, lợi dùng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân, ép buộc người lệ thuộc mình,…
Về mặt chủ quan của tội buôn người: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích phạm tội được quy định là dấu hiệu cảu cấu thành tội phạm cơ bản của tội mua bán người có thể là để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phân cơ thể người hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3. Hành vi mua bán người bị xử lý như thế nào?
Điều 150 quy định 03 khung hình phạt:
– Phạm tội theo Khoản 1: Đây là cấu thành cơ bản quy định mức hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Mức hình phát này áp dụng cho những người không có tình tiết định khung tăng nặng.
– Phạm tội theo Khoản 2: Cấu thành tăng nặng quy định mức hình phạt từ 8 năm đến 15 năm. Mức hình phạt này áp dụng cho những người phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng.
– Phạm tội theo Khoản 3: Cấu thành tăng nặng quy định mức hình phạt tù từ 12 đến 20 năm.
Cùng với hình phạt chính là hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.