Ngày công tính lương cho người lao động được quy định thế nào? Cách tính lương cho người lao động, cách xác định ngày công áp dụng tính lương.
Tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập mà có thể biểu hiện bằng tiền và được ấn định bằng thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, hoặc bằng pháp luật, pháp quy Quốc gia, do người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo
Căn cứ pháp lý:
– Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH
– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP
Nội dung tư vấn:
Mục lục bài viết
1. Tiền lương là gì? Ý nghĩa của tiền lương:
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019 thì tiền lương được định nghĩa là:
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Như vậy, ta có thể hiểu tiền lương là khoản thù lao mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và điều kiện lao động, được xác định theo sự thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Ý nghĩa của tiền lương:
Thứ nhất tiền lương là động lực để phát triển kinh tế. Tiền lương là khoản thu nhập nhằm duy trì cuộc sống của bản thân và gia đình người lao động, là động lực để người lao động phát huy tinh thần, nâng cao năng suất lao động góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp và Nhà nước. Do đó, để đảm bảo duy trì năng suất lao động và sự sáng tạo không ngừng đó thì mức tiền lương trả cho người lao động phải đảm bảo không chỉ đủ để thanh toán cho các chi phí sinh hoạt thông thường mà giúp người lao động nâng cao đời sống, nâng cao trình độ và tham gia vào các hoạt động của xã hội
Thứ hai, tiền lương là một khoản tích lũy mà người lao động sự phòng cho cuộc sống lâu dài. Hiện nay, mỗi người có nhiều nguồn thu nhập khác nhau để tiết kiệm, nhưng tiền lương vẫn là biện pháp chủ yếu để dự phòng cho tương lai.
Thứ ba, tiền lương còn có chức năng đảm bảo sự ổn định việc làm, ổn đinh và cải thiện đời sống,… cho người lao động hạn chế tình trạng thất nghiệp và các tệ nạn xã hội, ổn định điều tiết thị trường lao động
Do đó tiền lương là rất quan trong đối với người lao động cũng như xã hội. Nhưng các thức tính lương được thực hiện như thế nào?
2. Các khoản lương và phụ cấp lương:
Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;
Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
3. Quy định về cách tính và hình thức trả lương theo quy định của pháp luật:
Hình thức trả lương theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán như sau:
a) Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, cụ thể:
a1) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc;
a2) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
a3) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
a4) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
b) Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
c) Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
2. Tiền lương của người lao động theo các hình thức trả lương quy định tại khoản 1 Điều này được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động.
Căn cứ các hình thức trả lương nêu trên, tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động lựa chọn hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả gắn với kết quả công việc, khuyến khích người lao động nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể.
Căn cứ vào quy định này thì sẽ có 3 hình thức trả lương như sau:
+ Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ;
+ Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao;
+ Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể. Việc lựa chọn hình thức trả lương hợp lý có tác dụng sử dụng hiệu quả lao động phù hợp cới tính chất công việc, đặc thù của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích người lao động sử dụng thời gian làm việc hợp lý và có hiệu quả.
Luật sư tư vấn cách tính ngày công tiền lương: 1900.6568
4. Cách tính ngày công của người lao động:
Tiền lương một ngày trong tháng sẽ được tính bằng cách lấy số tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong một tháng mà doanh nghiệp đã lựa chọn đã được quy định trong nội quy lao động, hợp đồng lao động. Chỉ cần bảo đảm người lao động được nghỉ 1 tháng ít nhất 04 ngày.
Về số ngày công tối đa được sử dụng để chia bình quân tính lương, theo quy định tại Điểm a khoản 4 điều 14 Thông tư 47/2015/TT-BLDTBXH hướng dẫn điểm c khoản 1 điều 22
“c) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày”
Về thời gian làm việc, người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.