Trước những diễn biến phức tạp của xã hội, các cấp và các ngành ngày càng coi trọng quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Vậy thì, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân các cấp?
Mục lục bài viết
1. Quy định về tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân các cấp:
1.1. Mục đích của việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân các cấp:
Thứ nhất, tiếp nhận các thông tin kiến nghị phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan đơn vị. Đây là sự thể hiện bản chất dân chủ, “nhà nước của dân, do dân và vì dân” của Nhà nước ta, đây cũng là một bước cụ thể hoá quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận về các vấn đề chung của cả nước và địa phương, điều này thể hiện phương châm của Đảng và Nhà nước ta là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Thứ hai, tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo của công dân là nhằm bảo đảm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Hiến pháp quy định. Mặt khác nó cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông qua việc tiếp công dân sẽ giúp cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan đơn vị đạt được hiệu quả cao.
Thứ ba, việc tiếp công dân cũng nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Nội dung này thể hiện rõ yêu cầu mang tính bắt buộc đặt ra với các cơ quan Nhà nước với cán bộ, công chức Nhà nước trong quan hệ công dân; đó là phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, tận tuy phục vụ nhân dân và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Đồng thời điều này cũng là để khắc phục những hạn chế cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; qua đó tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật nói chung; pháp luật khiếu nại và tố cáo nói riêng đối với quần chúng nhân dân.
1.2. Trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tiếp công dân:
Căn cứ theo Điều 9 và Điều 10 của Thông tư 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc quy định quy trình tiếp công dân, có ghi nhận về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tiếp công dân, cụ thể như sau:
Thứ nhất, người đứng đầu của các cơ quan và đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân sẽ có trách nhiệm như sau:
– Trực tiếp thực hiện hoạt động tiếp công dân để có thể lắng nghe và giải quyết những nhu cầu nguyện vọng của công dân, chỉ đạo quá trình giải quyết các khiếu nại và tố cáo, phản ánh của công dân theo thẩm quyền của mình;
– Có trách nhiệm trong việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột suất theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm trong việc tiến hành các hoạt động kiểm tra và đôn đốc việc xử lý sau quá trình tiếp công dân của các cơ quan và đơn vị;
– Sau quá trình tiếp công dân, nếu nhận thấy vụ việc đã rõ ràng và cụ thể, nhu cầu và nguyện vọng của công dân là có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thì cần phải trả lời ngay bằng văn bản cho công dân, nếu như xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp cần phải xem xét thêm thì nói rõ thời gian giải quyết và chủ thể cần phải liên hệ để công dân đến nhận kết quả;
– Kết thúc quá trình tiếp công dân, cần phải đưa ra thông báo kết luận về việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, trách nhiệm của Ban tiếp công dân, công chức hoặc viên chức được giao nhiệm vụ giúp người đứng đầu các cơ quan tiếp công dân, và các đơn vị khác có liên quan, được quy định như sau:
– Sắp xếp việc tiếp công dân cho người đứng đầu cơ quan và thông báo cho các đơn vị có liên quan biết về việc tiếp công dân, ưu tiên những vụ việc khiếu nại và tố cáo liên quan đến nhiều người, những vụ việc mang tính phức tạp và kéo dài;
– Cử người ghi chép nội dung trong quá trình tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật và ghi đúng sự thật;
– Chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong quá trình thực hiện việc tiếp công dân;
– Cử lãnh đạo cơ quan và đơn vị cùng tiếp công dân để thực hiện những yêu cầu do người đứng đầu đơn vị tiếp công dân giao phó;
– Cử các công chức hoặc viên chức ghi chép nội dung trong quá trình tiếp công dân và ghi nhận các thông tin, tài liệu do công dân cung cấp, lưu giữ những thông tin đó;
– Chuẩn bị đầy đủ những thông tin và tài liệu có liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại hoặc tố cáo, liên quan đến quá trình kiến nghị và phản ánh mà người đứng đầu cơ quan sẽ tiếp công dân;
– Kết thúc quá trình tiếp công dân thì các đơn vị có liên quan cần phải chịu trách nhiệm giúp người đứng đầu cơ quan chuẩn bị văn bản trả lời công dân theo đúng quy định của pháp luật.
2. Trình tự và thủ tục tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân các cấp:
Bước 1: Đón tiếp và xác nhận thân nhân của công dân. Người đón tiếp sẽ cần phải yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân, trong trường hợp được ủy quyền thì cần phải yêu cầu suất trình
Bước 2: Lắng nghe và ghi chép nội dung mà công dân phản ánh, yêu cầu công dân cung cấp và tài liệu chứng cứ kèm theo. Nếu xét thấy đơn khiếu nại của công dân chưa đầy đủ thì người tiếp nhận cần phải yêu cầu công dân viết lại hoặc bổ sung những nội dung còn thiếu. Sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị công dân ký tên vào văn bản. Đối với trường hợp nhiều người đến phản ánh về cùng một nội dung thì người tiếp nhận công dân sẽ hướng dẫn họ cử ra người đại diện để trình bày về nội dung mà mình phản ánh. Trường hợp có nhiều nội dung khác nhau thì người tiếp nhận công dân sẽ hướng dẫn công dân tách riêng từng vụ việc để đơn vị có thẩm quyền giải quyết một cách rõ ràng.
Bước 3: Tiến hành các hoạt động phân loại và xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân tại nơi tiếp công dân. Về cách thức thực hiện, công dân có thể đến trụ sở và địa điểm tiếp công dân trên địa bàn mà mình đang sinh sống và cư trú. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ở đây được xác định là:
– Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Khi đi thì công dân sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ như:
– Đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ảnh hoặc văn bản ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, có chữ ký hoặc điểm chỉ của công dân theo đúng quy định của pháp luật;
– Các giấy tờ và tài liệu khác do công dân cung cấp để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp hoặc giấy tờ do người tiếp công dân yêu cầu bổ sung.
3. Một số ý nghĩa trong hoạt động và công tác tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân các cấp:
Có thể nói, công tác tiếp công dân tại trụ sở cơ quan nhà nước có thẩm quyền phản ánh một số vai trò và ý nghĩa như sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần phát huy bản chất “nhà nước của dân, do dân, vì dân” của Nhà nước ta. Việc tiếp công dân là thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân. Làm tròn trách nhiệm này là sự tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân của cơ quan nhà nước, đồng thời có tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của nhân dân, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân với các cơ quan Nhà nước. Thông qua công tác tiếp công dân, giúp cho Đảng và nhà nước luôn luôn gần gũi với nhân dân, lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, giải đáp kịp thời những vướng mắc trong nhân dân.
Thứ hai, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, tranh thủ trí tuệ của nhân dân, huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; đảm bảo về một thiết chế cho việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ công chức nhà nước. Từ đó giúp cho các cơ quan Nhà nước kiểm tra, đánh giá phát hiện xử lý kịp thời các khuyết điểm, hạn chế của cán bộ công chức thái hoa biến chất, tham nhũng, tiêu cực … góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh …
Thứ ba, thông qua công tác tiếp công dân còn tạo ra động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan tô chức, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của mình, từ đó có những bổ khuyết thích hợp, kịp thời.
Thứ tư, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ nhằm khắc phục hạn chế một bước khiếu nại, tố cáo tràn nan, vượt cấp, cũng như nhiều bất cập khác của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kinh nghiệm cho thấy làm tốt công tác tiếp công dân là tiền để thuận lợi cho việc thụ lý, thẩm tra, xác minh, giải quyết nhanh chóng và có chất lượng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Tiếp công dân năm 2013;
– Thông tư 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc quy định quy trình tiếp công dân.