Doanh nghiệp Nhà nước là gì? Tiền lương là gì? Quy định về tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước? Hình thức trả lương của doanh nghiệp Nhà nước?
Doanh nghiệp Nhà nước là gì? Quy định về tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? Hình thức trả lương ra sao? Để trả lời tất cả các câu hỏi trên đây mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Doanh nghiệp Nhà nước là gì?
– ” Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” theo quy định tại Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020.
– Từ khái niệm này, có thể thấy doanh nghiệp Nhà nước có những đặc điểm cơ bản sau đây:
+ Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước (vốn Nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp)
+ Doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm công ty Nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
+ Doanh nghiệp Nhà nước có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó về mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (chế độ trách nhiệm hữu hạn)
+ Doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, lấy thu bù chi và phải đảm bảo lãi để tồn tại và phát triển
– Khái niệm về doanh nghiệp Nhà nước theo cách hiểu trong Luật Doanh nghiệp 2020 không bị giới hạn bởi việc quản lý của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu duy nhất. Doanh nghiệp Nhà nước cũng không đương nhiên mang thuộc tính phải thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội do Nhà nước giao. Quan điểm về doanh nghiệp Nhà nước như vậy cho phép mở rộng đến mức tối đa có thể có của doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm không chỉ các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn, mà còn có các doanh nghiệp ở đó Nhà nước chỉ nắm giữ một phần vốn, có hình thức quản lý công ty.
2. Tiền lương là gì?
– Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. (Điều 90 Bộ luật Lao động 2019)
– Tiền lương của người lao động do hai bên người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả lương theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Tuy nhiên mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
+ Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội;Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
– Người sử dụng lao động phải đảm bảo trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
3. Quy định về tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước?
– Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hay 50% vốn Nhà nước thì về mặt bản chất đơn vị vẫn là doanh nghiệp nên tiền lương của người lao động sẽ do sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua hợp đồng.
– Tuy nhiên Tại Điều 4 Nghị định 52/2016/NĐ-CP có quy định về tiền lương đối với người quản lý công ty, người quản lý công ty không chuyên trách của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% cổ phần như sau:
“1. Tiền lương đối với người quản lý công ty chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, có khống chế mức hưởng tối đa và bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương của người lao động trong công ty.
2. Thù lao đối với người quản lý công ty không chuyên trách tại công ty được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách; đối với người quản lý công ty được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì Khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty. Phần còn lại (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.
3. Quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý công ty được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động, do công ty xây dựng và trình chủ sở hữu phê duyệt. Hàng tháng, người quản lý công ty được tạm ứng bằng 80% của số tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó; số 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm.
4.Tiền lương, thù lao của người quản lý công ty được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được thể hiện thành một mục trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
5. Tiền thưởng của người quản lý công ty được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm, phần còn lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
6. Đối với trường hợp Chủ tịch công ty kiêm Tổng Giám đốc, Giám đốc thì chỉ được nhận tiền lương của một chức danh cao nhất.
7. Tiền lương, tiền thưởng, thù lao của Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên xác định theo quy định tại Nghị định này, sau khi trừ khoản phải nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản khác theo quy định của pháp luật để trích nộp cho cơ quan bảo hiểm, công ty nộp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để hình thành quỹ chung và chi trả cho Kiểm soát viên theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với Kiểm soát viên tài chính tại tập đoàn kinh tế nhà nước thì nộp cho Bộ Tài chính để đánh giá, chi trả.
4. Hình thức trả lương của doanh nghiệp Nhà nước:
– Người sử dụng lao động có quyền chọn các hình thức trả lương theo thời gian (giờ, ngày, tuần, tháng), theo sản phẩm, theo khoán. Dựa vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương nhưng phải duy trì hình thức trả lương đã chọn trong một thời gian nhất định và phải thông báo cho người lao động biết.
+ Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, cụ thể:
+ Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc.
+ Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.
+ Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
+ Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
+ Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
+ Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
– Tiền lương của người lao động theo các hình thức trả lương nêu trên được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động.