Pháp luật Việt Nam quy định về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài như thế nào? Có các trường hợp chia di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài nào? Thủ tục nhận thừa kế có yếu tố nước ngoài được quy định ra sao? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp những thắc mắc trên.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật Việt Nam về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài:
Tại Điều 663 Bộ luật dân sự 2015, thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ thừa kế có ít nhất một bên chủ thể là cá nhân, pháp nhân nước ngoài hoặc căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài hoặc tải sản thừa kế ở nước ngoài
Theo đó, ta có thể thấy quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài được căn cứ vào các yếu tố sau:
+ Có ít nhất một bên hoặc hai bên tham gia quan hệ thừa kế là người nước ngoài hoặc pháp nhân nước ngoài
+ Đối tượng của quan hệ thừa kế là di sản ở nước ngoài
+ Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế xảy ra ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài
- Thừa kế động sản có yếu tố nước ngoài
– Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế thì thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Tức là các vấn đề về thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế, nội dung di chúc ,.. đều sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Do đó, công dân có quốc tịch Việt Nam dù chết tại nước nào thì cũng sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để chia thừa kế đối với động sản.
– Tuy nhiên nếu công dân nước ngoài để lại di sản là động sản trên lãnh thổ Việt nam và quan hệ thừa kế xảy ra tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng mà phải áp dụng pháp luật nước ngoài đó có quốc tịch để chia tài sản thừa kế là động sản
+ Ví dụ: Anh A là người nước ngoài có nhiều tài sản là động sản tại Việt Nam, anh A có vợ và con là người nước ngoài, hiện đang sống tại nước ngoài. Anh A trước khi chết đã lập di chúc để lại di sản thừa kế cho vợ và con của mình. Do đó, các vấn đề về thời điểm mở thừa kế, nội dung di chúc, người hưởng di sản,… đều được áp dụng theo pháp luật của nước mà ông A đang có quốc tịch. Tuy nhiên về thủ tục liên quan đến chia di sản thừa kế vẫn sẽ phải tuân thử các quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thừa kế bất động sản có yếu tố nước ngoài
Đối với di sản thừa kế là bất động sản thì sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản. Bất động sản ở đây là đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai và tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng và theo quy định của pháp luật. Bất động sản là một loại tài sản rất đặc biệt, do là một phần của lãnh thổ quốc gia, không thể sinh sôi, cho nên pháp luật cần phải có quy định riêng về việc thực hiện quyền thừa kế với loại tài sản này.
+ Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được hiểu là người hưởng di sản thừa kế hay người còn sống có được sở hữu bất động sản hay không hoàn toàn do pháp luật của nước nơi có bất động sản quy định.
+ Ví dụ: Ông A là người mang quốc tịch Việt Nam, ông A viết di chúc để lại bất động sản của mình tại Việt Nam cho bà C (em gái) mang quốc tịch Mỹ. Với trường hợp này pháp luật Việt Nam thừa nhận quyền hưởng di sản của bà C nhưng bà C lại không thuộc diện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho nên không thể đứng tên là chủ sở hữu của mảnh đất đó, do đó bà C chỉ được hưởng giá trị của ngôi nhà đó mà thôi.
2. Các trường hợp chia di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài:
Có hai hình thức nhận di sản của người chết là nhận thừa kế theo di chúc và nhận thừa kế theo pháp luật.
2.1. Chia di sản thừa kế theo di chúc:
Để có thể chia di sản thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài thì di chúc cần phải được lập và tuân thủ theo quy định tại Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 cụ thể như sau:
Thứ nhất: Năng lực lập di chúc
– Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thơi điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc. Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển quyền sở hữu tải sản của mình cho người khác sau khi họ chết. Quan hệ thừa kế chỉ phát sinh khi người chết để lại di chúc và di chúc đó là hợp pháp. Người viết di chúc hoàn toàn có quyền định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình.
Ví dụ: Anh A có quốc tịch Việt Nam, có tài sản là bất động sản và động sản tại Việt Nam, tuy nhiên khi anh A đi công tác tại nước ngoài đã lập di chúc để lại di sản của mình. Khi đó năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam
Thứ hai: Hình thức lập di chúc:
Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập và di chúc đó sẽ được công nhận tại Việt Nam nếu nó phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
+ Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
+ Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
+ Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.
Ví dụ: Nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở Mỹ thì phải tuân thủ những quy định của pháp luật Mỹ về hình thức di chúc. Và nếu công dân nước ngoài lập di chúc ở Việt Nam thì phải tuân thủ những quy định của Việt Nam về hình thức di chúc.
Như vậy ta có thể thấy việc xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc trong trường hợp có yếu tố nước ngoài sẽ căn cứ vào quốc tịch của người lập di chúc còn về hình thức của di chúc trong trường hợp có yếu tố nước ngoài không căn cứ vào quốc tịch của người lập di chúc mà căn cứ vào lãnh thổ nơi người để lại di sản lập di chúc
2.2. Chia thừa kế theo pháp luật:
– Chia thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
– Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau:
+ Không có di chúc;
+ Di chúc không hợp pháp;
+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
3. Quy định về thủ tục nhận thừa kế có yếu tố nước ngoài:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
– Phiếu yêu cầu công chứng
– Bản sao di chúc (nếu thừa kế theo di chúc) hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại du sản và người yêu cầu công chứng (nếu chia thừa kế theo pháp luật)
– Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết, giấy đăng ký kết hôn của người đã chết, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,…
– Người khia nhận di sản thừa kế cần chuẩn bị các giấy tờ về nhân thân: chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu,…
– Các giấy tờ về tài sản : Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô,…
–
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Văn phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân nơi có di sản thừa kế sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ
Bước 3: Niêm yết công khai
Sau khi tiếp nhận hồ sơ thì văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản
Sau 15 ngày niêm yết, Ủy Ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết.
Bước 4: Ký chứng nhận và trả kết quả
Sau khi đã tiến hành niêm yết công khai mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã phường sẽ thực hiện giải quyết hồ sơ. Kiểm tra các nội dung trong văn bản dự thảo khai nhận di sản thừa kế, người thừa kế đọc lại nội dung, đồng ý và sẽ được Công chứng viên hoặc cán bộ xã hướng dẫn ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế
Sau đó công chứng viên hoặc cán bộ xã yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ đã nêu ở trên để đối chiếu trước khi xác nhận và đóng dấu
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015