Làm bảng quảng cáo, băng rôn ngoài trời là nhu cầu chính đáng của cá nhân, tổ chức hỗ trợ việc giới thiệu sản phẩm dịch vụ cung cấp đến với khách hàng. Vậy, quy định về thủ tục làm bảng quảng cáo, băng rôn ngoài trời được ghi nhận thế nào? Hành vi nào bị cấm trong hoạt động quảng cáo?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện để làm bảng quảng cáo, băng- rôn:
Hiện nay, nhu cầu làm bảng quảng cáo, băng rôn diễn ra vô cùng phổ biến, nó đóng vai trò quan trọng để quảng bá thương hiệu, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Quá trình làm bảng quảng cáo băng- rôn phải đảm bảo những điều kiện theo quy định của pháp luật, căn cứ theo điều 27 Luật Quảng cáo 2012 thì các cá nhân, tổ chức làm bằng quảng cáo băng rôn phải đảm bảo những điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, khi tiến hành đặt bảng quảng cáo, băng- rôn phải nghiêm chỉnh tuân thủ quy định về khu vực bảo tồn di tích lịch sử- văn hóa. Theo đó việc đặt bảng quảng cáo, băng- rôn không được gây ảnh hưởng đến những khu di tích lịch sử này;
-Thứ hai, Đối với hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia cũng không được đặt bảng quảng cáo làm che khuất; Việc đặt biển quảng cáo không được ảnh hưởng đến tầm nhìn quan sát tín hiệu đèn giao thông và bản chỉ dẫn công cộng;
Đối với đường giao thông, không được đặt những bảng quảng cáo băng ngang qua đường và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và những quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
– Thứ ba, yêu cầu về các thông tin ghi trên bảng quảng cáo và băng rôn. Các thông tin phải chứa đầy đủ tên, địa chỉ của người thực hiện;
– Thứ tư, quy định về các nội dung thể hiện sự tuyên truyền cổ động chính trị chính sách xã hội được ghi trên bảng quảng cáo băng rôn. Theo đó các nội dung trên bảng quảng cáo phải tuân thủ những quy định sau:
+ Các nội dung liên quan đến biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở vị trí phía dưới cùng đối với bảng quảng cáo, băng-rôn dọc và phía bên phải đối với băng-rôn ngang;
+ Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo được thể hiện với diện tích là không quá 20% diện tích bảng quảng cáo, băng-rôn.
– Thứ năm, liên quan đến thời hạn để treo băng rôn là không quá 15 ngày.
2. Thủ tục làm bảng quảng cáo, băng rôn ngoài trời:
Cá nhân, tổ chức khi làm bảng quảng cáo, băng rôn ngoài trời thì cần tuân thủ quy định tại Điều 29 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Cần chuẩn bị 01 văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo. Văn bản này cần được thể hiện rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn;
– Với những cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thì hồ sơ cần có thêm Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo;
– Để được làm bảng quảng cáo thì sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật cần đảm bảo điều kiện về chất lượng. Nên cá nhân cần chuẩn bị thêm bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo theo quy định tại Điều 20 của Luật Quảng cáo 2012;
– Với trường hợp thực hiện quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội thì bắt buộc phải có bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức;
– Đối với trường hợp tự thực hiện quảng cáo thì Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu cần có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.
– Giấy tờ chứng minh văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.
– Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo;
– Cần có thêm bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền
Sau khi chuẩn bị giấy tờ hợp lệ thì cá nhân, tổ chức sẽ nộp tại Sở văn hóa thông tin trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.
Bước 3: Xem xét giải quyết và trả kết quả
Khi tiếp nhận hồ sơ, thì cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương phải tiến hành xem xét và giải quyết trong thời gian là 5 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Việc quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn không được thuộc vào các trường hợp bị cấm tại Điều 8 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo.
3. Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:
– Tiến hành quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã được quy định tại Điều 7 của Luật này;
– Nghiêm cấm việc thực hiện quảng cáo mà làm ảnh hưởng đến tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng;
– Quảng cáo mà gây mất thẩm mỹ, đi ngược với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam gây bức xúc trong cộng đồng;
– Việc quảng cáo gây ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
– Cá nhân không được có hành vi làm ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên nhu cầu quảng cáo cũng phải nghiêm túc tuân thủ;
– Sử dụng việc quảng cáo vì mục đích kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật;
– Lợi dụng nhu cầu chính đáng để quảng bá sản phẩm mà xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
– Đối với trường hợp sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân để quảng cáo thì phải có sự đồng ý từ cá nhân đó. Khi chưa được cá nhân đó đồng ý là đang vi phạm pháp luật, trừ trường hợp được pháp luật cho phép;
– Thông tin được sử dụng để quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Ngoài ra, nội dung liên quan đến số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố cũng không có tính trung thực và chính xác;
– Nhu cầu quảng cáo là việc làm chính đáng tuy nhiên việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh nên không được pháp luật cho phép;
– Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ mang tính chất khẳng định như “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự. Để sử dụng từ ngữ như vậy phải có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
– Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
– Quá trình quảng cáo mà vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ;
– Thực hiện quảng cáo mà gây ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, bất kỳ hành động nào gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em;
– Quá trình ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn;
– Vị trí đặt bảng quảng cá0, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
4. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo:
Căn cứ Điều 42 Nghị định 38/2021 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo:
– Cá nhân hoặc tổ chức có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép treo, dựng, đặt, gắn mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời nhưng lại không đặt đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
+ Các thông tin được thể hiện trong bảng quảng cáo không thể hiện rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn.
Ngoài ra, với những hành vi có tính chất vi phạm nghiêm trọng hơn sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
+ Không tuân thủ diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
+ Đã quá thời hạn được cấp phép quảng cáo nhưng không tự tháo dỡ băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo; không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn rách, nát, mất mỹ quan;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Cá nhân có hành vi đặt biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo mà không đúng vị trí quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;
+ Vi phạm quy định về diện tích được cho phép thể hiện lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;
+ Đối với những khu vực bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa thì có hành vi vi phạm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; làm mất tầm nhìn để quan sát đèn tín hiệu giao thông; chăng ngang qua đường giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng;
+ Hành động tự ý sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn không đảm bảo tính đồng nhất khi tiến hành xin phép ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sau đây:
+ Tự ý sử dụng âm thanh trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời;
+ Không có sự thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.
– Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thì người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:
+ Buộc bổ sung tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
+ Buộc tháo dỡ quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo;
– Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.