Quy định về thời hạn góp vốn thành lập công ty cổ phần. Chia ra nhiều đợt gốm vốn trong thời hạn trên 36 tháng có đúng không?
Quy định về thời hạn góp vốn thành lập công ty cổ phần. Chia ra nhiều đợt gốm vốn trong thời hạn trên 36 tháng có đúng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp sau xử lý như thế nào ạ:
1. Công ty cổ phần A có 9 cổ đông sáng lập, thành lập vào tháng 7 năm 2015
2. Vốn điều lệ ban đầu là 4,9 tỷ, tôi là 1 cổ đông sáng lập đăng ký mua 15% cổ phần
3. Theo Điều lệ công ty quy định thời gian góp vốn chia thành 8 lần góp vốn (từ 7/2015-10/2018)
4. Đợt 1 huy động số vốn là 250.000.000 đồng thì tôi đã đóng góp (x15%) = 37.500.000 đồng
5. Sau 3 tháng có 03 cổ đông xin rút lui và đề nghị công ty mua lại tổng cổ phẩn là 20%, sau đó công ty chia số cổ phần này lại cho 6 cổ đông sáng lập còn lại, tôi nhận thêm 3% nữa vậy cổ phần của tôi là 18%.
6. Đồng thời, Công ty điều chỉnh vốn điều lệ xuống còn 1,9 tỷ
7. Đến 12/2015 huy động vốn đợt 2 là 150 triệu đồng (x18%) = 27,000,000 đồng; Trong thời gian này kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nên không thể tham gia góp vốn được nên tôi đã được sự đồng ý của HĐQT chuyển nhượng 16% cổ phần đăng ký mua cho 1 người ngoài công ty mua lại.
8. Vậy hiện nay tôi chỉ tham gia đăng ký góp số cổ phẩn là 2% so với vốn điều lệ mới của công ty là 1,9 tỷ.
9. Hiện nay các cổ đông khác cũng chỉ tham gia góp vốn qua 2 đợt, tổng số vốn huy động đến nay là 250 triệu đồng (đợt 1) + 150 triệu đồng(đợt 2) = 400 triệu đồng.
Vậy xin thưa luật sư tư vấn giúp: Nếu xét theo từng giai đoạn huy động góp vốn của công ty (qua 2 đợt ) thì tôi chỉ phải đóng tổng số vốn là: 400 triệu đồng x 2%= 8.000.000 đồng đúng không? Tuy nhiên, số tiền tôi đã đóng đợt 1 đã lên đến 37.500.000 đồng rồi, thế thì số tiền còn dư lại của tôi phải xử lý thế nào? Công ty phải trả lại cho tôi phần thừa đã nộp hay sao? Còn nếu số tiền thừa lại đó mà cty không cho rút thì cảm thấy mình bị thiệt thòi hơn các cổ đông khác rất nhiều (đọng vốn làm ăn); Thời gian còn đến hơn 2 năm (và còn đến 6 đợt góp vốn) nữa mới đủ vốn điều lệ 1,9 tỷ. Tôi xin chân thành cảm ơn quý luật sư đã hỗ trợ tư vấn rất nhiều!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Quy định về việc góp vốn công ty cổ phần được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
Thứ nhất, thời hạn thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần quy định tại Điều 112 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
“1. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.
2. Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định tại khoản 1 Điều này, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.”
Như vậy, sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn ngắn hơn thì các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua. Cụ thể, với số vốn điều lệ là 4,9 tỷ đồng thì bạn đã đăng ký mua với tỷ lệ là 15% thì sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn phải thanh toán đủ 4,9 tỷ × 15% = 735.000.000 đồng.
Và các cổ đông còn lại phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo thông tin bạn cung cấp thì việc chia thời hạn góp vốn thành 8 đợt và kéo dài từ tháng 7/2015 đến tháng 10/2018 là trái với quy định của pháp luật. Khi đó, hết thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì hậu quả pháp lý sẽ như sau. Căn cứ khoản 3, 4, 5 Điều 112 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
“3. Nếu sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này.”
>>> Luật sư tư vấn thời hạn góp vốn trong công ty cổ phần: 1900.6568
Đợt 1 góp vốn là 250 triệu đồng thì nên số vốn thực đã góp sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 250 triệu nên công ty phải điều chỉnh vốn điều lệ xuống 250 triệu đồng. Số vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng là số vốn ảo bởi chỉ có 250 triệu đồng trong đó được các cổ đông thanh toán đầy đủ.
Việc không góp đủ số vốn của công ty sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 50/2016/NĐ-CP như sau:
Căn cứ Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.”
Và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp căn cứ điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Khi đó, công ty của bạn buộc phải giảm số vốn điều lệ từ 1,9 tỷ xuống 250 triệu đồng. Khi đó, với tỷ lệ vốn góp của bạn là 2% thì bạn chỉ phải góp: 250.000.000 ×2% = 5.000.000 đồng.
Do bạn đã góp 37.500.000 đồng vốn góp nên bạn sẽ được hoàn trả lại 32.500.000 đồng vốn góp.