Qũy từ thiện được thành lập với mục đích nhân đạo, không đề cao vấn đề lợi nhuận hoặc nếu có cũng sẽ không phân chia. Sự hoạt động của quỹ hoàn toàn có thể sáp nhập, chia, tách, đổi tên. Vậy, quy định về sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ từ thiện được ghi nhận với nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Quy định về sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ từ thiện:
Quỹ từ thiện là một trong những quỹ được tổ chức và hoạt động với mục đích chính là hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, đặc điểm nổi bật là quá trình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngày nay, cách hiểu không vì mục tiêu lợi nhuận là lợi nhuận nếu có phát sinh trong suốt quá trình hoạt động không để phân chia mà chỉ dùng cho các hoạt động theo điều lệ của quỹ đã được công nhận.
Qũy từ thiện được thành lập hợp pháp thì đều trải qua những giai đoạn khác nhau như một doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả việc sáp nhập, chia, tách, đổi tên tùy thuộc vào tình hình thực tế. Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 93/2019/NĐ-CP về vấn đề hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ, cụ thể như sau:
– Theo quy định thì yêu cầu hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan hướng dẫn;
– Thủ tục để tiến hành việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ được thực hiện gồm:
+ Bước 1. Cần chuẩn bị hồ sơ:
Quỹ thực hiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách chuẩn bị giấy tờ và gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này;
+ Bước 2. Xem xét, cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ :
Hồ sơ sau khi được nộp thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ; Nếu nhận thấy không đủ điều kiện để đồng ý yêu cầu này thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
Hệ quả sau hoạt động sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ từ thiện: Các quỹ hợp nhất, quỹ được sáp nhập, quỹ bị chia chấm dứt tồn tại và hoạt động sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này cho phép hợp nhất, sáp nhập và chia quỹ. Liên quan đến các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các quỹ hợp nhất, quỹ được sáp nhập, quỹ bị chia cũng sẽ được chuyển giao cho các quỹ mới và quỹ sáp nhập. Đối với trường hợp tách quỹ, thì quỹ bị tách và quỹ được tách (quỹ thành lập mới) thực hiện quyền, nghĩa vụ phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ và phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của quỹ trước khi tách.
– Hồ sơ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ được thực hiện theo tài liệu, bao gồm:
+ Cá nhân cần chuẩn bị 01 đơn đề nghị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ, trong đó nêu rõ lý do và tên gọi mới của quỹ;
+ Cần nộp cùng bản dự thảo thể hiện nội dung điều lệ quỹ;
+ Gửi kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ; văn bản thể hiện được ý kiến đồng ý của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có);
+ Những dự kiến nhân sự Hội đồng quản lý quỹ cũng là một trong những giấy tờ quan trọng;
+ Đồng thời, xây dựng phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ.
– Hoạt động với mục đích đổi tên quỹ:
+ Hoạt động đổi tên không thể diễn ra tự phát mà cần theo trình tự, theo đó việc đổi tên quỹ phải có nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ, ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có);
+ Để hoàn tất thủ tục này thì Quỹ sẽ tạo hồ sơ và gửi 01 bộ hồ sơ xin đổi tên quỹ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này, hồ sơ gồm các giấy tờ: 01 mẫu đơn đề nghị đổi tên quỹ; nghị quyết của Hội đồng quản lý về việc đổi tên quỹ; dự thảo điều lệ sửa đổi, bổ sung; ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có);
+ Theo quy định thì kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 18 Nghị định này. Hoạt động xem xét và quyết định cấp lại giấy phép về việc đổi tên quỹ và công nhận điều lệ quỹ được diễn ra trong thời hạn 15 ngày làm việc; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ từ thiện:
Hiện nay, theo quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ được thể hiện với các nội dung:
– Bộ trưởng Bộ Nội vụ là cơ quan được trao thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cơ quan này được quyết định việc cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên quỹ; nếu thuộc trường hợp đình chỉ có thời hạn hoạt động thì cũng đưa ra quyết định; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; những hoạt động liên quan đến việc công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; thu hồi giấy phép thành lập, đối với:
+ Những quỹ thành lập có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh;
+ Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh thì cũng nằm trong thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng được trao thẩm quyền:
+ Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh;
+ Thực hiện các vấn đề về sáp nhập, chia, tách, đổi tên đối với quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
3. Tài sản khi quỹ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì được xử lý thế nào?
Khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ có thời hạn và giải thể quỹ thì vấn đề nhận được nhiều thắc mắc là việc xử lý tài sản. Theo pháp luật hiện hành, tài sản khi quỹ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì được xử lý như sau:
– Trường hợp quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì toàn bộ tiền và tài sản của quỹ phải được tiến hành kiểm kê và có biên bản kiểm kê trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; pháp luật nghiêm cấm tuyệt đối hoạt động phân chia tài sản của quỹ. Tiền và tài sản của quỹ mới sau khi được sáp nhập, hợp nhất, chia, tách phải đảm bảo những yếu tố là: tổng số tiền và tài sản của quỹ trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách bằng số tiền sau khi đã sáp nhập, hợp nhất, chia, tách theo biên bản kiểm kê tiền và tài sản. Tổng số tiền và tài sản của các quỹ mới được chia, tách phải bằng với số tiền và tài sản của quỹ trước khi chia, tách theo biên bản kiểm kê tiền và tài sản;
– Xét đến trường hợp quỹ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn thì toàn bộ tiền và tài sản của quỹ được xử lý bằng cách: tiến hành các hoạt động kiểm kê và giữ nguyên hiện trạng tài sản. Trong thời gian bị đình chỉ có thời hạn hoạt động, quỹ chỉ được chi các khoản có tính chất thường xuyên cho bộ máy hoạt động đến khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Theo quy định thì nếu quỹ bị giải thể sẽ không được phép tiến hành phân chia tài sản của quỹ. Việc bán, thanh lý tài sản của quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;
– Toàn bộ số tiền hiện có của quỹ và tiền thu được do bán, thanh lý tài sản của quỹ khi quỹ giải thể được thanh toán theo thứ tự sau:
+ Ưu tiên đầu tiên được chi trả cho khoản chi phí giải thể quỹ;
+ Sau đó là xử lý các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và
+ Cuối cùng là khoản nợ thuế và các khoản phải trả khác theo đúng quy định.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.