Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp? Quy định về quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp?
Giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang dần trở nên phổ biến và đóng góp những vai trò quan trọng của cuộc sống, nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động từ đó đã đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cũng như tạo điều kiện, công việc cho người dân. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa cùng với những tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tác động tới giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi cần có những quy định cụ thể trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này. Bài viết dưới đây công ty TNHH Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp?
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp:
1.1. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là gì?
Quản lý nhà nước và hoạt động quản lý nhà nước như chúng ta đã biết luôn luôn tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người, từ khi nhà nước ra đời.
Quản lý nhà nước được hiểu từ nhiều cách tiếp cận khác nhau cụ thể như quản lý theo chức năng, quản lý theo mục tiêu, quản lý theo quá trình.
Theo các quan niệm truyền thống thì quản lý nhà nước là sự tác động mang tính quyền lực của các cơ quan nhà nước hay nói cách khác là các chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý bao gồm các cá nhân, tổ chức và cả các quá trình xã hội, hướng tới đạt được mục tiêu quản lý. Từ cách tiếp cận này, ta nhận thấy, quản lý nhà nước là sự tác động của quyền lực nhà nước ở cả ba chức năng cơ bản là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từ ba chức năng này đã hình thành ba phân nhánh quyền lực đó là:
– Lập pháp: cụ thể là Quốc hội và các cơ quan Quốc hội.
– Hành pháp: cụ thể là Chính phủ và các cơ quan Chính phủ.
– Tư pháp: cụ thể là Kiểm sát,
Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là một trong các hoạt động quản lý nhà nước, theo cách hiểu truyền thống thì quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là sự tác động bằng quyền lực của các cơ quan hành pháp đối với các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhằm đạt mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước trong các giai đoạn khác nhau.
1.2. Đặc điểm của quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp:
Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay có một số đặc điểm sau:
– Thứ nhất, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước. Với các chức năng được Hiến pháp và Pháp luật quy định, Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội các sắc luật về giáo dục nghề nghiệp và các luật có liên quan; xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, điều hành các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo đúng các quy định của pháp luật.
– Thứ hai, Chính phủ giao cho một cơ quan của Chính phủ cụ thể, mới đây là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước.
– Thứ ba, tham gia quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn có các Bộ, ngành khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền hoặc ủy quyền.
Như vậy, thông qua các đặc điểm được nêu trên, ta có thể thấy, chủ thể của việc quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ ở cấp trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp ( quản lý ngành và lãnh thổ).
Khi đã có hoạt động quản lý thì luôn luôn có các chủ thể thực hiện hoạt động quản lý và các chủ thể là đối tượng bị quản lý. Trong quá trình quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đối tượng quản lý ở đây là toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bao gồm bản thân hệ thống (cấu trúc, cơ chế hoạt động, các hoạt động về giáo dục nghề nghiệp); các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
2. Quy định về quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp:
Quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp được pháp luật Việt Nam quy định như sau:
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng trình Chính phủ.
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng trình Thủ tướng.
– Ban hành các thông tư, quyết định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo thẩm quyền.
– Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo.
– Quy định yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.
– Quy định quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng được thực hiện theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.
– Quy định cụ thể điều kiện, yêu cầu, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề.
– Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo; quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo chuyên ngành hoặc nghề, theo niên chế
– Quy định cụ thể trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ của nhà giáo giảng dạy các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
– Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên.
– Quy định về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo chuyên ngành hoặc nghề
– Quy định danh mục những ngành, nghề đào tạo theo chuyên ngành hoặc nghề ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp.
– Quy định điều kiện, thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
– Quản lý, tổ chức hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp và công nhận tương đương đối với người tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài.
– Hướng dẫn việc xếp hạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
– Quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường cao đẳng công lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường cao đẳng tư thục, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài; công nhận trường cao đẳng tư thục, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
– Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của hội, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp.
– Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về giáo dục nghề nghiệp.
– Định kỳ tổ chức và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hội giảng nhà giáo dạy giỏi, hội thi thiết bị đào tạo tự làm, hội thi.
– Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp.
– Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Nhờ việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành kịp thời và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nên việc quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển; chất lượng đào tạo nghề nghiệp dần được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Ngoài những ưu điểm nên trên thì công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp hiện nay còn bộc lộ một số tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới. Sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn khá hạn chế, một số địa phương vẫn có sự chồng chéo về quản lý giữa hai ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với Giáo dục Đào tạo dẫn đến những sai sót và bất cập trong quá trình quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.
Chính bởi vì thế mà quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh trong bối cảnh như hiện nay. Cùng với đó dưới tác động và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nói riêng và hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói chung cần phải thay đổi để thích ứng.