Khái quát về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng? Quy định của pháp luật về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng?
Ở đất nước nào cũng vậy nạn tham nhũng là điều luôn luôn tồn tại và gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia, nó gây tổn hại đến ngân sách nhà nước cũng như gây mất uy tín của nhà nước đối với nhân dân; do đó cần phải nhanh chóng có các biện pháp nhằm hướng đến việc hạn chế và ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, hiện nay một trong các biện pháp hiệu quả nhất chính là từ sự phản ánh, tố cáo và báo cáo của những người phát hiện ra hành vi tham nhũng. Vậy pháp luật quy định như thế nào về phản ánh, tố cáo và báo cáo về hành vi tham nhũng, để hiểu rõ hơn thì sau đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái quát về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
- 2 2. Quy định của pháp luật về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
- 2.1 2.1. Quyền phản ánh, tố cáo và trách nhiệm xử lý phản ánh tố cáo về hành vi tham nhũng:
- 2.2 2.2. Báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng:
- 2.3 2.3. Bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
- 2.4 2.4. Khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
- 2.5 2.5. Trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
1. Khái quát về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
1.1. Hành vi tham nhũng là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng 2018: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Trong đó:
– Cán bộ, công chức, viên chức là một trong những đối tượng của người có chức vụ, quyền hạn. Đối tượng này là người được bổ nhiệm, bầu cử, tuyển dụng, ký hợp đồng… có hoặc không có hưởng lương, có quyền hạn nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định được giao.
– Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng.
Như vậy, theo định nghĩa này, đối tượng tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn và người này phải lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được một lợi ích nào đó không chính đáng.
Các hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức được nêu tại Điều 2 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ; nhũng nhiễu vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi…
1.2. Phản ánh, tố cáo, báo cáo là gì?
Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Báo cáo là một loại văn bản dùng để trình bày một sự việc hoặc các kết quả hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một thời gian nhất định, qua đó cơ quan, tổ chức có thể đánh giá tình hình thực tế của việc quản lý, lãnh đạo định hướng những chủ trương mới phù hợp.
Trong tiếng Anh Tham nhũng có tên gọi là Corruption.
2. Quy định của pháp luật về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
2.1. Quyền phản ánh, tố cáo và trách nhiệm xử lý phản ánh tố cáo về hành vi tham nhũng:
Theo Điều 65 Luật Phòng chống tham nhũng 2018:
Điều 65. Phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng
1. Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo.
3. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
4. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.
Theo Điều luật về quyền phản ánh và tố có về hành vi tham nhũng sẽ được chia ra cụ thể:
– Đối với quyền phản ánh: Khi phát hiện hành vi tham nhũng thì mọi công dân hay có thể là tổ chức không có sự phân biệt đều có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết sự phản ánh của người, tổ chức phản ánh.
– Đối với quyền tố cáo: Theo quy định của điều luật trên thì chỉ có cá nhân mới có quyền tố cáo khi phát hiện hành vi tham nhũng đến cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo.
Sau khi đã nhận được sự phản anh, tố cáo về hành vi tham nhũng thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải nhanh chóng tiền hành xem xét và xử lý kịp thời nội dung phản ánh và tố cáo về hành vi tham nhũng; đồng thời nhằm đảm bảo cho sự an toàn cho quyền và lợi ích của công dân thì các chủ thể này phải có các biện pháp bảo vệ người, tổ chức phản ánh và người tố cáo trước những tác nhân có thể gây thiệt hại đến lợi ích của họ.
Về thủ tục tiếp nhận, xử lý và giải quyết phản ánh, tố cáo sẽ được thực hiện theo Luật tố cáo và pháp luật về tiếp công dân.
2.2. Báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng:
Theo Điều 66 Luật Phòng chống tham nhũng
Quyền báo cáo: Khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác thì Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang phải báo cáo ngày với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ.
Thời hạn xử lý báo cáo: là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo cho người báo cáo biết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì người được báo cáo quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.
2.3. Bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
Căn cứ theo Điều 67 Luật Phòng chống tham nhũng 2018:
Điều 67. Bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
1. Việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
2. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo.
Theo đó người phản ánh, tố cáo và người báo cáo sẽ được áp dụng các biện pháp bảo vệ như người tố cáo theo Luật về tố cáo cụ thể:
Người phản ánh, tố cáo, báo cáo có quyền được bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Thông tin cá nhân của người tố cáo được bảo vệ bí mật, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.
Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của họ hoặc người thân đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi công tác, nơi làm việc do việc phản ánh,tố cáo, báo cáo người giải quyết, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của họ quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
2.4. Khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
Căn cứ theo Điều 68 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 để nhằm nâng cao tinh thần trong công cuộc phòng chống tham nhũng của nhà nước, cũng như khuyến khích, động viên những hành động dũng cảm của những người đã giám đứng lên vạch trần các hành vi tham nhũng gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và lợi ích của xã hội thì nhà nước đã có các quy định về việc khen thưởng đối với người có công trong công cuộc phát hiện phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng. Việc khen thưởng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2.5. Trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
Căn cứ theo Điều 69 Luật phòng chống tham nhũng 2018
Điều 69. Trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
1. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của nội dung phản ánh, báo cáo.
2. Người tố cáo hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình theo quy định của Luật Tố cáo.
Theo quy định của pháp luật người phán ánh, tố cáo, báo cáo hành vi tham nhũng phải đảm bảo tính trung thực của các nội dung mà mình đã nói ra; đồng thời phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hành vi phản anh, tố cáo, báo cáo sai sự thật gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và lợi ích của người liên quan bị ảnh hưởng từ các thông tin sai sự thật của mình.